Đối với người Á Đông, bếp là phần rất quan trọng trong ngôi nhà, là biểu tượng của mái ấm gia đình và sự đoàn tụ.
Bếp không có lửa là biểu hiện của sự lạnh lẽo, trống vắng… Về tâm lý hay phong thủy, căn bếp có vai trò quan trọng với ngôi nhà.
Trong nhà bếp, lò nấu hay bếp nấu đóng vai trò rất quan trọng, là biểu tượng của căn phòng. Khi chọn vị trí đặt bếp, nên đặt ở các hướng xấu như họa hại, ngũ quỷ, lục sát hay tuyệt mệnh và nhìn về hướng tốt, nhất là hướng sanh khí của chủ nhà.
Không nên để bếp nấu đối diện với cửa chính, vừa bước vào nhà đã thấy ngay bếp trước mặt. Nếu nhà bếp có cửa thì luôn đóng lại. Nếu không thì đặt một chiếc bình phong ngăn cách tầm nhìn hoặc đơn giản hơn treo chiếc phong linh giữa bếp và cửa chính. Nên đặt bếp sát tường để có điểm tựa, tránh vị trí cửa sổ, hay phía sau bếp là cửa kính.
Mỗi nhà thường có ít nhất một nồi cơm điện thì khi sắp xếp phải làm sao cho chỗ tiếp giáp giữa nồi cơm với dây điện cắm vào ổ cắm phải nằm vào hướng tốt của ngôi nhà. Chẳng hạn, hướng sanh khí của chủ nhà là ở hướng nam thì chỗ cắm điện cũng phải ở trên vách tường hướng nam của nhà bếp, để dòng điện phát ra từ hướng sanh khí.
Trong phong thủy, bếp là hành hỏa, bồn rửa chén là hành thủy, theo ngũ hành tương khắc, hai đồ vật này vốn kỵ nhau, không nên đặt gần. Nếu những căn nhà chung cư, đã được bố trí sẵn, có thể hóa giải bằng cách đặt ngăn cách giữa bếp với bồn rửa bằng một vật dụng bằng gỗ như thớt hay vật dụng cắm dao bằng gỗ… để cách li.
Tủ lạnh cũng nên đặt tại các hướng dữ như lục sát, họa hại… để kìm giữ. Nhiều ngôi nhà đặt bếp và tủ lạnh, bồn rửa thành một cụm. Bếp tượng trưng cho sự thịnh vượng của gia đình nên cần phải giữ cho hành hỏa mạnh hơn bằng cách tách cụm liên kết 3 vật dụng trên bằng những vật dụng gỗ để hành thủy của bồn rửa và tủ lạnh nuôi dưỡng mộc rồi mộc vượng sẽ làm cho hành hỏa của bếp càng hưng thịnh.
Thiên An/thanhnien