“Cá tính” Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nói đến Pleiku, những người chưa đặt chân đến mảnh đất ẩn chứa nhiều huyền bí này đều nghĩ đến trập trùng đồi dốc, triền miên núi rừng và nhà sàn với những người đàn ông đóng khố và phụ nữ để ngực trần, quấn xà rông. Những người may mắn đã đến đây, phải mất nhiều ngày với sự chú tâm hết mức mới nhận ra những điều dễ thương mà chỉ riêng Pleiku mới có…
Đô thị xanh
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, đô thị Pleiku tới thời điểm này chủ yếu vẫn phát triển dựa trên những gì có sẵn từ trước tới nay. Cảnh quan đô thị, kiến trúc đô thị chưa được xử lý đúng mức đã tạo nên một đô thị Pleiku na ná như các đô thị khác. Hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, nhiều nơi chỉ chú tâm đến mục tiêu phát triển kinh tế, trong khi không gian tiện ích cộng đồng và không gian xanh trong đô thị vẫn chưa đạt như mong muốn của người dân.
Đường Trần Quang Khải- TP.Pleiku. Ảnh: Hà Duy
Đường Trần Quang Khải- TP.Pleiku. Ảnh: Hà Duy
Theo ông Lê Vinh- Giám đốc Sở Xây dựng: “Để quy hoạch một đô thị đảm bảo môi trường sống cho con người là vô cùng quan trọng, nhất là cây xanh đô thị. Song, đô thị Pleiku ngày càng phát triển, quỹ đất không còn như xưa do mật độ xây dựng dày lên với những công trình lớn- nhỏ đủ loại và để đảm bảo giao thông đô thị… Cây xanh bị triệt hạ”. Theo quy chuẩn, tỷ lệ dành cho cây xanh, thảm cỏ phải đáp ứng từ 15% đến 20% diện tích khu dân cư.
Với nỗ lực nhằm đạt được mục tiêu Pleiku sẽ được công nhận là đô thị loại I trước năm 2020, là thành phố trung tâm cấp vùng thuộc khu vực Bắc Tây Nguyên và là đô thị xanh bền vững, chính quyền địa phương, các ngành chức năng đã đề ra những kế hoạch cụ thể để hành động. Theo thông tin từ Công ty Công trình Đô thị TP. Pleiku, nhiều tuyến đường nội thành đã được trồng cây mới với tổng số trên 5.000 cây xanh các loại. Thông cũng đã bắt đầu hiện diện dọc một số tuyến đường (trừ những tuyến đường đã ổn định về mật độ, chất lượng cây trồng) hứa hẹn tương lai Phố núi Pleiku sẽ là một thành phố của thông ba lá. Các khu đô thị mới, khu dân cư mới trong quy hoạch đều có những tính toán cụ thể, đáp ứng đầy đủ yêu cầu về diện tích khoảng xanh.
Bản sắc Phố núi
Đã có du khách thật sự bất ngờ bởi sự phát triển nhanh chóng của đô thị Pleiku. Năm 1999, dù mới là đô thị loại III, nhưng Pleiku vẫn bị đánh giá là… non theo tiêu chuẩn, sau 10 năm, Pleiku đã đường hoàng “lên hạng” là đô thị loại II. Nhưng chỉ có người bản địa, người sống lâu năm tại Phố núi “đi dăm ba phút đã về chốn cũ” này mới nhận ra sự đổi thay (tiếc là đáng buồn): Thông ít đi, sương mù cũng ít đi, Pleiku cũng ít thơ mộng hơn, mất đi một ít “bản sắc”.
Một Pleiku đã từng có bản sắc, một bản sắc rất riêng. Đó là hệ thống giao thông nhiều dốc, uốn lượn bám theo địa hình tự nhiên; là các hồ nước tự nhiên và nhân tạo từ các khe suối, tụ thủy nằm bên những cánh rừng thông ba lá xanh ngút ngàn xen lẫn những vạt hoa cúc quỳ vàng rực rỡ; là những buôn làng truyền thống đầy bản sắc trong lòng đô thị, với các không gian lễ hội, không gian văn hóa cồng chiêng độc đáo đã được thế giới công nhận là di sản của nhân loại đã dường như không tồn tại nữa.
Trước đây, Pleiku từng là một đô thị được quy hoạch và xây dựng theo kiểu lý thuyết tầng bậc của châu Âu khá rõ nét với một lịch sử hình thành và phát triển hơn 80 năm. Nhưng xót lòng biết bao khi bóng dáng những hàng thông cổ kính trong lòng Phố núi không còn nữa. Xây dựng một đô thị hiện đại có vẻ dễ hơn nhiều so với xây dựng một đô thị giàu bản sắc, có phong cách địa phương.
Về điều kiện tự nhiên, nhìn từ trên cao, Pleiku như những chiếc bát lớn nhỏ kề nhau mà núi Hàm Rồng chính là cái bát lớn nhất, cái đặt ngửa chứa đầy nước là Biển Hồ. Địa hình không bằng phẳng đã tạo nên những lớp nhà cao thấp khác nhau. Thấp nhất là các dòng chảy, khe suối và ruộng lúa mà trong tương lai sẽ là những hồ nước mênh mông, góp phần tô điểm cảnh quan và cải thiện môi trường đô thị.
Theo quy hoạch, nhằm trả lại đặc trưng vốn có của Phố núi, thành phố sẽ hạn chế hết mức việc san ủi mặt bằng cũng như chặt cây, tạo thêm khoảng xanh ở các khu phố đảm bảo các công trình công cộng không vượt quá 50% diện tích khu đất. Đặc biệt, thành phố sẽ nghiên cứu trồng các loại cây xanh phù hợp trong đô thị như thông, kơ nia, sao, dầu nước, long não và ưu tiên nhất vẫn là cây thông.
“Không gian chức năng” như không gian sinh hoạt lễ hội, không gian phục vụ các phong tục, tập quán lành mạnh, không gian tín ngưỡng… là hạng mục rất được quan tâm trong quy hoạch xây dựng đô thị. Bởi đây là một phần rất quan trọng tạo nên bản sắc riêng cho đô thị Pleiku. Và bản sắc ấy tất nhiên không thể thiếu những công trình kiến trúc mang phong cách đặc trưng Tây Nguyên và đó chính là sự kết hợp hài hòa, hợp lý giữa điều kiện tự nhiên, văn hóa và con người.
Hình hài một đô thị Pleiku thân thiện với môi trường, đậm đà bản sắc đang ngày một rõ nét. Chúng ta cùng hy vọng trong tương lai gần sẽ tự hào giới thiệu với bạn bè khắp nơi về một thành phố sương mờ giăng giăng mỗi sớm mai, một thành phố rợp ngời thông và một thành phố năng động, cá tính và đậm đà bản sắc!
Hà Duy

Có thể bạn quan tâm