Cà chua trái vụ ở vùng biên Đắk Nông trúng mùa, được giá

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thời điểm này, nhiều nông dân ở huyện biên giới Tuy Đức đang phấn khởi bước vào vụ thu hoạch cà chua trái mùa, trúng mùa, được giá. 
 
Vụ cà chua năm nay người dân vùng biên Tuy Đức phấn khởi vì vừa trúng mùa, lại được giá. Ảnh: Nguyễn Tâm
Vụ cà chua năm nay người dân vùng biên Tuy Đức phấn khởi vì vừa trúng mùa, lại được giá. Ảnh: Nguyễn Tâm
Năm 2022, toàn huyện Tuy Đức trồng trên 48ha cà chua. Trong đó, diện tích gieo trồng tập trung chủ yếu trên địa bàn xã Quảng Tâm và Đắk Búk So. 
Thời điểm này, nhiều diện tích cà chua trái vụ của người dân huyện Tuy Đức đang bước vào thời kỳ thu hoạch. Vụ này, bà con nông dân vô cùng phấn khởi bởi cà chua  vừa được mùa, lại được giá. 
Năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Minh, ở xã Đắk Búk So trồng hơn 5 sào với hơn 10.000 cây cà chua. Chi phí đầu tư cho mỗi cây cà chua từ khi trồng đến lúc thu hoạch hết khoảng từ 12 – 15 ngàn đồng. 
Vụ này thời tiết thuận lợi, nên cà chua đạt năng suất cao, chất lượng quả đồng đều. Đặc biệt, từ khi bước vào vụ thu hoạch, cà chua bán được giá khá cao (18.000 đồng/kg). "Vụ này gia đình ông Minh thu được trên 40 tấn quả, sau khi trừ chi phí thì có lãi trên 200 triệu đồng" - anh Minh cho biết.
Còn anh Võ Phú Thanh, ở xã Đắk Buk So cũng phấn khởi: “Trồng cà chua trái vụ năng suất không đạt bằng chính vụ nhưng giá cả cao hơn. Đặc biệt người nào mà có đầu ra ổn định thì chỉ cần vài sào thôi cũng đã có nguồn thu nhập khá”.
 
Người dân ở huyện Tuy Đức phấn khởi bước vào vụ thu hoạch cà chua. Ảnh: Nguyễn Tâm
Người dân ở huyện Tuy Đức phấn khởi bước vào vụ thu hoạch cà chua. Ảnh: Nguyễn Tâm
Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Đức, để vườn cà chua cho năng suất cao, người dân phải biết cách áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để chăm sóc vườn cà chua một cách bài bản.
Hiện nay, hầu hết diện tích cà chua ngoài trời đều được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, sử dụng màng phủ nông nghiệp để giữ ẩm. Việc này cũng nhằm hạn chế dinh dưỡng bị rửa trôi, ngăn chặn cỏ dại, sâu bệnh phá hoại cây cà chua. 
Ông Kiều Quý Diện, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Đức cho biết, bà con nông dân huyện Tuy Đức đang trồng cà chua theo bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng bón phân hữu cơ...
Vì vậy, chất lượng cà chua ở địa phương luôn được thị trường đón nhận. Nhờ làm chủ được công nghệ nên cà chua của người dân địa phương sản xuất đã mang lại năng suất khá cao, đạt 8 - 12 tấn/sào.
"Hiện nay, sản phẩm cà chua của huyện Tuy Đức đang hình thành chuỗi liên kết, sản xuất theo nhu cầu thị trường. Thế nên, sản phẩm cà chua của địa phương đã có mặt rộng rãi tại nhiều cửa hàng, siêu thị ở các tỉnh, thành trong cả nước" - ông Diện cho hay.
Theo Bảo Lâm (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.