Buôn làng ở Đắk Lắk vang tiếng cồng chiêng mỗi ngày

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hiện nay, một số buôn làng ở tỉnh Đắk Lắk đang vang tiếng cồng chiêng mỗi ngày. Đây là hoạt động giáo dục có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc duy trì, bảo tồn văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ ở các buôn làng. 
 
Các bạn trẻ ở buôn làng tham gia các lớp dạy đánh cồng chiêng. Ảnh: L.H
Các bạn trẻ ở buôn làng tham gia các lớp dạy đánh cồng chiêng. Ảnh: L.H
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk đang phối hợp với Trung tâm hợp tác Quốc tế tỉnh Jeollabuk, Hàn Quốc tổ chức 3 lớp truyền dạy đánh cồng chiêng tại 3 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở huyện Krông Ana và Lắk.
Cụ thể, tại huyện Lắk, lớp truyền dạy đánh cồng chiêng được tổ chức tại buôn Liêng Ông, xã Đắk Phơi cho 20 học viên người dân tộc M'nông ở độ tuổi từ 15-25.
Tại huyện Krông Ana có 2 lớp dạy đánh cồng chiêng. Trong đó, lớp truyền dạy đánh chiêng Jhô của người Ê đê Bih buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp dành cho 20 bé gái độ tuổi từ 6-12 tuổi. Còn lớp truyền dạy đánh cồng chiêng tại xã Drai Sáp dành cho 21 học viên nam, nữ độ tuổi từ 20-40 tuổi.
Theo Ban tổ chức, các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng diễn ra sẽ kéo dài trong khoảng thời gian 2 tháng. Trong thời gian theo học, các học viên được học cách diễn tấu các bài chiêng cơ bản. Những người trực tiếp giảng dạy là các nghệ "cây nhà lá vườn", am hiểu nghệ thuật cồng chiêng tại địa phương. 
Mục tiêu của các lớp truyền dạy cồng chiêng nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả phương án bảo tồn và phát triển văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên trong tình hình hiện nay.
Ngoài ra, các lớp học cũng tạo điều kiện cho đội ngũ nghệ nhân cồng chiêng, các bạn trẻ có điều kiện giao lưu, học hỏi, trao dồi đổi kỹ năng. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng văn hoá cồng chiêng ở cho các địa phương.
Em H’Doanh Êban, một học viên ở thị trấn Buôn Trấp chia sẻ: “Ngay từ nhỏ, nhìn các nghệ nhân đánh cồng chiêng trong các lễ hội, em thích lắm và cao ước có ngày mình sẽ đánh được những bài chiêng truyền thống của dân tộc. Vì vậy, khi cơ quan chức năng tổ chức lớp truyền dạy cồng chiêng ở buôn làng em và các bạn đều rất vui vẻ và hăng hái tham gia. Đây là dịp để em và các bạn có thêm nhiều hiểu biết về nét đẹp văn hóa của dân tộc mình”.
Theo ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại năm 2005.
Thời gian quan, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản cồng chiêng. Trong đó, đơn vị đã chủ động phối hợp với các địa phương mở các lớp truyền dạy đánh chiêng, cấp phát chiêng và trang phục truyền thống của các dân tộc tại chỗ cho các buôn làng.
Đặc biệt, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan liên quan mời nguồn lực hỗ trợ, tài trợ để thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Theo Phan Tuấn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm