Bỏ phố lên núi... trồng bơ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trần Lâm Phương Tâm từng từ bỏ cơ hội làm việc ở Mỹ để trở về Việt Nam theo “tiếng gọi của tình yêu”. Rồi khi đang yên ổn với công việc tại một công ty xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công thương ở TP. Hồ Chí Minh, vợ chồng chị lại quyết định từ bỏ tất cả để dắt nhau lên Gia Lai làm nông dân trồng bơ, bất chấp sự ngăn cản của gia đình. Nhưng thời gian đã chứng minh rằng, đây là lựa chọn đúng đắn.
Những ngày cận Tết Kỷ Hợi, chúng tôi có dịp đến tham quan mô hình trồng bơ Hass (một giống bơ Mỹ) của vợ chồng chị Trần Lâm Phương Tâm ở tổ dân phố 1 (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai). Nhìn vườn bơ 14 ha được trồng vô cùng bài bản, không ai nghĩ chủ nhân của nó lại là cặp vợ chồng trẻ tay ngang làm nông nghiệp.
“Phải duyên” với... nghề nông
Chị Tâm sinh năm 1988 tại Quảng Trị. Năm 2012, chị tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, chuyên ngành Quản trị kinh doanh quốc tế với tấm bằng giỏi và trở thành một trong 4 sinh viên của trường được Tổ chức Giáo dục CIEE của Mỹ cấp học bổng du học Mỹ theo diện giao lưu văn hóa. “Sang Mỹ, tôi có điều kiện đi du lịch, tìm hiểu khám phá nhiều nơi. Đặc biệt, khi đến bang California, tôi thật sự bị cuốn hút bởi cách làm nông nghiệp hiện đại ở trang trại bơ Hass. Tôi nghĩ, tại sao giống bơ có giá trị kinh tế cao này lại không thể trồng ở Việt Nam? Câu hỏi ấy cứ thôi thúc tôi. Cũng từ đấy, tôi “phải duyên” với loài bơ này. Lúc về nước, tôi lên Lâm Đồng thăm bà con. Thời điểm đó, một người chú của tôi đã ghép thành công chồi bơ Hass vào gốc cây bơ giống nội địa. Sau 24 tháng ghép chồi, bơ Hass đã cho thu hoạch, chất lượng đảm bảo”-chị Tâm cho biết.
 Vợ chồng chị Tâm tiên phong đưa giống bơ Hass về vùng đất Ia Grai. Ảnh: P.L
Vợ chồng chị Tâm tiên phong đưa giống bơ Hass về vùng đất Ia Grai. Ảnh: P.L
Tôi hỏi: Vậy cơ duyên cơ nào mà Tâm lại về Ia Grai làm nông dân? Chị Tâm cười: “Chuyện dài lắm chị”. Rồi chị kể cho tôi nghe về “thiên tình sử” của vợ chồng mình. Ngày học ở Mỹ, hầu hết các bạn của chị đều tìm kiếm việc làm và chọn ở lại đất nước này. Tâm cũng được một công ty của Mỹ mời làm việc nhưng chị đã từ chối bởi lời ước hẹn với anh Bùi Văn Thi-chàng trai quê Hải Dương mà chị đã đem lòng yêu thương từ lâu. Giữ đúng lời hẹn ước, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, chị trở về nước, kết duyên cùng anh Thi và xin vào làm ở một công ty xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công thương tại TP. Hồ Chí Minh.
Những ngày ở TP. Hồ Chí Minh, chị Tâm chia sẻ với chồng về tình yêu với nghề nông của mình và mong muốn có đất để trồng bơ Hass. Cũng trong thời gian này, anh Thi đưa vợ về thăm người dì của mình ở huyện biên giới Ia Grai. Thấy thổ nhưỡng và khí hậu ở Ia Grai rất hợp để phát triển trồng bơ Hass, vợ chồng chị Tâm quyết định rời TP. Hồ Chí Minh để về đây khởi nghiệp. “Lúc ấy, mẹ tôi khóc nhiều lắm, bố tôi cũng muốn từ mặt con luôn. Cuộc hôn nhân của tôi thực sự không suôn sẻ vì bố mẹ không đồng ý, giờ lại bỏ công việc tốt lên Tây Nguyên làm nông nghiệp nên gia đình tôi phản đối dữ lắm. Nhưng đã trót “phải duyên” nghề nông rồi nên vợ chồng tôi quyết tâm chọn vùng đất Ia Grai để thực hiện ước mơ của mình”-chị Tâm bày tỏ.
Khát vọng làm giàu trên vùng biên giới
Đến trang trại của vợ chồng chị Tâm, lần đầu tiên chúng tôi mục sở thị cây bơ Hass. Tại đây, hơn 6.000 gốc bơ Hass được chăm sóc kỹ lưỡng, phân cành, tạo tán nhìn như những cây bon sai khiến chúng tôi cảm thấy như lạc vào một điền trang ở nước ngoài thường bắt gặp trên ti vi. Vợ chồng chị Tâm cho biết, đặc điểm của dòng bơ Hass này là thân thấp, trái nhỏ, da sần sùi khác hẳn với giống bơ bản địa thân cao, trái to, mẫu mã đẹp. Khi chín, vỏ trái bơ sẽ chuyển từ màu xanh sang tím. Thời gian bảo quản bơ Hass lên đến 1 tháng mà chất lượng vẫn thơm ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao. Chính vì vậy, bơ Hass được xếp vào danh sách các loại bơ xuất khẩu hàng đầu hiện nay và chiếm 80% thị trường bơ thế giới.
Nhớ lại những ngày đầu đặt chân đến Ia Grai, anh Bùi Văn Thi chia sẻ: Bước đầu khởi nghiệp có vô vàn khó khăn bởi gia đình không ủng hộ, mức đầu tư lớn mà không biết kết quả sẽ ra sao. Giống bơ Mỹ này hiếm nên khi xuống giống, vợ chồng tôi phải thay phiên nhau canh giữ, vậy mà năm 2016 vẫn bị kẻ gian chặt trộm 200 gốc, thiệt hại gần 200 triệu đồng. Nhưng khó khăn nào rồi cũng qua đi, nhất là khi vợ chồng cùng chung chí hướng. Được người chú bên Lâm Đồng hỗ trợ về giống, kỹ thuật và bạn bè hỗ trợ về vốn, ban đầu, vợ chồng tôi mua 8 ha đất để trồng bơ. Sau này, chúng tôi mạnh dạn vay ngân hàng mua thêm được 6 ha nữa. Hiện gia đình đã trồng được hơn 6.000 gốc bơ Hass, hầu hết đã cho thu hoạch với sản lượng tốt, chất lượng đảm bảo theo tiêu chuẩn châu Âu.
Từ những kiến thức đã học được ở trong và ngoài nước, chị Tâm hiểu thị trường thế giới đang cần gì ở sản phẩm nông nghiệp Việt Nam nói chung và quả bơ Hass nói riêng. Từ đó, vợ chồng chị đầu tư chăm sóc bơ Hass đúng quy trình hữu cơ. Chuyên ngành Quản trị kinh doanh quốc tế từng học cũng giúp chị thuận lợi khi tìm đầu ra cho sản phẩm. “Hiện tại, bơ Hass của gia đình tôi chưa đủ cung ứng cho chuỗi cửa hàng trái cây ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội thì chưa thể nói đến xuất khẩu. Để có sản phẩm cung ứng cho thị trường, chúng tôi đang đẩy mạnh mở rộng vùng nguyên liệu. Việc này được lãnh đạo huyện Ia Grai rất quan tâm và chia sẻ”-chị Tâm cho biết.
Cùng với việc mở rộng quy mô sản xuất, quyết tâm làm giàu từ trái bơ Hass và các loại cây ăn trái khác, vợ chồng chị Tâm đã thành lập Công ty TNHH Xuất nhập khẩu bơ Mỹ Hoàng Gia. Tháng 9-2018, Công ty đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép dự án nhà máy sơ chế và chế biến trái cây xuất khẩu đầu tiên trên địa bàn huyện Ia Grai. Ông Dương Mah Tiệp-Chủ tịch UBND huyện Ia Grai-cho biết: “Mô hình trồng bơ Hass, chế biến, xuất khẩu trái cây của vợ chồng chị Tâm bước đầu cho thấy kết quả tích cực. Lãnh đạo huyện cũng vừa gặp mặt chủ mô hình để lắng nghe, cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai dự án và mở rộng vùng nguyên liệu để từ đó nhân rộng mô hình, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, hướng tới sản xuất nông nghiệp công nghệ cao”.
Được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, hiện nay, vợ chồng chị Tâm đang phối hợp với Hội Nông dân huyện Ia Grai đến 13 xã, thị trấn trên địa bàn tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây bơ Hass cho nông dân. Nếu bà con nông dân trồng bơ Hass và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật thì Công ty sẽ bao tiêu sản phẩm. Cây bơ Hass chăm sóc tốt sau 24 tháng sẽ cho thu hoạch. Hiện tại, bơ Hass mua tại vườn có giá từ 120.000 đồng đến 150.000 đồng/kg. Ông Phan Đình Thắm-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ia Grai-cho biết: “Sản xuất nông nghiệp của huyện đang rất bấp bênh, trồng hồ tiêu thì cây chết, cà phê thì xuống giá. Thấy mô hình trồng bơ Hass của gia đình anh Thi rất khả quan, một số hộ dân đã làm theo, bước đầu đã cho thu hoạch. Chúng tôi đang phối hợp với gia đình anh Thi vận động bà con chuyển đổi những vườn hồ tiêu bị chết sang trồng bơ Hass có giá trị kinh tế cao”.
Phương Loan

Có thể bạn quan tâm

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

(GLO)- Sau 3 năm gắn bó với nghề, chị Nay Ly Cơ (tổ 4, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã thành công với việc làm rượu cần truyền thống của người Jrai. Không những vậy, chị còn tích cực quảng bá để hương rượu cần có cơ hội được bay xa.

Làm giàu nhờ 'thay đổi số phận' một loại bánh

Làm giàu nhờ 'thay đổi số phận' một loại bánh

Từ những chiếc bánh ép Huế bình dân, Ngô Văn Quốc (22 tuổi, quê P.Thuận An, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) đã cho ra đời sản phẩm đóng gói đẹp mắt, mang thương hiệu của Huế, bày bán tại các trung tâm thương mại, cửa hàng sân bay... khắp cả nước.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang tranh tài tại chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

Chị Nguyễn Thị Thu Trang tranh tài tại chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

(GLO)- Chiều 10-10, chị Nguyễn Thị Thu Trang-Giám đốc Công ty TNHH Dược thảo LiLa (xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) thi thuyết trình chung kết toàn quốc Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Nữ trưởng công an xã xuất sắc

Nữ trưởng công an xã xuất sắc

Đại úy Y Yến (36 tuổi, dân tộc Xơ Đăng)-Trưởng Công an xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, Kon Tum, đã được Bộ Công an trao tặng danh hiệu “Phụ nữ Công an tiêu biểu”, “Nữ Công an cơ sở xuất sắc” năm 2023.

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và chuyển đổi xanh

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và chuyển đổi xanh

(GLO)- Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, kết nối tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, hướng dẫn cách livestream bán hàng… là chuỗi hoạt động do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức cuối tuần qua tại TP. Pleiku.