'Bỏ lửng' hồ sơ sử thi Tây nguyên trình UNESCO?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đã có đề xuất làm hồ sơ sử thi Tây nguyên trình UNESCO từ năm 2013, nhưng tới nay vẫn chưa thực hiện. 

Một buổi trình diễn hát kể sử thi ở xã Ea Tul, H.Cư Mgar, Đắk Lắk ẢNH: NGỌC QUYỀN
Một buổi trình diễn hát kể sử thi ở xã Ea Tul, H.Cư Mgar, Đắk Lắk ẢNH: NGỌC QUYỀN

Hồ sơ chưa được nhận viết

Tháng 1.2015, Bộ VH-TT-DL trao quyết định công nhận sử thi Tây nguyên là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum. Nghiên cứu sử thi cho thấy cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây nguyên còn lưu giữ trong dân gian những cách kể khan, yalyau... với câu chuyện mang nhân sinh quan, vũ trụ quan liên quan đến sự hình thành dân tộc, thế giới... Trước đó, năm 2013, sử thi Tây nguyên là một trong 12 di sản văn hóa phi vật thể của VN dự kiến được lập hồ sơ trình UNESCO cho đến 2016. “Hồ sơ này đã nằm trong đề xuất của Phòng Văn hóa phi vật thể, Cục Di sản (Bộ VH-TT-DL), đã được đưa vào danh sách dự kiến làm hồ sơ trình UNESCO”, TS Lê Thị Minh Lý, nguyên Phó cục trưởng Cục Di sản, nói.
Việc làm hồ sơ, nếu có định hướng từ phía nhà nước thì tốt hơn. Hội đồng di sản văn hóa quốc gia cũng cần chủ động định hướng những việc như vậy chứ không để phó mặc cho địa phương
PGS-TS Bùi Hoài Sơn
Tuy nhiên đến hiện tại, hồ sơ này vẫn chưa được xây dựng. Thời điểm có ý định xây dựng hồ sơ, Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm khoa học xã hội) gần như được “chọn mặt gửi vàng” để thực hiện. Đây cũng chính là đơn vị sưu tầm và biên soạn bộ sách về sử thi Tây nguyên dưới sự chỉ đạo của GS Ngô Đức Thịnh. Mặc dù vậy, GS Lê Hồng Lý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, cho biết sau đó Viện cũng không được giao nhiệm vụ này. Một ứng viên thực hiện hồ sơ khác là Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia cũng chưa được giao nhiệm vụ.
TS Lê Thị Minh Lý cho hay hiện nay chưa có đơn vị nào làm hồ sơ sử thi Tây nguyên chứ không phải không làm hồ sơ này nữa. Bà cũng nhận xét đây là một hồ sơ khó. “Sử thi có cái khó là không gian và sức sống của nó không còn. Khi chúng tôi đưa nghệ nhân sử thi sang trình diễn sử thi ở Mỹ, cũng như nghiên cứu cách đây 10 năm cũng đã cho thấy điều đó”, bà Lý nói.

Ông A Jar - một người dịch sử thi, ca dao, tục ngữ của người Ba Na và Xê Đăng ẢNH: XUÂN THỌ
Ông A Jar - một người dịch sử thi, ca dao, tục ngữ của người Ba Na và Xê Đăng ẢNH: XUÂN THỌ
Định hướng giữ sử thi
Việc làm hồ sơ di sản trình UNESCO cho sử thi Tây nguyên gợi nhớ đến di sản nhã nhạc cung đình Huế và hát xoan. Đó cũng là những di sản “sống” yếu ớt vào thời điểm làm hồ sơ trình UNESCO. Chính vì thế, khi làm hồ sơ, các nhà nghiên cứu đã viết hồ sơ để trình đưa các di sản này vào danh mục di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Các chính sách bảo vệ cũng được đưa ra, thực hiện. Mới đây, hát xoan được công nhận thoát khỏi việc cần bảo vệ khẩn cấp này, để bước vào danh sách di sản phi vật thể đại diện của UNESCO.
Về khả năng làm hồ sơ di sản cần được bảo vệ khẩn cấp cho sử thi Tây nguyên, bà Lý cho rằng điều này có thể làm được. Tuy nhiên theo bà, điều quan trọng nhất là phải đưa ra và thực hiện việc bảo vệ di sản thế nào khi nhiều thứ đã mai một. “Sử thi là kể chuyện tưởng tượng huyền thoại trong một không gian sống, mà không gian sống đó lại thay đổi. Người ta không sống theo kiểu quần cư như thế nữa, thế thì làm sao có thể quây quần bên bếp lửa để cùng nghe kể những câu chuyện tưởng tượng huyền thoại như thế? Giờ có làm chỉ là tái hiện, diễn lại. Có những cái sẽ phải thay đổi”, bà Lý nói.
Bà Lý lấy ví dụ về di sản phi vật thể Pansori (một hình thức diễn xướng bằng âm nhạc) cũng đã không còn không gian sống cũ ở Hàn Quốc. “Họ phải cho nó sống trong không gian nghệ thuật mới thôi. Chẳng hạn, các nghệ sĩ kể lại trích đoạn trên sân khấu hay họ làm bộ phim công phu để mọi người tưởng tượng ra được ngày xưa nó ra sao”, bà Lý chia sẻ.
PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, nhận định VN có nhiều di sản có thể được UNESCO ghi danh. Tuy nhiên, hiện có tình trạng địa phương nào có khả năng và nguồn lực mạnh thì mới làm hồ sơ. “Việc di sản được công nhận hay không lại phụ thuộc vào các địa phương, sự năng động tích cực của các địa phương hơn là giá trị của chính di sản đó. Vì vậy, với nhiều di sản văn hóa, khi nhắc tới VN, người ta có thể nghĩ đến ngay nhưng lại chưa được công nhận như chèo, rối nước. Địa phương nào quan tâm sẽ làm được, còn chưa đủ quan tâm thì chưa làm được”, ông Sơn nói.
Ông Sơn cho rằng sử thi Tây nguyên là một trường hợp như vậy. Địa phương chưa đủ lực để “cầm trịch” việc làm hồ sơ. “Việc làm hồ sơ, nếu có định hướng từ phía nhà nước thì tốt hơn. Hội đồng di sản văn hóa quốc gia cũng cần chủ động định hướng những việc như vậy chứ không để phó mặc cho địa phương, dù theo luật Di sản thì địa phương là đơn vị đề nghị công nhận di sản. Hội đồng biết di sản nào có giá trị thì cần định hướng rõ cho địa phương đó”, ông Sơn đề xuất.
Theo Trinh Nguyễn (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm