Phó Tổng cục trưởng C47 yêu cầu chủ động biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với loại “nấm ma thuật” này.
Ngày 30-7, Trung tướng Đồng Đại Lộc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát kiêm Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C47, Bộ Công an), giao các đơn vị nghiệp vụ của Cục tiến hành điều tra, xác minh thông tin về “nấm ma túy”.
Chứa hai hoạt chất bị cấm tuyệt đối
Trung tướng Đồng Đại Lộc cũng yêu cầu thông báo cho lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy toàn quốc về sự xuất hiện của “nấm ma túy” (nếu có) để chủ động có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh.
“Nấm ma túy” - ma dược chứa chất cực độc ảnh hưởng hệ thần kinh |
Trước đó, trên báo chí, Trung tá Nguyễn Văn Cường, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an TP Hải Phòng, cho biết cơ quan này vừa bắt giữ một vụ tàng trữ và sử dụng trái phép “nấm ma túy”.
Trinh sát đã phát hiện một nhóm người tàng trữ một loại thực vật khô, hình dáng giống cây nấm. Qua khai thác, những người này khai nhận thực phẩm khô nói trên là “nấm ma túy”. Số nấm trên được họ lên mạng đặt mua ở nước ngoài, sau đó gửi theo đường bưu điện về Việt Nam.
Bằng mắt thường quan sát thì những cây nấm trên không khác gì nấm ăn, cũng có mùi thơm tương tự nấm rơm. Tuy nhiên, bên trong đó chứa chất ma túy cực độc.
Qua kiểm định, phát hiện trong nấm có chất psilocine và psilotcin. Hai hoạt chất này nằm trong danh mục 1 - các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng cả trong y học lẫn đời sống xã hội của Nghị định 73/2018/NĐ-CP quy định về danh mục chất ma túy và tiền chất.
Nhận thức của thanh niên, học sinh về ma túy còn hạn chế
Trung tá Nguyễn Văn Cường cho biết “nấm ma túy” hay còn gọi là “nấm thần”, “nấm ảo giác”, “nấm ma thuật”, “nấm thức thần” là loài nấm thuộc họ nấm Cortinariaceae mọc khá phổ biến tại nhiều nơi trên thế giới như Bắc Mỹ, Mexico, Nam Mỹ, bán đảo Scandinavie và vài vùng tại châu Á.
Loài nấm này có đặc điểm là thường đổi màu, khi ăn vào có thể gây ảo giác vì độc tính trong nó. Bởi vì tính chất thay đổi sắc màu đó mà nó được mệnh danh là “nấm ma thuật”.
“Mỗi cây nấm được cắt ra làm 2-3 phần, chân nấm dài có thể được cắt thành nhiều phần hơn nữa. Và mỗi miếng nhỏ như thế sẽ có giá khoảng 500.000 đồng với hàng loại 1. Chất psilocine và psilotcin là những hoạt chất tự nhiên có sẵn trong cây nấm chứ không phải do tẩm ướp” - Trung tá Cường nói.
Thượng tá Bùi Đức Thiêm, Phó Trưởng phòng 5, Cục CSĐT tội phạm về ma túy (Bộ Công an), cho biết thời gian tới lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của các loại ma túy nói chung, ma túy mới nói riêng đến các tầng lớp nhân dân. Trong đó, chú trọng đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Bởi vì nhận thức của họ về tác hại của ma túy còn rất hạn chế, họ cho rằng sử dụng ma túy tổng hợp ít gây tác hại và khó gây nghiện.
Ngoài ra, tiếp tục phối hợp thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp giữa lực lượng công an, bộ đội biên phòng, hải quan và cảnh sát biển trong phòng, chống tội phạm tại địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển. Việc này nhằm ngăn chặn nguồn ma túy tổng hợp từ nước ngoài vận chuyển trái phép về nước.
Theo Thượng tá Bùi Đức Thiêm, trước đây có một số chất ma túy xuất hiện ở Việt Nam như cỏ Mỹ, lá khat… thời gian đầu chưa nằm trong danh mục cho nên đấu tranh với loại tội phạm này gặp khó khăn.
Nghị định 73/2018 vừa ban hành đã cập nhật, bổ sung 514 chất ma túy vào danh mục cấm, 44 tiền chất vào danh mục kiểm soát chặt chẽ… Với những người mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép “nấm ma túy” sẽ bị xử lý nghiêm.
Ngọc Bảo (Pháp luật TPHCM/VOV)