Bí quyết làm giàu: Thành tỉ phú nhờ "tích tiểu thành đại"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Anh A Thi (36 tuổi, ngụ thôn Kon Tu Dốp 2, xã Pô Kô, H.Đăk Tô, Kon Tum) đang là chủ trang trại gồm 24 ha cây công nghiệp, nông nghiệp với tổng thu nhập gần 2 tỉ đồng/năm.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cà phê ngút ngàn tầm mắt, anh Thi cho biết anh lấy vợ, lập nghiệp từ năm 21 tuổi. Lúc bấy giờ anh mới có 2 ha đất trống được cha mẹ để lại. Những năm đầu, anh dùng 2 ha đất trồng sắn. Cuối năm, thu nhập được bao nhiêu anh lại đem tiền đi mua thêm đất để mở rộng diện tích gieo trồng.

 Anh Thi (trái) trao đổi về cách chăm sóc cây sầu riêng - Ảnh: Đức Nhật
Anh Thi (trái) trao đổi về cách chăm sóc cây sầu riêng - Ảnh: Đức Nhật



Nhận thấy trồng sắn mang lại thu nhập nhanh chóng nhưng không bền vững, anh Thi tìm đến những trang trại trồng cà phê để học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng để xuống giống hơn 2.000 gốc cà phê. Với những vùng đất bạc màu, không phù hợp với cây cà phê, anh trồng cao su.

“Ban đầu mình chỉ có 2 ha đất thôi, hết trồng khoai rồi trồng sắn. Cứ thu được bao nhiêu, có tiền lời là mình đem đi mua đất. Tích góp dần dần mới được như ngày hôm nay. Bây giờ thì nhiều đất quá, vợ chồng mình làm không nổi nên phải thuê người. Bình quân mỗi vụ thu hoạch cà phê mình thuê người làm hơn 300 ngày công”, anh Thi nói.

Đến nay, sau hơn 15 năm canh tác và mở rộng diện tích đất, anh Thi đã có trong tay 24 ha đất; trong đó có 8 ha cà phê đang kinh doanh, 11 ha cao su và 5,5 ha sắn. Ngoài ra, để vừa tăng thêm thu nhập vừa cải thiện bữa ăn, anh Thi còn nuôi cá nước ngọt trên diện tích ao hồ 0,5 ha.

Không chỉ là hộ nông dân sản xuất giỏi, anh Thi còn dành thời gian tới tận nhà những hộ nghèo trong thôn vận động, trao đổi, hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất. Thấy hộ nào có hoàn cảnh khó khăn, anh sẵn sàng hỗ trợ cây giống để phát triển kinh tế. Đến nay, anh Thi đã hỗ trợ được hơn 3.800 cây giống cà phê, cao su và nhiều loại cây trồng khác với mong muốn giúp bà con sớm thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Theo ông Hà Văn Xuyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Pô Kô, gia đình anh A Thi là gương điển hình sản xuất kinh doanh giỏi của huyện. Tháng 10 vừa qua, anh vinh dự được đại diện cho nông dân tỉnh Kon Tum ra Hà Nội nhận bằng khen “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” do Hội Nông dân Việt Nam trao tặng.

“Ngoài những thành tích về kinh tế, anh Thi còn hỗ trợ người dân tại địa phương xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, cho người dân vay không lấy lãi để phát triển kinh tế. Ngoài ra gia đình anh Thi còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục người dân tại địa phương”, ông Xuyên cho biết thêm.

 

Theo Đức Nhật (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.