Bí ẩn người đột biến tại Ecuador và bí mật về trường thọ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những người sống tại các ngôi làng xa xôi ở Ecuador mắc một dạng đột biến có thể giúp khám phá bí mật của sự trường thọ, theo các chuyên gia về sinh vật học.
 
Một người mắc chứng Laron (thứ hai từ trái qua) và các con tại Ecuador. (Ảnh: NYT)
Một người mắc chứng Laron (thứ hai từ trái qua) và các con tại Ecuador. (Ảnh: NYT)
Dân làng ở đây có vóc dáng nhỏ bé, không đến 1m chiều cao, và mắc chứng đột biến hiếm hoi gọi là triệu chứng Laron, hoặc còn gọi là người lùn dạng Laron. Họ có thể là hậu duệ của người Do Thái
Serphadi từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Điểm đặc biệt là hầu hết người đột biến Laron đều miễn nhiễm trước 2 căn bệnh có liên quan đến tuổi tác là ung thư và tiểu đường.
Sau khi tình cờ phát hiện những người đặc biệt này vào năm 1987, tiến sĩ Jaime Guevara-Aguirre, bác sĩ và chuyên gia tiểu đường của Ecuador, đã bỏ ra 24 năm nghiên cứu một nhóm gồm 99 dân làng bị triệu chứng Laron. Suốt thời gian dài, tiến sĩ Guevara-Aguirre cập nhật dữ liệu sức khỏe của nhóm người này và phát hiện họ không mắc bất kỳ chứng bệnh ung thư nào. Và họ cũng chẳng bao giờ bị tiểu đường dù nhiều người có bề ngoài béo phì.
Theo The New York Times, thông tin trên từ tiến sĩ Guevara-Aguirre đã mở ra cơ hội vàng đối với các nhà khoa học chuyên tìm kiếm suối nguồn của sự bất tử như Valter D.Longo, chuyên gia của Đại học Nam California (Mỹ). Kết quả nghiên cứu sau đó cho thấy, bệnh nhân Laron bị đột biến ở gen tạo nên thụ quan của hormone tăng trưởng, khiến nó không tương tác được với hormone này. Hậu quả là họ không tăng trưởng được chiều cao như người bình thường khi đạt đến tuổi dậy thì. Bù lại với chiều cao khiêm tốn, người lùn Laron khỏe mạnh và sống lâu hơn nhiều.
Khi áp dụng những khám phá ở người lùn Laron vào động vật ở phòng thí nghiệm, kết quả hết sức khả quan. Tuổi thọ ở vật thí nghiệm được kéo dài bất thường và chúng không mắc bệnh do tuổi tác. Ví dụ, một con chuột ở Đại học Nam Illinois đã sống lâu gấp đôi tuổi thọ bình thường ở loài chuột sau khi bị đột biến như người Laron. Hiện tiến sĩ Guevara-Aguirre và Longo đã tìm được cách duy trì được kết quả tích cực trên mà vẫn giúp người bị chứng Laron thoát khỏi tình trạng lùn vĩnh viễn. Chỉ cần được chích hormone tăng trưởng trước tuổi dậy thì, các bệnh nhân này sẽ gần như có thể phát triển chiều cao như thường.
PV (Theo Thanh niên)

Có thể bạn quan tâm