Vừa đi pha sữa và quay lại thì bà ngoại thấy em bé đang ngậm cây tăm trong miệng. Bà vội chạy đến để móc cây tăm ra nhưng không kịp. Em bé đã nuốt trọn cây tăm vào bụng.
Cây tăm trong ruột bệnh nhi - Ảnh BVCC |
Ngày 30.11, bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Đức Lộc, Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết: Bé gái N.T.N.V (1 tuổi, ngụ Long An) nhập viện do nôn ói liên tục, khạc ra ít máu đỏ tươi.
Người nhà bệnh nhi cho biết, bà ngoại đang trông giữ bé thì đi pha sữa. Khi quay lại, bà thấy cháu đang ngậm cây tăm trong miệng. Bà vội chạy đến để lấy cây tăm ra nhưng không kịp, em bé đã nuốt trọn cây tăm xuống bụng.
Ngay lập tức, gia đình đã đưa bé đến bệnh viện.
Theo bác sĩ Lộc, chụp X-quang không thể thấy được dị vật vì cây tăm quá mảnh. Các bác sĩ đã cho bệnh nhi xét nghiệm máu, khám tiền mê và gây mê, sau đó nhanh chóng thực hiện nội soi để gắp dị vật ra ngoài.
Cây tăm được lấy ra ngoài - Ảnh BVCC |
Qua nội soi, bác sĩ đã thận trọng xác định đúng vị trí chiếc tăm và gắp thành công ra ngoài, không làm tổn thương niêm mạc dạ dày cũng như ruột của bệnh nhi.
“Cây tăm nằm ở tá tràng (là phần đầu của ruột non, ở vị trí tiếp giáp giữa dạ dày và ruột non), trễ xíu nữa, nếu cây tăm di chuyển qua khỏi tá tràng thì nguy cơ đâm thủng ruột rất lớn. Rất may là cây tăm nằm dọc thuận chiều nên dùng kềm gắp thẳng ra luôn”, bác sĩ Lộc cho biết.
Hiện, sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định.
Qua đó, bác sĩ khuyến cáo người dân nên hạn chế thói quen ngậm tăm hay vệ sinh răng bằng tăm khi nhà có con nhỏ vì trẻ rất hay bắt chước; để tăm và các vật nhỏ, nguy hiểm xa khỏi tầm tay của trẻ. Trong trường hợp trẻ lỡ nuốt tăm hay bất kì dị vật nào, cần nhanh chóng đưa bệnh nhi đến bệnh viện để kiểm tra và nội soi đường tiêu hóa, lấy dị vật càng sớm càng tốt cũng như phát hiện những biến chứng kịp thời.
Theo Nguyên Mi (thanhnien)