(GLO)- Như GLO đã đưa tin, ngày 14-7, kỳ họp thứ 7-HĐND tỉnh Gia Lai khóa X bước vào ngày làm việc đầu tiên. Trong ngày làm việc, các đại biểu đã được nghe đại diện HĐND-UBND-Ủy ban MTTQ tỉnh và một số ngành về tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm và mục tiêu, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014; nghe nội dung 9 tờ trình của UBND trình tại kỳ họp.
* Các ông Võ Ngọc Thành, Kpăh Thuyên trúng cử chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2011-2016.
Kỳ họp lần này sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng. Ảnh: Hồng Thi |
Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,16%
Tại kỳ họp, báo cáo của UBND tỉnh nêu rõ, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND tỉnh, sự chỉ đạo thực hiện của UBND, sự phối hợp của Mặt trận, các tổ chức đoàn thể cùng sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp, nhân dân và các doanh nghiệp trong toàn tỉnh, kinh tế-xã hội của tỉnh vẫn tiếp tục chuyển biến tích cực, đúng hướng, phát triển khá toàn diện.
Các đại biểu tại kỳ họp. Ảnh Lê Hòa |
Theo đó, trên lĩnh vực kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2014 đạt 11,16%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 3.971 tỷ đồng (bằng 47,35% kế hoạch, tăng 14,1% so với cùng kỳ); tổng vốn đầu tư phát triển 6 tháng đầu năm thực hiện 5.800 tỷ đồng (đạt 44% kế hoạch, tăng 4,7% so với cùng kỳ); tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội 6 tháng đạt 16.811 tỷ đồng (bằng 50,8% kế hoạch, tăng 14,1%); kim ngạch xuất khẩu đạt 339 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 41 triệu USD… Thu ngân sách 6 tháng đạt 1.633 tỷ đồng (bằng 50,52% dự toán HĐND tỉnh giao); tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 21.200 tỷ đồng (tăng 25,8% so với cùng kỳ và tăng 14,5% so với cuối năm 2013); tổng dư nợ cho vay là 38.000 tỷ đồng (tăng 17,7% so với cùng kỳ và tăng 3,5% so với cuối năm 2013)…
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tiếp tục được tập trung chỉ đạo quyết liệt; đã phân bổ kịp thời 113 tỷ đồng từ nguồn vốn trung ương cho 123 xã, chọn 25 xã đạt từ 9 tiêu chí trở lên và yêu cầu địa phương tập trung nguồn lực để đầu tư, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2014…
Ông Phạm Thế Dũng- Chủ tịch UBND tỉnh đọc tờ trình đề nghị miễn nhiệm và bầu bổ sung các chức danh. Ảnh: Hồng Thi |
Lĩnh vực văn hóa-xã hội cũng được đặc biệt chú trọng. Cơ sở trường, lớp, thiết bị dạy và học được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, tập trung thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân và chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm… Các cơ sở y tế tiếp tục được đầu tư nâng cấp, công tác phòng-chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe, khám-chữa bệnh cho nhân dân được tăng cường; tiếp tục hoàn thiện, củng cố hệ thống thiết chế văn hóa, đồng thời tăng cường kiểm tra các hoạt động quảng cáo, karaoke, kinh doanh băng đĩa, văn hóa phẩm… Trong 6 tháng đầu năm đã giải quyết việc làm mới cho 11.914 lao động; chi trả gần 607 tỷ đồng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… An ninh chính trị, an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững; tai nạn giao thông được kiềm chế…
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập: công tác quản lý, bảo vệ rừng tại một số địa phương chưa nghiêm, có hiện tượng cơ quan quản lý, cán bộ, kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc; công tác quản lý tài nguyên, xử lý ô nhiễm môi trường chưa tốt; năng lực của một số chủ đầu tư, ban quản lý, nhà thầu, đơn vị tư vấn còn yếu; công tác quản lý hành nghề y dược, đấu thầu thuốc, quản lý dạy thêm-học thêm, bảo quản trang thiết bị y tế, dạy và học chưa được chú trọng đúng mức; cải cách hành chính cơ sở chưa đạt yêu cầu…
Bàn về xóa đói, giảm nghèo
Chuyên đề về công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Gia Lai do Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-bà Trần Thị Hoài Thanh trình bày trong ngày họp hôm nay thu hút nhiều sự quan tâm của các đại biểu. Báo cáo đã đánh giá khá đầy đủ và chi tiết về việc thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo trong 3 năm (2011-2013); từ đó khoanh vùng các nhóm đối tượng hộ nghèo và đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể tương ứng đối với từng nhóm đối tượng.
Các đại biểu bỏ phiếu bầu bổ sung các chức danh. Ảnh: Hồng Thi |
Cụ thể, thông qua hoạt động tín dụng ưu đãi, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, đào tạo nghề, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo vùng khó khăn theo quyết định của Chính phủ, chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ tiền điện, khám-chữa bệnh cho người nghèo… đã tạo hiệu quả nhất định trong công tác giảm nghèo. Theo thống kê trong 3 năm, tổng doanh số cho vay tín dụng ưu đãi đạt 759.162 triệu đồng với hơn 52.000 lượt hộ được vay vốn; gần 18.600 lao động nghèo được hỗ trợ đào tạo nghề; 1.565.664 lượt người nghèo được hỗ trợ khám-chữa bệnh với tổng kinh phí gần 979,7 tỷ đồng; 170.369 lượt học sinh, sinh viên được cấp bù, hỗ trợ học phí với tổng kinh phí 660.875 triệu đồng; 10.922 hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà với tổng kinh phí 157.738 triệu đồng… Ngoài ra, MTTQ tỉnh, các hội, đoàn thể các cấp đã vận động xây dựng quỹ “Ngày vì người nghèo” được hơn 24 tỷ đồng, xây mới trên 500 căn nhà và sửa chữa 51 căn nhà đại đoàn kết.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, trong 3 năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 23,75% năm 2011 xuống còn 17,23% vào cuối năm 2013 (giảm 26.028 hộ nghèo, trong đó số hộ nghèo người dân tộc thiểu số giảm 6.929 hộ).
Các đồng chí trúng cử ra mắt tại kỳ họp. Ảnh: Hồng Thi |
Báo cáo cũng đã chỉ rõ những nguyên nhân cơ bản của tình trạng nghèo, từ đó khoanh vùng các nhóm đối tượng cụ thể và đề ra giải pháp để thoát nghèo. Theo đó, có 9 nhóm đối tượng hộ nghèo cụ thể, bao gồm: nghèo do thiếu đất sản xuất; thiếu vốn; thiếu kỹ năng canh tác; thiếu kiến thức và việc làm; thiếu lao động, bệnh tật, già yếu, cô đơn; hộ nghèo ở nhà tạm, nhà dột nát, nghèo do đông con; nghèo do lười lao động và các chính sách hỗ trợ đối với học sinh, sinh viên con hộ nghèo.
9 tờ trình do UBND tỉnh trình tại kỳ họp, bao gồm: tờ trình đề nghị quy định phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; tờ trình đề nghị quy định phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa; tờ trình đề nghị quy định mức thu phí trông giữ xe đạp, xe máy, xe ô tô; tờ trình đề nghị xin chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp để xây dựng các công trình năm 2014; tờ trình về việc thành lập thôn Phú Thanh (xã Ia Băng, huyện Chư Prông) và thôn Ia Khưng (xã Chư Don, huyện Chư Pưh), tờ trình đề nghị quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh năm học 2014-2015; tờ trình đề nghị quy định mức chi thực hiện hỗ trợ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ từ nguồn mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh; tờ trình đề nghị miễn nhiệm và bầu bổ sung các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; tờ trình đề nghị miễn nhiệm và bầu bổ sung các Ủy viên UBND tỉnh. |
* Chiều cùng ngày, kỳ họp đã tiến hành biểu quyết miễn nhiệm 2 Phó Chủ tịch UBND tỉnh gồm: ông Măng Đung (đã nghỉ hưu), ông Phùng Ngọc Mỹ (nghỉ công tác quản lý nhà nước chờ đủ tuổi nghỉ hưu); miễn nhiệm chức danh thành viên UBND đối với các ông Dương Văn Trang-nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và ông Dương Tráng-nguyên Giám đốc Sở Nội vụ, do chuyển công tác khác và ông Trần Thế Vinh-nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, không làm công tác quản lý nhà nước chờ đủ tuổi nghỉ hưu; đồng thời các đại biểu bầu bổ sung 2 Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 gồm: ông Võ Ngọc Thành-Bí thư Thành ủy Pleiku và ông Kpă Thuyên-Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; bầu bổ sung thành viên UBND tỉnh gồm các ông Huỳnh Văn Tâm-Giám đốc Sở Nội vụ và ông Lê Xuân Hòa-Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
Ngày mai, kỳ họp tiến hành phiên thảo luận tại tổ. GLO sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc. Trong thời gian diễn ra kỳ họp, cử tri trong tỉnh có thể trực tiếp phản ánh các ý kiến, kiến nghị của mình đối với Thường trực HĐND, UBND tỉnh và các ngành thông qua đường dây nóng: 059.3600556.
Lê Hòa-Hồng Thi