Bất chấp diễn biến khó lường của Covid-19, nhiều ngân hàng vẫn đặt muc tiêu tăng trưởng cao trên 10% trong năm 2020, thậm chí mức tăng còn được tính bằng lần so với năm 2019. Giới phân tích cho rằng, ngân hàng tự tin đặt mục tiêu lợi nhuận cao, bởi các nhà băng này có những khoản bù đắp cho sự sụt giảm lợi nhuận từ tín dụng.
"Bất ngờ" mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2020
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2020. Theo đó, ngân hàng này đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 190.000 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2019. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 161.000 tỷ đồng, tăng trưởng 15%.
Dư nợ tín dụng mục tiêu năm 2020 của Eximbank ở mức 123.775 tỷ đồng, tăng trưởng 9% theo hạn mức được Ngân hàng Nhà nước thông báo. Phía ngân hàng cho biết trong điều kiện kinh doanh thuận lợi, sẽ xin phép Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Điều đáng nói, năm nay, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế lên đến 2.214 tỷ đồng, gấp đôi mức thực hiện năm 2019. Dù vậy, nhà băng này cũng lưu ý rằng kế hoạch này có thể được điều chỉnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Nhiều ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận tăng bằng lần so với năm 2019 |
Trước đó, trong báo cáo thường niên 2019 của MSB, hầu hết các mục tiêu đều tăng so với năm ngoái. Trong đó, mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.439 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước.
Một ngân hàng khác cũng đã công bố chỉ tiêu lợi nhuận năm nay là SeABank, giữa lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ngân hàng này dự kiến đạt lợi nhuận 1.506 tỷ đồng, tăng 8,3% so với năm 2019.
Tương tự, BIDV đã công bố lợi nhuận dự kiến 12.500 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ. Kienlongbank cũng lên kế hoạch và tổ chức đại hội đồng cổ đông sớm với lợi nhuận mục tiêu năm 2020 ở mức 750 tỷ đồng, gấp 8,7 lần năm ngoái; tăng trưởng vốn huy động và dư nợ cấp tín dụng lần lượt 13% và 16%.
Tuy nhiên, cả Kienlongbank và BIDV đều cho biết kế hoạch lợi nhuận này được xây dựng trên cơ sở dịch Covid-19 được kiểm soát tốt nhất. Căn cứ vào tình hình thực tế nếu diễn biến dịch Covid-19 vẫn kéo dài ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh thì sẽ có điều chỉnh phù hợp.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và vẫn chưa được kiểm soát, việc các ngân hàng này đặt mục tiêu lợi nhuận tăng mạnh có phần "bất ngờ" cho thị trường. Bởi những thiệt hại mà Covid-19 gây ra cho ngành ngân hàng nói riêng đã được thể hiện rất rõ qua những con số về tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng huy động 3 tháng đầu năm và nợ xấu.
Cụ thể, mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế trong quý đầu tiên chỉ tăng 0,68% so với mức tăng 1,9% của cùng kỳ năm trước. Hoạt động huy động vốn của các tổ chức tín dụng, phần lớn là các ngân hàng thương mại cũng gặp nhiều khó khăn khi chỉ tăng 0,51%, thấp hơn so với mức 1,72% của cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến thời điểm 20/3/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,55% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm trước tăng 2,54%); tỷ giá giữa VND/USD mất khoảng 1%; dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ước tính lên tới 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, nguy cơ trở thành nợ xấu là hiện hữu.
Đặc biệt, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh, các ngân hàng phải cắt giảm lợi nhuận để giảm lãi vay, tăng quy mô gói tín dụng.
Lợi nhuận ngân hàng sẽ đến từ đâu?
Vậy vì đâu nhiều ngân hàng vẫn tự tin với mục tiêu lợi nhuận tăng?
Nhìn vào báo cáo tài chính quý I/2020 vừa được công bố của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank, UPCoM: VBB) có thể thấy, trong quý đầu tiên năm nay, ngoại trừ thu nhập lãi thuần giảm 4% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 275 tỷ đồng, các hoạt động kinh doanh khác của Vietbank đều tăng trưởng đột biến bao gồm lãi thuần từ dịch vụ ( 97%) đạt hơn 10 tỷ đồng, lãi từ hoạt động ngoại hối (gấp 9 lần) đạt 13 tỷ đồng và lãi từ hoạt động khác (gấp 2,2 lần) ghi nhận hơn 64 tỷ đồng.
Đáng chú ý nhất là hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của Vietbank có lãi gần 159 tỷ đồng, gấp 13 lần quý I/2019 nhờ thu nhập gấp 11 lần. Chính vì vậy, sau khi trích lập dự phòng lên đến gần 30 tỷ đồng, Vietbank vẫn thu về lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt hơn 230 tỷ đồng và 183 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm ngoái.
Giải trình lợi nhuận quý I/2020 của Vietbank |
Lợi nhuận của Vietbank quý vừa qua được xem như một dẫn chứng điển hình cho thấy, tại các nhà băng vẫn có những khoản bù đắp cho sự sụt giảm từ hoạt động cho vay do ảnh hưởng của Covid-19. Chính vì vậy, nhiều ngân hàng vẫn tự tin với mục tiêu lợi nhuận tăng.
Đơn cử như tại Seabank, nhà băng này định hướng tiếp tục tập trung và đẩy mạnh thu phí dịch vụ và các khoản thu ngoài lãi. Ngân hàng cũng sẽ cải thiện biên độ sinh lời các phân khúc, phát triển các sản phẩm đặc thù có hiệu quả và khả năng sinh lời cao; đồng thời sẽ giảm chi phí hoạt động bằng việc tối ưu hóa qua đầu tư công nghệ.
Kienlongbank cũng có cơ sở để kỳ vọng mức tăng trưởng đột phá. Cụ thể, ngân hàng dự kiến ghi nhận các khoản lãi phải thu hạch toán giảm trong các năm trước, sau khi xử lý xong tài sản đảm bảo; đồng thời cũng không còn phải trích lập dự phòng cho nợ tại VAMC.
Hay như trường hợp của Vietcombank, trong báo cáo mới đây đã để ngỏ mục tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên giới phân tích dự đoán lợi nhuận năm 2020 sẽ tăng nhờ có "của để dành" là khoản thu khoảng 400 triệu USD từ việc ký kết hợp tác phân phối bảo hiểm với Công ty bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam, để ngân hàng phân phối bảo hiểm dài hạn cho FWD được thực hiện trong năm 2019. Trong báo cáo tài chính năm 2019, khoản tiền này chưa được hạch toán vào phần lợi nhuận.
Đáng chú ý, việc hợp tác này có thời hạn 15 năm và hợp đồng được thực hiện mỗi năm. Mới đây, Vietcombank đã phát đi thông báo chính thức triển khai thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm FWD qua ngân hàng.
Thương vụ này đã mang lại cho Vietcombank một khoản thặng dư không hề nhỏ và nguồn thu hoa hồng từ bảo hiểm trong những năm tới. Và nếu trong năm nay, khoản thu từ kênh này được Vietcombank hạch toán trong lợi nhuận thì mục tiêu đạt 26.600 tỷ đồng đặt ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2020 hồi đầu năm có thể sẽ đạt được.
Ngoài ra, những nhà băng đã được ngân hàng Nhà nước phê duyệt áp dụng Basel II như Seabank, MSB… sẽ được "nới" tăng trưởng tín dụng. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là yếu tố thuận lợi để các ngân hàng "tăng tốc" khi dịch bệnh được kiểm soát.
Theo Huyền Anh (Dân Việt)