Bảo vệ doanh nghiệp trước tin giả

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức tọa đàm “Bảo vệ doanh nghiệp trước tin giả”.

 

Tại buổi tọa đàm, các vị khách mời thống nhất quan điểm: Sự bùng nổ của internet và các mạng xã hội, tin giả như “bóng ma” đã và đang gây ra nhiều hiểm họa. Tin giả, xấu độc không những có sức công phá nền kinh tế, tài chính, nông nghiệp mà còn đe dọa đến an toàn an ninh của mỗi quốc gia. Tin giả cũng khiến doanh nghiệp, cá nhân lao đao, thậm chí phá sản. Đã đến lúc chính quyền và các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc một cách tích cực, nhanh chóng tìm ra phương pháp tiếp cận cũng như nhận diện, xử lý tin giả một cách hiệu quả nhất.

Tọa đàm với nội dung: Bảo vệ doanh nghiệp trước tin giả. Ảnh VGP/Quang Thương
Tọa đàm với nội dung bảo vệ doanh nghiệp trước tin giả. Ảnh VGP/Quang Thương



Sẽ nhận thông báo tin giả qua fanpage Thông tin Chính phủ

Về vấn đề này, ông Lê Quang Tự Do-
Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông-cho biết, Trung tâm Xử lý tin giả của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, được thành lập vào tháng 4-2021. Đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận gần 5.000 phản ánh tin giả gửi đến và phân loại xử lý, đóng dấu tin giả được 50 tin. Thực tế, có những tin không phải tin giả, mà là những tin xúc phạm nhân phẩm, danh dự, những tin cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nên được chuyển đến những nơi khác để xử lý.


Nhận định con số 5.000 trong hơn 1 năm không phải là nhiều, ông Lê Quang Tự Do cho hay Bộ TT-TT đang đẩy mạnh phổ biến để người dân biết trung tâm trên, đồng thời Bộ cũng đề nghị các địa phương tiếp nhận những phản ánh của người dân trên địa bàn mình để xác minh và xử lý. Địa phương sẽ tiếp nhận qua Sở Thông tin và Truyền thông và Văn phòng UBND, nơi phát ngôn cũng là nơi chuyển cho các sở, ngành liên quan để xử lý các thông tin đó.

“Hiện nay fanpage Thông tin Chính phủ trên Facebook là nơi chúng tôi hay làm điển hình để giới thiệu với các địa phương về việc vừa thông tin, tuyên truyền trên mạng xã hội hiệu quả, vừa là nơi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của người dân. Ý tưởng kết hợp giữa Cục với Cổng thông tin điện tử Chính phủ để sử dụng được những phản ánh của người dân qua fanpage rất hay. Chúng tôi sẽ triển khai trong thời gian tới”, đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ.

Vậy, làm cách nào để ứng phó với tin giả?

Nhà báo, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh nêu ý kiến, tương tác chính là mấu chốt của truyền thông hiện đại và phải chủ động tiếp cận người dân thì mới có thể xử lý tốt khủng hoảng truyền thông. Nguyên lý truyền thông trong thời đại số là tính minh bạch. Về mặt công nghệ, có thể đo lường được để biết sắp tới công chúng sẽ quan tâm tới gì, lo lắng vì tin đồn gì để từ đó chủ động thông tin trước.

“Tin đồn, tin giả từ đâu mà ra? Nó chỉ lợi dụng từ lỗ hổng thông tin mà chúng ta đang vô tình, không ý thức được vai trò của thông tin, tạo ra lỗ hổng đó. Anh không dám bộc lộ, thậm chí anh nghĩ rằng nó quan trọng nên che giấu, nhưng nhiều vấn đề hoạt động của doanh nghiệp không nên giữ bí mật nữa, trừ vấn đề tối quan trọng”-ông Vinh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với chuyên gia truyền thông về nguyên nhân tin đồn “nhiều đất sống” là do thiếu thông tin chuẩn xác, ông Đậu Anh Tuấn-Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI khẳng định chỉ có tin thật mới xóa được tin đồn. Khi công chúng tin cậy một nguồn thông tin, tin cậy nơi cung cấp thông tin thì chắc chắn tin đồn tự khắc giảm dần và sẽ hết. Do đó, các cơ quan cần phản ứng nhanh hơn, chuyên nghiệp hơn. Phải có người chuyên trong lĩnh vực này, là đầu mối và đưa ra những phản ứng kịp thời.

Từ góc độ người đứng đầu doanh nghiệp, ông Nguyễn Vũ Long-quyền Tổng giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán Vndirect chia sẻ, trong giai đoạn vừa qua có rất nhiều thông tin sai lệch, thông tin không đúng sự thật và doanh nghiệp phải học cách thích nghi. “Chúng tôi chọn cách trực diện ứng phó với tin giả. Chúng tôi nghĩ đây là câu chuyện không phải một doanh nghiệp có thể tự đối mặt mà là câu chuyện của toàn bộ hệ thống”, Tổng Giám đốc Vndirect bày tỏ quan điểm.

Dưới góc nhìn của một luật sư, ông Nguyễn Danh Huế cho rằng để giải quyết được tin giả cần nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật và đặc biệt là các cơ quan nhà nước, công chức, viên chức phải đi đầu làm gương, xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật. Trong bối cảnh chung của đất nước ta là ý thức thượng tôn pháp luật của các tổ chức, cá nhân chưa cao, nếu không xây dựng được ý thức thượng tôn pháp luật từ cấp tiểu học, trung học thì không giải quyết được.

Cần khẳng định, tạo ra và lan truyền tin giả, tin sai sự thật là những hành vi vi phạm pháp luật. Đồng ý là mức chế tài phải nghiêm khắc hơn, nhưng luật sư Huế lưu ý chế tài cần đặt trong bối cảnh cụ thể của nước ta và cần xử lý triệt để. Thêm vào đó, để ngăn chặn việc này, báo chí không thể đứng ngoài cuộc được. Đồng thời, từ phía doanh nghiệp, cần có sự chuẩn bị, chủ động về truyền thông, tránh khỏi tình thế “đi chữa bệnh hơn là phòng bệnh".

Nói đến vấn đề xử lý người đưa tin giả, ông Lê Quốc Vinh gợi ý cần có giải pháp cho những người dân bình thường. Ngoài ra, cũng phải có chế tài đủ sức răn đe trường hợp cố tình, phải xử phạt xứng đáng thì mới ngăn chặn được.

Cần sửa quy định về bồi thường và bổ sung cơ chế khuyến khích

Hầu hết các khách mời cơ bản thống nhất hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay tương đối đầy đủ. Gần đây nhất, đã có Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Pháp luật cũng phân định rất rõ mức xử lý vi phạm hành chính, mức phạt phụ thuộc vào hậu quả.

Ngoài ra, luật sư Nguyễn Danh Huế nhấn mạnh nên sửa luật về bồi thường thiệt hại. Để doanh nghiệp chứng minh thiệt hại do tin giả, tin đồn gây ra là rất khó, đôi khi cần cả hóa đơn, chứng từ. Về quy trình tố tụng, đôi khi có những vụ rõ ràng nhưng quy trình kiện dân sự, xử sơ thẩm mất 1 năm, sau đó đương sự kháng cáo mất thêm 1 năm nữa, bản án không biết bao giờ mới thi hành được. Đây cũng là bất cập khiến nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại về quyền lợi nhưng không dùng các công cụ pháp luật bảo vệ, bởi mất thời gian, tốn kém vật chất, hiệu quả không biết đến đâu.

Trước đây, nếu người thật thì xác định được cá nhân, nhưng lên internet, do yếu tố ẩn danh, không hiện diện nên nhiều người dùng cảm thấy trách nhiệm ít hơn và dễ dàng lan truyền những thông tin không đúng, không thật. Do đó, phải có cách thức bắt buộc công khai thông tin, nhất là với những người có ảnh hưởng (KOL), phải tập trung quản lý những người này, không chỉ xử phạt, mà có những quy định bắt buộc nghĩa vụ họ phải thực hiện.

Tại buổi tọa đàm, nhiều vị khách mời nhấn mạnh: Mỗi người dân phải là chiến sĩ hàng đầu trong đấu tranh với tin giả, tin xấu độc. Cần giáo dục mọi người tự xây dựng thói quen nghi ngờ thông tin nghe lại mà không phải từ nguồn tin xác đáng, kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ, tự tạo cho mình lưới lọc. Và người dân phải biết tìm đến các nguồn tin đáng xem, đáng đọc, còn những chỗ khác mình phải đặt dấu hỏi.

Chúng ta muốn sống trong xã hội văn minh thì bắt buộc phải thượng tôn pháp luật. Mỗi cá nhân phải ý thức, trách nhiệm với cộng đồng thì chúng ta mới có được môi trường lành mạnh cho chúng ta và con cháu chúng ta.

G.B
 

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.