Bảo tồn nghi lễ truyền thống các dân tộc Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nghi lễ truyền thống của các dân tộc bản địa Tây Nguyên là hoạt động tín ngưỡng được truyền lại từ đời này sang đời khác, kết nối giữa con người với thế giới siêu nhiên (theo nhận thức về thế giới quan của các cộng đồng dân tộc) để gửi đi một thông điệp, có thể là lời biết ơn hay lời cầu khấn đem đến lợi ích cho cá nhân hoặc cộng đồng với niềm tin bền vững trong tâm thức.

Hàng năm, các dân tộc bản địa ở khu vực Trường Sơn-Tây Nguyên có nhiều lễ hội theo vòng đời con người và chu kỳ sản xuất nông nghiệp, được tổ chức khá quy mô, tốn kém và có nhiều loại hình nghệ thuật dân gian tham gia trong phần hội kéo dài cùng với những bữa ăn uống cộng cảm. Tuy nhiên, do hoàn cảnh xã hội và điều kiện tự nhiên thay đổi đã từng bước làm cho các nghi lễ truyền thống lần lượt bị giản lược, biến cải hoặc mất đi hoàn toàn.

Nghi lễ cúng cầu mưa của Yang Pơtao Apui ở huyện Phú Thiện. Ảnh: Đ.T

Nghi lễ cúng cầu mưa của Yang Pơtao Apui ở huyện Phú Thiện. Ảnh: Đ.T

Những nét độc đáo và giàu bản sắc ấy không phải ai cũng có thể dễ dàng nhìn nhận ra, nếu không có một tấm lòng rộng mở và vốn tri thức nhất định. Năm 1946, Jacques Dournes-nhà nhân chủng học và ngôn ngữ học người Pháp đã đến Việt Nam trong vai trò là nhà truyền giáo tập sự thuộc Hội Thừa sai Paris (MEP) và được phái đến Tây Nguyên với nhiệm vụ truyền đạo cho người dân tộc bản địa. Tại đây, sau một thời gian gắn bó, ông đã hoàn toàn bị chinh phục bởi văn hóa truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên.

Nhất là khi Dournes đến Cheo Reo (Ayun Pa ngày nay) sống với người Jrai. Sau hàng chục năm sống với người Jrai và nghiên cứu để rồi biến mình thành người Jrai, Dournes đã từ bỏ bổn phận của người truyền đạo. Ông đã để lại nhiều công trình nghiên cứu giá trị về các tộc người bản địa ở Tây Nguyên. Năm 1973, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Đại học Sorbonne (Pháp) với đề tài “Pơtao: Những bậc thầy của các nguyên tố nghiên cứu nhân học chính trị ở người Jrai”. Hai tác phẩm giá trị của ông để lại khiến nhiều người thán phục sự hiểu biết sâu rộng về người Jrai ở Tây Nguyên gồm: “Pơtao, một lý thuyết về quyền lực của người Jrai ở Đông Dương” và “Rừng đàn bà điên loạn”.

Trên thực tế, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa Tây Nguyên trong những năm qua, nhất là từ sau giải phóng (1975) đến nay đã đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, ngày nay, sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đã có những đổi mới cơ bản với nhiều chính sách ở tầm vĩ mô dẫn đến sự thay đổi trong hoạt động kinh tế truyền thống, tổ chức xã hội, kết cấu gia đình ở các buôn làng Tây Nguyên cũng biến đổi theo.

Bên cạnh đó, sự giao lưu văn hóa ngày càng được mở rộng, các yếu tố văn hóa mới xâm nhập vào các cộng đồng dân tộc bản địa một cách tự nhiên. Từ đó đã tạo sự biến đổi về không gian, thời gian, nhận thức, tư duy của các thành viên trong cộng đồng và các điều kiện khác buộc họ phải thay đổi các hoạt động tín ngưỡng và các lễ nghi truyền thống.

Tại các buôn làng ở Tây Nguyên hiện còn tồn tại 3 dạng bảo tồn các nghi lễ truyền thống: Thứ nhất, ở các buôn làng vùng sâu vùng xa, một số cộng đồng còn giữ được những tập tục, nghi lễ nguyên thể, thực hành theo tín ngưỡng tâm linh (đa thần) trong các lễ hội như: cúng thần lúa trong lễ tục cúng lúa mới sau mùa thu hoạch, cúng nhà rông trong dịp làm nhà rông mới, lễ cúng máng nước của người Xê Đăng, lễ Sơmă Kchăm của người Bahnar, lễ pơ thi của người Jrai… Thứ hai, một số buôn làng ít nhiều có sự chi phối của chính sách kinh tế-xã hội, họ còn bảo lưu một số nét văn hóa truyền thống nhưng đã được giản lược nghi thức và rút ngắn thời gian. Thứ ba, đối với những buôn làng ở gần đô thị, công-nông trường, các buôn làng được tổ chức lại theo hình thức định canh định cư hoặc các cộng đồng theo tín ngưỡng đơn thần thì đa phần bỏ hẳn các tập tục truyền thống, họ không còn dựng nhà làng (nhà rông), không sử dụng cồng chiêng hay tổ chức các lễ hội cộng đồng khác.

Trước sự phân hóa mạnh trong cộng đồng các dân tộc bản địa ở Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung, ngành Văn hóa và chính quyền các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn các di sản vật thể, phi vật thể như tổ chức các ngày hội văn hóa các dân tộc hàng năm, các lễ hội cồng chiêng khu vực và quốc tế, trong đó có các hoạt động phục hồi các nghi lễ truyền thống như phục dựng lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui ở Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện; đặc biệt là khuyến khích các địa phương phát huy, mở rộng hình thái du lịch cộng đồng nhằm phổ biến, giới thiệu những nét đặc sắc văn hóa dân tộc bản địa đến du khách, khơi dậy ý thức nội sinh của các thành viên cộng đồng bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, các địa phương còn chú trọng việc truyền dạy cho thế hệ trẻ, nhất là trong trường học để duy trì, bảo tồn các di sản cha ông để lại.

Tuy nhiên, để công tác bảo tồn nghi lễ truyền thống các dân tộc bản địa mang tính bền vững và khoa học hơn, các địa phương và ngành Văn hóa cần có cuộc điều tra quy mô về buôn làng và các di sản văn hóa còn đang thực hành tại cộng đồng, số di sản nào đã mất đi cần phục hồi… Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các nhà sưu tầm, nghiên cứu văn hóa thực hiện các công trình sưu tầm, nghiên cứu văn hóa chuyên sâu về các nghi lễ truyền thống dân tộc bản địa; đầu tư cho một số buôn làng làm du lịch cộng đồng phục hồi các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã bị mai một để thu hút du khách.

Có thể bạn quan tâm