Bảo tồn lan rừng cho đa dạng sinh học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Rừng Tây Nguyên, trong đó có rừng Lâm Đồng, vốn có một quần thể lan rừng đặc hữu đa dạng, lộng lẫy.

Cùng với sự khai thác quá mức của con người, những quần thể lan rừng đã gặp nguy hiểm. Nhiều loài lan dần biến mất trong tự nhiên.

Bảo tồn lan Hài hồng tại Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên.

Bảo tồn lan Hài hồng tại Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên.

Tiến sĩ Nông Văn Duy - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên (đơn vị đóng trên địa bàn Phường 7, TP Đà Lạt), người đã có nhiều năm làm việc, nghiên cứu, bảo tồn lan rừng chia sẻ, khu vực Tây Nguyên, trong đó có Lâm Đồng là địa phương rất thích hợp cho cây lan sống và phát triển. Những loài lan rừng như Hoàng Thảo, Đai Châu, đặc biệt là lan Hài đã từng sinh sống, phát triển thành những quần thể lớn dưới tán rừng. Tuy nhiên, những người tìm lan rừng đã săn tìm quá mức, khiến hệ sinh thái lan rừng dần dần cạn kiệt. Ông Nông Văn Duy chia sẻ: “Trong tự nhiên, gần như không còn những quần thể lan rừng lớn. Nhiều loài lan bị xếp vào nguy cơ tuyệt chủng cao, gây nguy cơ ảnh hưởng lớn tới đa dạng sinh học. Hiện, Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên đang có bộ sưu tập lan rừng trên 300 loài. Chúng tôi đang cố gắng bảo tồn, nhân giống để gìn giữ và phát triển trở lại những quần thể lan rừng đặc hữu”.

Đưa khách đi thăm vườn lan, ông Nông Văn Duy nâng niu một cây lan Hài đang kỳ trổ bông. Ông Duy cho biết, lan Hài là một trong những loài lan rừng gặp nguy cơ cao nhất. Khác với nhiều loại lan khác có thể nhân giống vô tính bằng invitro, lan Hài gần như không thể nhân giống bằng kĩ thuật này. Hầu hết những người nhân giống lan Hài sử dụng ươm từ hạt. Tuy nhiên, ươm từ hạt nảy sinh nhiều biến dị, không duy trì nguồn gien quý của những cây lan đặc hữu. Vì vậy, lan Hài là một trong những loài rất dễ bị tổn thương”. Nâng trên tay một cây lan Hài với cánh hoa màu hồng đặc biệt, ông Duy nhận xét, lan Hài hồng, lan Hài Đà Lạt thuộc loại lan Hài có nguy cơ tuyệt chủng cao, Viện đang cố gắng để nhân giống những giống lan Hài quý trước nguy cơ biến mất những nguồn gien đặc hữu.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Toàn Phan cho biết, bảo tồn nguồn gien là một trong những nhiệm vụ của Viện. Đặc biệt với những quần thể thực vật dễ bị tổn thương như lan rừng, Viện dành sự quan tâm lớn tới việc nhân giống và bảo tồn. Tiến sỹ Phan cho biết, trước đây, rừng Tây Nguyên có những quần thể lan rừng rất lớn, làm phong phú hệ động, thực vật của những cánh rừng nguyên sinh đại ngàn. Tuy nhiên, thú chơi lan rừng đã tàn phá nghiêm trọng những quần thể lan quý. Thậm chí, nhiều loài lan quý đã biến mất tới mức rất khó tìm thấy trong tự nhiên. “Chúng tôi đã tìm kiếm, đưa về và bảo tồn trên 300 loài lan rừng đặc hữu của rừng Tây Nguyên. Viện đã nhân giống, tạo sinh cảnh và trồng lan ở môi trường tương tự như trong tự nhiên” - Viện trưởng Nguyễn Hữu Toàn Phan cho biết. Những vườn lan của Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên nở hoa theo mùa quanh năm, cũng đón những du khách đến thăm và thưởng ngoạn hoa.

Ông Nông Văn Duy chia sẻ, những cán bộ của Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên đã tiến hành nhân giống các loài lan, trồng trong một môi trường giả lập gần giống nhất với tự nhiên. Đây là môi trường để những cây lan bám rễ, phát triển, ra hoa. Ông chia sẻ: “Chúng tôi chào đón du khách và cư dân Đà Lạt tới thăm, thưởng thức sắc màu và tìm hiểu về hoa lan rừng, nhất là với các bạn trẻ, các bạn học sinh, sinh viên. Giới thiệu với các bạn về sự phong phú của lan rừng Việt Nam, về tình trạng nguy cấp của lan rừng để lan toả trong cộng đồng tình yêu môi trường, nhu cầu thiết thực bảo vệ đa dạng sinh học rừng”.

Nhân giống mỗi cây lan, để lan nở hoa, những cán bộ của Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên vẫn mong mỏi có một ngày, những cây lan từ vườn ươm sẽ quay trở lại rừng già. Ông Nông Văn Duy tâm sự: “Chỗ của lan rừng là những cây cổ thụ, là ánh sáng và những hạt nước trời. Chúng tôi bảo tồn, phát triển và mong mỏi sẽ đưa những giống lan hiếm quay lại tự nhiên, để lan rừng được sống trong những khu rừng già thâm u, tái tạo những quần thể lan rừng rộng lớn và phong phú”.

Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên đã tham gia nhiều dự án bảo tồn lan rừng cũng như đưa lan rừng quay trở lại tự nhiên. Tuy nhiên, điều trăn trở của những nhà khoa học vẫn là tình trạng “săn lan” còn tràn lan, khiến những gốc lan rừng luôn trong tình trạng nguy hiểm. Làm sao để cả cộng đồng yêu lan, tôn trọng đa dạng sinh học, sẵn sàng bảo vệ lan để những cánh rừng sống lại quần thể lan là mong mỏi của những người làm công tác bảo tồn.

Có thể bạn quan tâm