(GLO)- Theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 4-4-2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật thì ngày 9-11 hàng năm là “Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Như vậy, kể từ năm 2013 đến nay, ngày 9-11 hàng năm được ghi nhận và đánh dấu như một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị, pháp lý của đất nước. Từ đó giúp cho toàn xã hội cùng chung sức tích cực tham gia hiến kế trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Mặt khác, đó cũng chính là tạo động lực thúc đẩy xã hội phát triển vì hạnh phúc của mọi người và mỗi người.
Ảnh: Huỳnh Lê |
Thực tế hiện nay đối với người dân, nguồn tiếp nhận thông tin pháp luật nhiều nhất chính là từ các cơ quan thông tin đại chúng (báo in, báo hình, báo điện tử, phát thanh...). Đây chính là kênh thông tin tuyên truyền nhanh và hiệu quả nhất và được đề cập sâu rộng nhất trong đời sống xã hội… Báo chí với công tác tuyên truyền pháp luật nhiều năm qua đã và đang tạo ra sức lan tỏa và thảo luận đa chiều góp phần làm minh bạch trong các hoạt động của các cơ quan công quyền; đối với giới học thuật chuyên ngành pháp lý. công tác này đưa pháp luật không còn nằm trên giấy mà tác động đến sự gần gũi với đời sống người dân. Đồng thời, các cơ quan truyền thông tạo động lực phản biện xã hội về “tuổi thọ” của các văn bản pháp luật: Luật không nằm trên giấy, mà ngay trong lòng đời sống xã hội và đem lại niềm tin cho mọi người trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam (9-11), ngày 6-11, Sở Tư pháp tổ chức cuộc thi “Công chức, viên chức ngành tư pháp và pháp luật”. Tham gia cuộc thi có 30 công chức, viên chức đang công tác tại các phòng, đơn vị thuộc Sở Tư pháp. Nội dung thi tập trung vào việc thực hiện Hiến pháp và pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân. Hoàng Minh |
Là một kênh tuyên truyền pháp luật, nhiều năm qua Báo Gia Lai thông qua các chuyên trang, chuyên mục như: Thời sự, Pháp luật-đời sống thực hiện đều từ thứ hai đến cuối tuần hàng tuần, Quốc phòng-an ninh vào thứ năm của tuần thứ 2 và thứ 4 trong tháng đã góp phần đáng kể công tác tuyên truyền các chính sách pháp luật trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là đối với bà con vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Có thể thấy nổi bật trong thời gian gần đây là Báo Gia Lai đã truyền tải những ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý, các giai tầng xã hội tham gia góp ý vào dự thảo Hiến pháp 2013, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Hôn nhân và gia đình; tuyên truyền cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp 2013, Luật Giao thông đường bộ, Luật Bảo hiểm xã hội...; các hoạt động tố tụng của cơ quan tư pháp; việc tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng và giáo dục pháp luật của các cơ quan chuyên ngành và các sách phát triển văn hóa, kinh tế-xã hội của trung ương và địa phương.
Có thể nói, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chỉ thành công khi các chế định trong Hiến pháp và pháp luật được chấp hành triệt để và từng bước trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người. Ý thức pháp luật có thể được coi là tiền đề tư tưởng cho sự củng cố và phát triển nền pháp chế, là cơ sở để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì pháp luật phải thực hiện nghiêm minh. Báo Gia Lai là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam tỉnh, là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Gia Lai đã góp một phần vào sinh hoạt chính trị pháp lý ngày càng sâu rộng trong đời sống xã hội.
Huỳnh Lê