Phan Bá: Từ chủ bút đến bộ trưởng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tôi hân hạnh được gặp anh Phan Bá (Võ Đông Giang) nhân dịp vợ chồng anh được mời vào dự lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Báo Gia Lai (1947-1997). Được biết, anh Phan Bá lúc bấy giờ là người cùng với ông Phan Thêm (Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai) đứng ra thành lập tờ báo Sáng-cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh Gia Lai-tiền thân của Báo Gia Lai ngày nay-trên vùng Vĩnh Thạnh, Bình Định. Vì được cơ quan phân công tiếp cận, giúp đỡ anh Phan Bá trong dịp lễ kỷ niệm nên tôi có điều kiện gần gũi, chuyện trò cùng vị tiền bối với chức danh là chủ bút đầu tiên của tờ báo Gia Lai.

Đồng chí Phan Bá (thứ 3 từ phải sang) thăm lại Gia Lai năm 1997. Ảnh: Đức Thanh
Đồng chí Phan Bá (thứ 3 từ phải sang) thăm lại Gia Lai năm 1997. Ảnh: Đức Thanh

Ban đầu tiếp xúc với người tiền nhiệm này, tôi chưa hiểu lắm về lai lịch của anh, chỉ biết rằng, trong những năm chiến tranh chống thực dân Pháp, anh đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng và có thời kỳ là Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai. Thông qua một số tài liệu trước đó, tôi chỉ biết anh còn có tên là Võ Đông Giang, một chính khách, nhà ngoại giao và một sĩ quan cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ấn tượng ban đầu của tôi về anh (bấy giờ anh đã 74 tuổi), đó là người hơi gầy, có dáng dấp của chính khách với đôi mắt sáng, cương nghị. Mặc dù ngoài thất thập nhưng anh còn nhanh nhẹn, hoạt bát và thân tình. Tôi được biết anh đã từng là Phó Trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam với quân hàm Đại tá ở Trại Davis trong Ban Liên hiệp quân sự 4 bên đóng tại sân bay Tân Sơn Nhất-Sài Gòn hồi trước năm 1975.

Sau ngày anh mất (1998), là thành viên trong Ban Biên soạn lịch sử báo chí Gia Lai (1945-2010), tôi có dịp ra Hà Nội để tìm tư liệu, có ghé lại khu tập thể Kim Liên, nơi vợ chồng anh ở khi về hưu, thắp hương cho anh và thăm chị Trần Thị Yến (vợ anh). Lúc ấy, tôi và nhà báo Quốc Ninh không tìm được thêm tư liệu gì có liên quan đến Báo Gia Lai tại nhà riêng anh chị, kể cả hồi ký của anh cũng chưa được nghe người trong gia đình nhắc đến. Nhìn thấy một số di vật của anh để lại, như chiếc máy đánh chữ xách tay đã cũ, cặp đựng tài liệu, sách vở…, chúng tôi đặt vấn đề xin chị Yến trao tặng cho Báo Gia Lai để trưng bày phòng truyền thống. Chị Yến đã đồng ý nhưng rồi chúng tôi cũng chưa có điều kiện chuyển về Gia Lai.

Khi bắt tay vào viết sử báo chí địa phương, chúng tôi mới biết mình đã chậm một bước khi không tranh thủ khai thác đầy đủ tư liệu khi ông Phan Thêm và anh Phan Bá còn khỏe. Chỉ khi gặp lại một số cán bộ dưới quyền của các vị tiền bối ấy, chúng tôi mới hiểu thêm về công lao và đời tư của họ. Chị Yến, người bạn đời của anh-lúc gặp chúng tôi tại Hà Nội, chị không được khỏe lắm và đã mất sau đó gần l năm-có nhắc đến đôi nét về thân thế, sự nghiệp của chồng mình. Trong hồ sơ công khai, anh Phan Bá (1923-1998), người xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, một vựa lúa của miền Trung; sinh trưởng trong một gia đình khoa bảng. Ông ngoại anh là một trong “ngũ phụng tề phi” của đất Quảng Nam, đậu tiến sĩ năm Mậu Tuất, đời Thành Thái thứ 10 (1898), đó là danh sĩ, đại thần Phan Quang (1873-1939), hiệu là Quế Nam, đồng khoa với Phạm Liệu, Phạm Tuấn, Dương Hiển Tiến, Ngô Chuân và cùng thời với Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh. Ông làm quan dưới triều Nguyễn đến chức Tham tri Bộ Lễ, có thời làm Án sát Bình Định, Giáo thụ ở Tuy An-Phú Yên và đến khi về hưu được phong Lễ bộ Thượng thư. Ông được người đương thời đánh giá là vị quan liêm khiết, thương dân, có nhiều công lao với người dân địa phương. Người Quế Sơn xứ Quảng thường gọi ông là Cụ thượng Phước Sơn. Có lẽ chính đức tính của Cụ thượng đã phần nào ảnh hưởng đến tính cách cương trực và lòng yêu nước của người cháu Phan Bá sau này. Chỉ có điều đến giờ tôi vẫn chưa hiểu vì sao Phan Bá và 6 anh chị em trong gia đình lại lấy họ mẹ và về sau trong thời chống Mỹ cứu nước đổi sang họ Võ (Võ Đông Giang).

Trong lần tiếp xúc duy nhất với anh Phan Bá năm ấy, tôi nhớ nhất là chi tiết đưa anh đi dạo quanh thị xã Pleiku, ngắm nhìn lại cảnh cũ người xưa mà hơn 40 năm, kể từ sau 9 năm kháng chiến chống Pháp, giờ anh mới có dịp trở lại Bắc Tây Nguyên. Khi ấy, anh dừng lại thật lâu ở ngã ba trước nhà thờ Thăng Thiên, cố nhớ lại một hình ảnh thân quen nào đó còn lưu giữ trong ký ức. Dường như xác định được vị trí, anh lấy tay chỉ về phía rìa đường Lê Lợi, gần giữa khoảnh sân nhà thờ, rồi nói với tôi: “Trước đây, khi giải phóng Pleiku, mình đưa trung đoàn tập kết về đây. Nhớ chốn này có hàng thông cao và mình ở một ngôi nhà gỗ gần đấy. Giờ thì không còn lại dấu vết gì”. Anh có đưa máy ảnh cho tôi chụp anh vài kiểu nơi chốn xưa này để làm kỷ niệm. Lúc về hồ Diên Hồng, ngồi uống nước giải lao, tôi có gợi chuyện để anh kể về những ngày cuối cùng ở Trại Davis. Anh kể tôi nghe về những chuyện đấu trí đầy bản lĩnh của phái đoàn ta với phía đoàn Việt Nam Cộng hòa. Có lần Trưởng đoàn phía Việt Nam Cộng hòa Phan Hòa Hiệp không biết moi đâu ra cái lý lịch thiếu chính xác để bêu rếu hạ uy tín anh trong bàn hội nghị, như anh không phải là Đại tá Võ Đông Giang mà là cán bộ của Bộ Ngoại giao Bắc Việt có tên Phan Bá. Anh chưa đi lính ngày nào, chỉ là cán bộ dân chính, sao mang hàm sĩ quan cao cấp được… Bấy giờ, viên tướng này bị anh “tấn công” một mạch khá chính xác về thân thế, sự nghiệp chẳng mấy tốt đẹp, như là đứa con lai Pháp, ôm chân đầu hàng thực dân Pháp, khiến ông ta bị bẽ mặt trước đám thuộc hạ. Cuối buổi họp, viên tướng này đến xin lỗi anh và tự nhận mình chỉ là võ biền, thiếu kinh nghiệm ngoại giao.

 

Đồng chí Phan Bá (bên phải) trò chuyện với người dân trong chuyến thăm lại Gia Lai năm 1997. Ảnh: Đức Thanh
Đồng chí Phan Bá (bên phải) trò chuyện với người dân trong chuyến thăm lại Gia Lai năm 1997.  Ảnh: Đức Thanh

Những ngày cuối cùng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, anh kể, cán bộ, chiến sĩ ta ở Trại Davis rất hồi hộp, chờ đợi Quân Giải phóng đang tràn vào cửa ngõ Sài Gòn. Một hôm, anh đang ở trong hầm trú ẩn thì cán bộ của ta vào báo cáo là có một linh mục dẫn đầu đoàn nhân sĩ thuộc lực lượng thứ ba muốn được yết kiến với phái đoàn đại diện Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, xưng là bạn học của anh Võ Đông Giang. Anh Giang đồng ý tiếp họ tại hầm trú ẩn. Đêm ấy, đoàn ta mời họ ở lại và trao đổi nhiều vấn đề và giải thích cho họ hiểu về các chính sách của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam. Sáng sớm hôm sau, anh Giang đã tặng quà, cấp giấy đi lại, cho xe và một tiểu đội hộ tống phái đoàn này trở lại Sài Gòn an toàn. Họ đã cảm ơn về tấm thân tình của ta.

Khi nhắc đến những ngày đầu chống Pháp ở Gia Lai và khi làm chủ bút tờ báo Đảng bộ tỉnh đầu tiên, tuy thời gian tồn tại của báo Sáng và tờ Thông tin Gia Lai không dài nhưng để lại trong lòng anh bao kỷ niệm sâu sắc. Anh nói, làm báo thời chiến thì cũng như người lính xung trận, đâu có giặc là ta cứ đi. Không tòa soạn, không phóng viên, biên tập viên, không máy móc in ấn… khó khăn trăm bề nhưng anh em phải quyết tâm ra được báo để tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, nhân dân, nhất là thời buổi thông tin dường như chưa có gì, ngoài những buổi tuyên truyền miệng rất hiếm hoi. Làm chủ bút bấy giờ không phải “chỉ tay năm ngón” mà phải làm tất tần tật, từ viết bài, biên tập rồi phát hành… Xuất bản được số nào và phát hành suôn sẻ thì mừng lắm!

Được biết, sau năm 1954, anh Võ Đông Giang được chuyển sang làm công tác ngoại giao và kinh qua nhiều chức vụ quan trọng trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Sau năm 1975, anh được phong hàm Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam, rồi về làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Đến năm 1987, anh được bổ nhiệm làm Bộ trưởng-Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đối ngoại; năm 1989 là Bộ trưởng-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác đầu tư. Anh nghỉ hưu năm 1993.

Việt Linh

Có thể bạn quan tâm

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang thăm, chúc mừng Báo Gia Lai

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang thăm, chúc mừng Báo Gia Lai

(GLO)- Nhân kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chiều 20-6, đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đến thăm, chúc mừng Báo Gia Lai. Cùng đi có đồng chí Ayun H'Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và lãnh đạo một số ban, ngành của tỉnh.
Báo Gia Lai gặp mặt bạn đọc và cộng tác viên khu vực phía Đông năm 2017

Báo Gia Lai gặp mặt bạn đọc và cộng tác viên khu vực phía Đông năm 2017

(GLO)- Chiều 14-6, tại thị xã An Khê, Báo Gia Lai đã tổ chức gặp mặt bạn đọc và cộng tác viên khu vực phía Đông nhân kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2017). Ông Huỳnh Kiên-Tổng Biên tập Báo Gia Lai và bà Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã An Khê đồng chủ trì buổi gặp mặt.
Tác nghiệp ở vùng sâu

Tác nghiệp ở vùng sâu

(GLO)- Để mang đến cho độc giả những bài viết chân thực, đậm hơi thở cuộc sống, chuyện đi sâu đi sát cơ sở là điều không thể thiếu đối với người làm báo. Riêng tôi, những chuyến công tác về làng hay đến vùng xa bao giờ cũng đầy ắp sự háo hức và thú vị.
Dấu ấn của tuổi trẻ Báo Gia Lai

Dấu ấn của tuổi trẻ Báo Gia Lai

(GLO)- Với đặc thù là cơ quan báo Đảng địa phương, không chỉ nêu cao tinh thần, đạo đức của người làm báo, vai trò của tuổi trẻ Báo Gia Lai còn được thể hiện trong nhiều phong trào, phần việc thanh niên.
Những người sáng lập Báo Gia Lai

Những người sáng lập Báo Gia Lai

(GLO)- Báo Gia Lai đã tròn 70 năm thành lập (16/3/1947- 16/3/2017). Tuy nhiên, đến nay, chúng tôi mới có những cứ liệu lịch sử tin cậy để có thể khẳng định Báo Gia Lai (tiền thân là tờ báo Sáng, thành lập ngày 16-3-1947) là do 2 ông Phan Thêm-Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên (1945-1948) và Phan Bá-Tỉnh ủy viên (đến tháng 7-1948 thay Phan Thêm làm Bí thư Tỉnh ủy) Tỉnh ủy Gia Lai đồng sáng lập.
Kỷ niệm không thể nào quên

Kỷ niệm không thể nào quên

(GLO)- Trong cuộc đời của mình, tôi đã có rất nhiều năm gắn bó với nghề phóng viên ảnh nhưng có lẽ những ngày làm báo ở chiến khu Gia Lai trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước sẽ mãi là những kỷ niệm không bao giờ mờ phai trong tâm khảm của mình...
Nơi ấy, chúng tôi về…

Nơi ấy, chúng tôi về…

(GLO)- Trở về với nguồn cội bao giờ cũng là những chuyến đi đong đầy xúc cảm. Và với những phóng viên trẻ như chúng tôi, điều ấy dường như càng nhân lên gấp bội khi được cùng nhau đến nơi đã
Từ cộng tác viên trở thành... Tổng Biên tập

Từ cộng tác viên trở thành... Tổng Biên tập

(GLO)- Ấy là mỗi khi vui vui anh em trong cơ quan cũng như bạn bè thân thiết bên ngoài hay nói về tôi như thế. Thì sao cũng được, tôi nghĩ lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao là thước đo cho khả năng của mình ở một môi trường vừa mới, vừa lạ là chính.
Chi đoàn Báo Gia Lai tổ chức Hành trình "Về nguồn"

Chi đoàn Báo Gia Lai tổ chức Hành trình "Về nguồn"

(GLO)- Trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Báo Gia Lai (16-3-1947/16-3-2017), ngày 17-2, Chi đoàn Báo Gia Lai đã tổ chức chuyến hành trình “Về nguồn“ tại khối Thuận Nghĩa-thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Đây là nơi xuất bản số báo đầu tiên của tờ báo “Sáng“-tiền thân của Báo Gia Lai ngày nay.
Báo Gia Lai và bảo hiểm Prudential tặng quà cho người nghèo xã Ia Púch

Báo Gia Lai và bảo hiểm Prudential tặng quà cho người nghèo xã Ia Púch

(GLO)- Nhân dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, sáng 20-1, Báo Gia Lai phối hợp với Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential tổ chức chương trình tặng quà cho người nghèo ở xã Ia Púch (huyện Chư Prông). Tại đây, lãnh đạo 2 đơn vị đã trao 80 suất quà (tổng trị giá 25 triệu đồng) cho 80 hộ nghèo, giúp bà con có thêm điều kiện để vui Xuân, đón Tết.
Báo Gia Lai tăng trang

Báo Gia Lai tăng trang

(GLO)- Nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu thông tin của độc giả, được sự cho phép của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Bộ Thông tin và Truyền thông, kể từ đầu năm 2017, Báo Gia Lai hàng ngày tăng từ 8 trang lên 12 trang. Các bạn đang cầm trên tay ấn phẩm Gia Lai hàng ngày đầu tiên 12 trang.
Tọa đàm kỷ niệm 69 năm Ngày truyền thống Báo Gia Lai

Tọa đàm kỷ niệm 69 năm Ngày truyền thống Báo Gia Lai

(GLO)- Sáng 16-3, tại Khách sạn Tre Xanh Plaza (TP. Pleiku), Báo Gia Lai tổ chức buổi tọa đàm kỷ niệm 69 năm Ngày truyền thống (16-3-1947_16-3-2016) và gặp mặt cộng tác viên năm 2016. Tham dự có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, cùng cán bộ, viên chức Báo Gia Lai qua các thời kỳ và hơn 60 cộng tác viên trong và ngoài tỉnh.
Bạn đọc với Báo Gia Lai

Bạn đọc với Báo Gia Lai

(GLO)- Những bạn đọc, cộng tác viên mà chúng tôi có dịp gặp gỡ, chuyện trò đều có chung một lời nhận xét về Báo Gia Lai, đó là: Thời gian qua, Báo đã có sự phát triển vượt trội, phong phú về nội dung, đẹp về hình thức, bám sát thời sự, sự kiện.
Báo Gia Lai: Mở rộng biên độ thông tin

Báo Gia Lai: Mở rộng biên độ thông tin

(GLO)- Một số người quan niệm, làm báo địa phương là chỉ làm thông tin trong phạm vi của địa bàn và các lĩnh vực thuộc khu vực hành chính của tỉnh, thành đã được phân định, không “giậm chân“ thông tin ở địa phương khác. Điều đó cũng đã rõ trong tôn chỉ-mục đích ngay từ đầu của mỗi tờ báo. Tuy nhiên, để tờ báo thu hút được bạn đọc không chỉ có thông tin, bài viết xoay quanh lãnh địa của mình mà cần có các chuyên mục để đưa tin, phản ánh các vấn đề liên quan ở khu vực, trong nước và nước ngoài.