(GLO)- Trong cuộc đời của mình, tôi đã có rất nhiều năm gắn bó với nghề phóng viên ảnh nhưng có lẽ những ngày làm báo ở chiến khu Gia Lai trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước sẽ mãi là những kỷ niệm không bao giờ mờ phai trong tâm khảm của mình...
Đồng chí Trần Văn Bình-Ủy viên Khu V, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai phát biểu chỉ đạo công tác tuyên truyền về Hiệp định Paris năm 1973. Ảnh: Lý Vĩnh Hoa |
Có một chuyện làm tôi nhớ mãi, ấy là vào một buổi chiều cuối đông năm 1973, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai chỉ đạo Tiểu ban Tuyên truyền chuẩn bị triển khai đợt triển lãm ảnh sâu rộng trong cán bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh để chào mừng Hiệp định Paris-Hiệp định đình chiến tại Việt Nam sẽ được ký kết trong một ngày không xa.
Với tâm trạng rất vui vì quê hương đất nước sắp được hưởng những ngày thanh bình, sẽ không còn phải sống trong những ngày đạn bom khốc liệt... chúng tôi đã bắt tay vào việc theo sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Tiểu ban Tuyên truyền lúc đó là đồng chí Ngô Riễn và đồng chí Phạm Thanh Văn. Tôi và Hữu Thức (là một nhiếp ảnh cừ khôi của Ban) đã cùng nhau thiết kế, rồi huy động anh chị em mỗi người một tay xây dựng cái buồng tối để tráng phim và rửa ảnh đen trắng bằng ánh sáng trời. Trước đó, chúng tôi cũng in tráng và sản xuất hình ảnh để đăng báo, để triển lãm và làm tư liệu nhưng đều phải thực hiện vào ban đêm, trong một buồng tối được che kín bằng vải đen. Không có điện, chúng tôi phải dùng tay quay máy garulo. Lúc khỏe, quay mạnh tay thì điện sáng hơn, nhưng khi mệt, quay yếu thì điện mờ in không ra hình hoặc có hình thì chất lượng cũng không cao. Nhiều đêm, chúng tôi phải thức đến 2-3 giờ sáng, mọi người đều mệt nhoài nhưng sản phẩm thu được cũng không như ý muốn. Chính vì vậy, việc nghiên cứu thiết kế và xây dựng một buồng tối có thể dùng ánh sáng trời để tráng phim, in ảnh vào ban ngày là yêu cầu bức thiết trong hoàn cảnh lúc đó.
Anh hùng Núp trồng cây nhớ ơn Bác Hồ tại khu vực thị trấn Dân Chủ năm 1973. Ảnh: Lý Vĩnh Hoa |
Sau khi trình bày ý tưởng của mình, chúng tôi được lãnh đạo Ban duyệt phương án xây dựng. Cùng với một số vật liệu cần thiết, chúng tôi được giao một khu đất trống cách không xa phòng giao ban của lãnh đạo. Vậy là chúng tôi, người ban đất làm nền, người lên rừng chặt cây làm cột, chặt le làm phên, người vào rẫy cắt rơm rạ, người đào đất sét mang về, rồi khẩn trương bắt tay vào nhồi đất, trộn rơm, đẽo cột, chẻ le và cuối cùng là trét vách, lợp mái. Do chưa có kinh nghiệm nên việc trét vách là khâu phải mất nhiều thời gian nhất. Lúc trét bên dưới thì dễ, nhưng khi lên gần tới trần thì khó vô cùng, bởi càng lên cao, sự bám dính của hồ vào nan le rất lỏng lẻo. Phải kiên trì trét từng tí, từng tí một, sau 3 ngày, cái buồng tối rộng hơn 10 mét vuông đã hoàn thành. Không thể đợi đến lúc tường khô hẳn, chúng tôi che lớp vải đen dày bên trong, khoét một lổ tròn trên trần, lắp kính mờ, kính lúp và gắn máy in ảnh vào vị trí... Không thể tả được niềm vui của chúng tôi khi hoàn thành cái buồng tối để có thể tráng phim, in ảnh ngay ban ngày trong những ngày tháng vô cùng khó khăn, gian khổ và thiếu thốn đủ thứ ở chiến khu xưa. Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật ngày nay, chỉ cần mất mấy ngàn đồng và mươi phút đồng hồ tại các tiệm chụp hình, chúng ta đã có những bức ảnh như ý. Ngày đó, chúng tôi phải tráng phim thủ công, chỉ cần lường lượng thuốc lệch tỷ lệ một chút là hình in ra sẽ vàng khè, đỏ quạch hoặc thậm chí là không lên hình. Đó là chưa kể khâu rửa ảnh, phải nhúng tay vào 2-3 chậu nước, phải dùng tay không xoa vào từng tấm ảnh cho sạch thuốc, trong cái lạnh tê buốt người giữa rừng sâu cũng là nỗi ám ảnh đối với các phóng viên ảnh thời đó...
Hội Báo Xuân năm 2002. Ảnh: Đ.T |
Sáng kiến làm buồng tối để tráng phim, in ảnh ban ngày của những phóng viên nhiếp ảnh của Báo Gia Lai (thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai) ngày đó là một trong những kỷ niệm mãi theo chúng tôi cho đến tận bây giờ. Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Báo Gia Lai, những ký ức của một thời làm báo trong chiến khu cách đây 44 năm lại ùa về, sống động, như mới vừa diễn ra... Với riêng mình, tôi tự hào là một trong những người đã góp một chút công sức nhỏ bé của mình-một hạt cát-một viên gạch để làm nên lịch sử Báo Gia Lai hôm nay.
Lý Vĩnh Hoa