(GLO)- Tôi chuyển công tác về Báo Gia Lai từ đầu tháng 1-1992. Sau khi chia tách tỉnh, Báo Gia Lai-Kon Tum cũng chia hai. Các anh: Võ Tấn Long (Phó Tổng Biên tập), Lê Văn Thiềng, Bùi Quang Vinh, Hà Xuân Vinh, Nhật Chánh, Nhật Hằng… chuyển lên Báo Kon Tum. Số còn lại gồm anh Trần Liễm (Tổng Biên tập), chị Đặng Thị Thu Hà (Phó Tổng Biên tập lúc này đang học tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) Phan Hòa, Lê Hoàng Trung, Trần Văn Nghĩa, Lê Minh, Phạm Văn Thư, Nguyễn Đức Thanh (phóng viên ảnh) và thêm tôi. Sau này có anh Hoàng Anh Phượng đi học về và nhận thêm Lê Bá Tuế, Quốc Ninh, Nguyễn Chương, Nguyễn Thịnh, Lương Văn Danh…
Ảnh: Đức Thanh |
Trụ sở cơ quan đóng tại nhà số 2A Hoàng Văn Thụ-Pleiku. Đây là một cơ sở làm việc của chính quyền Sài Gòn đã cũ kỹ song có vị trí thuận lợi với hai mặt tiền: Hoàng Văn Thụ và Lê Hồng Phong. Tòa soạn nằm ở giữa gồm một phòng họp phía trước, tiếp đó hai bên là phòng làm việc của Tổng và Phó Tổng Biên tập, phía sau bên phải là Phòng Phóng viên, bên trái là bộ phận hành chính, ở giữa có một khoảng sân nhỏ và giếng nước. Tuy đã cũ nhưng cơ quan rộng rãi và rất thoáng mát nhờ hàng xoài cổ thụ và mận trong sân. Mùa hè, chúng tôi vẫn thường lén leo lên cây hái cả rổ lớn xoài và mận mang vào phòng, vừa viết bài vừa nhai rau ráu.
Báo có Xí nghiệp In riêng và phát hành tuần 2 số, in typô, khổ lớn. Cánh phóng viên chúng tôi hoàn toàn viết bài trên giấy, nếu được duyệt thì sau đó sẽ đưa sang văn thư đánh máy. Hàng ngày, chiếc máy đánh chữ của cô Dung gõ lách cách đều đều, thi thoảng chúng tôi tạt vào ghé mắt nhìn xem, nếu thấy có bài mình thì cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng. Tuần nào chúng tôi cũng phải đi cơ sở, hầu hết đều đi xe đò. Cả cơ quan đếm được dăm chiếc xe gắn máy: xe của anh Trần Liễm là Cub cánh én 50 phân khối, xe anh Hoàng Trung là chiếc Honda dame cũ, Trần Văn Nghĩa là Cub 50, Phan Hòa khá hơn được chiếc DD… Sau này, Thanh Phong mua chiếc Vespa 150, máy nổ to như máy gạo, Văn Thư chiếc Dalim… còn “vũ khí” hành nghề của tất cả phóng viên vẫn là cây bút, quyển sổ tay, máy ghi âm, người nào khá hơn thì có thêm chiếc máy ảnh chụp phim.
Năm 1993, anh Trần Liễm chuyển lên làm Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh và chú Phạm Thượng Ký từ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về làm Tổng Biên tập. Lúc này, chị Đặng Thị Thu Hà cũng đã học xong trở về tiếp tục làm Phó Tổng Biên tập. Trước xu thế chung của báo chí cả nước (bấy giờ chỉ còn vài cơ quan báo in typô), được sự đồng ý của tỉnh, Báo Gia Lai quyết định giải thể Xí nghiệp In, chuyển sang in offset và số báo đầu tiên phát hành ngày 5-11-1993, sau khởi công công trình thủy điện Ia Ly một ngày.
Cán bộ, phóng viên Báo Gia Lai thăm khu di tích đền thờ cụ Nguyễn Sinh Sắc tại Đồng Tháp năm 1996. Ảnh: P.V |
Với tôi, đây là một kỷ niệm khó quên trong quãng đời làm báo của mình. Sáng sớm ngày 4-11-1993, tôi cùng anh Trần Văn Nghĩa và anh Đức Thanh (phóng viên ảnh) đi xe máy từ Pleiku vào Ia Ly. Hàng ngàn người đến dự buổi lễ long trọng này gồm người dân các làng sống gần khu vực lòng hồ đại diện 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai, khách mời và các quan chức, có cả diễn viên điện ảnh Lê Công Tuấn Anh và Việt Trinh cũng từ TP. Hồ Chí Minh lên dự lễ. Trên lễ đài là Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Anh hùng Núp cùng Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Đích thân Thủ tướng Võ Văn Kiệt bấm nút nổ mìn khởi công. Sau lễ chỉ kịp ăn vội phần cơm hộp Ban tổ chức cấp phát, chúng tôi lập tức lên xe máy chạy về Tòa soạn viết ngay bản tin cùng bài ghi nhanh và Ban Biên tập cũng duyệt ngay để sau đó tôi đọc qua điện thoại đường dài xuống Quy Nhơn (đọc đúng cả dấu phảy, dấu chấm, chữ viết hoa…) cho anh Trần Minh Hùng-nhân viên kỹ thuật đang ở dưới đó ghi âm. Rồi ngay trong buổi chiều cũng chính tôi đi xe đò mang 2 tấm ảnh lễ khởi công thủy điện Ia Ly của anh Đức Thanh xuống Xí nghiệp In Bình Định ở Quy Nhơn để kịp in cho số báo ngày mai.
Báo in offset được lãnh đạo tỉnh cùng bạn đọc đánh giá cao, mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử phát triển của Báo Gia Lai. Thời gian sau, báo không in ở Quy Nhơn nữa mà chuyển về in ở Pleiku và phát hành thêm các ấn phẩm: Gia Lai Nguyệt san, Gia Lai Cuối tuần, báo ảnh Gia Lai. Báo Gia Lai hàng ngày cũng tăng kỳ, rồi mở GLO. Bây giờ nghe kể chuyện đọc bài qua điện thoại và mang ảnh đi cứ như nghe kể chuyện cổ tích, bởi hiện nay các nhà báo chỉ cần ngồi ngay hiện trường tác nghiệp, bài vở, hình ảnh chuyển qua mạng internet đến thẳng Tòa soạn và nhà in. Bây giờ, Báo Gia Lai đã xây trụ sở kiên cố, những người “báo Gia Lai cũ” phần lớn cũng đã nghỉ và sắp nghỉ hưu, nhường chỗ cho hàng loạt phóng viên, biên tập viên trẻ. Mỗi lần có dịp lên thăm lại cơ quan, tôi vẫn hình dung trước mắt mình hàng xoài trĩu quả và nghe đâu đây tiếng máy chữ lách cách như nhắc tôi về một quãng thời gian xa xưa đong đầy kỷ niệm vui buồn…
Thanh Phong