Bảo đảm an toàn đường thủy khu vực Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết vừa tiến hành khảo sát thực tế, đôn đốc bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường thủy nội địa tại khu vực các tỉnh Tây Nguyên.
Những thuyền hoạt động du lịch thô sơ ở khu vực lòng hồ Sê San (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Ảnh: Quang Thái/TTXVN

Những thuyền hoạt động du lịch thô sơ ở khu vực lòng hồ Sê San (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Ảnh: Quang Thái/TTXVN

Đây là một trong nhiều hoạt động thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa và định hướng nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy năm 2023 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

Mục tiêu đôn đốc việc chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động vận tải, vận tải hành khách, hoạt động vận tải hành khách ngang sông, bảo vệ công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa.

Tại địa bàn các tỉnh khu vực Tây Nguyên, đoàn công tác Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã ghi nhận tình hình, đôn đốc việc triển khai việc bảo đảm bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trong hoạt động vận tải tại vùng lòng hồ, các bến khách ngang sông, bến hành khách, các phương tiện thủy phục vụ du lịch, lễ hội; công tác quản lý hoạt động cảng, bến thủy, bến khách ngang sông, thuyền viên, phương tiện thủy nội địa.

Cùng với đó, khảo sát, rà soát, đánh giá vị trí nguy hiểm về tai nạn giao thông trên các tuyến đường thủy nội địa, vùng lòng hồ… Kết hợp tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn việc thực hiện những quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa.

Đại diện lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, qua rà soát cho thấy, hiện công tác thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giao thông vận tải đường thủy nội địa trên địa bàn còn nhiều khó khăn, hạn chế do nhân lực chuyên ngành đường thủy nội địa mỏng, trong khi địa bàn rộng. Nhiều phương tiện thủy không đăng ký, đăng kiểm, thiếu thiết bị an toàn theo quy định; nhiều người lái phương tiện không có chứng chỉ thuyền viên do chủ yếu hoạt động tự phát của người dân, nhất là người dân nghèo, trình độ hạn chế.

"Đoàn công tác đã ghi nhận tình hình, các khó khăn của địa phương; đồng thời hướng dẫn cách tháo gỡ. Về lâu dài sẽ có giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước nói chung, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa nói riêng trong khu vực Tây Nguyên. Riêng về đào tạo thuyền viên, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam sẽ có giải pháp hỗ trợ, mở các lớp đào tạo tại địa phương để người dân nghèo được đào tạo, có kỹ năng điều khiển phương tiện thủy đảm bảo an toàn...", lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho hay.

Có thể bạn quan tâm