'Bánh vẽ' sâm Ngọc Linh: UBND tỉnh Kon Tum giao các sở, ngành kiểm tra, cung cấp thông tin

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Công ty cổ phần tập đoàn Mỹ Hạnh (Công ty MHG) trụ sở ở Hà Nội có dấu hiệu lừa đảo khi 'vẽ' dự án trồng sâm Ngọc Linh tại Kon Plông (Kon Tum), khiến nhiều nhà đầu tư phải cầu cứu Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Cầu Giấy trong suốt thời gian qua.
Vườn sâm dây của Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh tại Hợp tác xã nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông.

Vườn sâm dây của Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh tại Hợp tác xã nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông.

Các dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của Công ty MHG đã được phóng viên TTXVN phản ánh từ cuối tháng 1/2022 qua các bài viết: “Bánh vẽ” với thương hiệu Quốc bảo sâm Ngọc Linh; Thêm một công ty “mập mờ” với thương hiệu sâm Ngọc Linh tại Kon Tum. Sau bài viết này, nhiều cơ quan truyền thông vào cuộc, lật tẩy chiêu bài lừa đảo nhà đầu tư của Công ty MHG.

Tháng 3/2022, UBND tỉnh Kon Tum đã có 2 văn bản, trong đó, văn bản số 867/VP-NNTN ngày 16/3/2022 nêu rõ, qua nắm thông tin báo chí về Dự án vườn sâm Ngọc Linh của Công ty MHG, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp có ý kiến: Rà soát, kiểm tra thông tin về Dự án Vườn sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Ngày 25/3, UBND tỉnh Kon Tum tiếp tục có văn bản số 1007/VP-NNTN về việc kiểm tra thông tin xung quanh Dự án vườn sâm Ngọc Linh Kon Tum. Theo đó, ông Nguyễn Hữu Tháp giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng cùng UBND huyện Kon Plông tổ chức kiểm tra, xác minh cụ thể, làm rõ thông tin Dự án vườn sâm Ngọc Linh Kon Tum của Công ty MHG đang triển khai trên địa bàn huyện Kon Plông.

Sau ý kiến chỉ đạo, các cơ quan chức năng và huyện Kon Plông đã có báo cáo gửi UBND tỉnh. Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum khẳng định, Công ty MHG chưa thực hiện bất kỳ hoạt động nào trên địa bàn tỉnh. Hoạt động của Hợp tác xã nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông là trồng rau, hoa, dược liệu (hồng đẳng sâm, đương quy); bảo tồn được một số dược liệu tự nhiên như Toái cốt, Lan Kim tuyến, Chè dây, Giảo cổ lam… Huyện Kon Plông cũng khẳng định, không có vườn sâm Ngọc Linh trong khu vực dự án của Hợp tác xã Tuyết Sơn Kon Plông.

Ngày 5/4/2022, Công ty MHG có công văn số 02/2022/CV-SNL gửi Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum về việc đính chính thông tin. Trong văn bản này, bà Phạm Mỹ Hạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty MHG nêu: Công ty MHG đang đầu tư phát triển các vùng trồng cây dược liệu và sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Ngoài ra, Công ty mong muốn, UBND tỉnh Kon Tum xác minh lại thông tin về hợp tác giữa các bên của dự án và hỗ trợ cung cấp thông tin chính thức đến các cơ quan báo chí. Với tinh thần đầu tư bài bản, nghiêm túc, công ty mong được góp sức vào công cuộc bảo tồn, nâng tầm giá trị của sâm Ngọc Linh…

Như vậy, công văn số 02/2022/CV-SNL của Công ty MHG có nội dung đơn vị đang trồng sâm Ngọc Linh, là không đúng với kết quả rà soát của các sở, ngành tỉnh Kon Tum.

Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum gửi UBND tỉnh tại công văn số 2260/SKHĐT-ĐKKD ngày 9/8, cho biết: “Qua theo dõi, không có cá nhân, tổ chức nào trên địa bàn tỉnh có liên doanh, liên kết với Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh để đầu tư thực hiện dự án trồng, chăm sóc, phát triển cây sâm Ngọc Linh”. Ngoài ra, nội dung báo cáo cũng khẳng định, Hợp tác xã Tuyết Sơn (thuộc Công ty MHG) do bà Phạm Mỹ Hạnh là người đại diện theo pháp luật có Dự án Nông trại hữu cơ nhưng không bao gồm sâm Ngọc Linh. Công ty MHG không có bất kỳ dự án đầu tư sâm Ngọc Linh nào trên địa bàn huyện Kon Plông.

Tỉnh Kon Tum cũng cần có biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn công ty MHG lợi dụng, tạo “bánh vẽ” sâm Ngọc Linh để lừa các nhà đầu tư.

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.