(GLO)- Sau Facebook, TikTok đang dần trở thành mạng xã hội thịnh hành trên khắp thế giới. Không chỉ mang tính giải trí, TikTok còn là kênh bán hàng chi phí thấp nhưng mang lại hiệu quả cao cho các chủ thể.
Kênh bán hàng hiệu quả
Gia nhập nền tảng TikTok mới được 7 tháng nhưng Shop Ba Thức (283 Hai Bà Trưng, TP. Pleiku) đã đạt con số 203,5 ngàn người theo dõi. Chị Trần Thị Phương Dung-chủ Shop Ba Thức-cho hay: “Shop chuyên kinh doanh các loại đặc sản như: bò khô, cá khô, mực khô... Khi thấy những người tham gia bán hàng trên TikTok chốt từ vài trăm cho đến cả ngàn đơn hàng mỗi ngày, tôi đã tìm hiểu và quyết tâm thực hiện từ tháng 4-2022. Tôi tự mày mò, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện hơn. Càng làm tôi càng thấy kênh này rất hiệu quả. Trong một phiên livestream, tôi có thể đạt doanh số bán hàng bằng cả tháng trước đó. Chỉ tính riêng mảng bán lẻ trên nền tảng TikTok, doanh số bán hàng của shop đã đạt khoảng 3-5 tỷ đồng/tháng”. Theo chị Dung, TikTok là sự tích hợp giữa mạng xã hội và thương mại điện tử, lại mang tính giải trí nên lượng khách hàng tiếp cận các video clip rất nhanh, khả năng chốt đơn vì vậy cũng rất lớn.
Hội thảo xúc tiến thương mại bán hàng trên nền tảng TikTok thu hút đông đảo chủ thể OCOP trong tỉnh tham gia. Ảnh: Vũ Thảo |
Tương tự, chị Lê Thị Lan-Giám đốc Công ty cổ phần Nalee Việt Nam (thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh) cho biết: “Cách đây 2 năm, tôi tham gia kênh TikTok với mục đích quay video để giải trí. Bởi lẽ, nội dung trên TikTok rất hài hước, có nhiều chủ đề thu hút người xem. Khi tham gia TikTok, hình ảnh của tôi dần trở nên quen thuộc trong mắt mọi người. Vì vậy, khi trở thành người bán hàng, độ tin cậy cũng cao hơn. Từ khi tham gia TikTok, doanh số bắt đầu tăng trưởng mạnh, số lượng đơn tăng gấp 10 lần so với trước. Bình quân 1 ngày, tôi chốt được khoảng 200 đơn”.
Với mong muốn quảng bá sản phẩm OCOP và sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên đến với khách hàng trên cả nước, ngày 22-10, Thành Đoàn Pleiku, Hợp tác xã Nông nghiệp Liên hiệp Gia Lai phối hợp với TikTok Việt Nam tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại bán hàng trên nền tảng TikTok. Bày tỏ mong muốn được tiếp cận đa kênh bán hàng, trong đó có TikTok, anh Nguyễn Văn Vương (thôn 4, thị trấn Đak Đoa) cho hay: Trước giờ, gia đình anh chuyên thu mua mật ong và chủ yếu bán sỉ cho các doanh nghiệp với sản lượng hơn 100 tấn mỗi năm, còn bán lẻ chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Nhận thấy việc xây dựng thương hiệu sản phẩm cho riêng mình rất quan trọng nên vừa rồi, anh đã làm nhãn hiệu mật ong Vương Tới. Song song với các sàn thương mại điện tử, Facebook, anh đẩy mạnh bán hàng trên kênh TikTok bởi đây là mạng xã hội đang rất thịnh hành tại Việt Nam và mang lại thành công cho rất nhiều người bán hàng. “TikTok hỗ trợ trang bị những kiến thức về cách đăng ký bán hàng, đăng tải sản phẩm, sử dụng các tính năng tiếp thị liên kết, công cụ khuyến mãi, livestream thực chiến, quay video quảng cáo cũng như chia sẻ kinh nghiệm bán hàng. Đây là nền tảng rất cần thiết để áp dụng vào thực tế bán hàng sao cho hiệu quả nhất”-anh Vương đánh giá.
Cơ hội tiêu thụ sản phẩm OCOP
Ông Y Nguyên Ênuôl-Chi cục trưởng Chi cục PTNT (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Toàn tỉnh hiện có 214 sản phẩm OCOP (25 sản phẩm đạt 4 sao và 189 sản phẩm đạt 3 sao), đứng đầu khu vực Tây Nguyên về số lượng sản phẩm OCOP. “Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là khuyến khích người dân phát triển các sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chất lượng, số lượng lớn để đáp ứng yêu cầu đặt hàng của khách hàng. Vì vậy, không có cách nào khác là phải có hướng hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Trên thực tế, khả năng tiếp thị bán hàng của hộ sản xuất còn kém, nhất là việc tiếp cận công nghệ thông tin để chuyển đổi số trong công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế. Do đó, hỗ trợ người sản xuất tiếp cận đa kênh bán hàng là việc rất cần thiết nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong tương lai. Hiện các chủ thể OCOP đã biết cách thức đưa sản phẩm lên các sàn Ocopgialai.vn, Postmart, Voso… và bước đầu đem lại hiệu quả. Đặc biệt, trong thời đại chuyển đổi số, việc tiếp cận nền tảng mạng xã hội mới như TikTok sẽ là cơ hội để các chủ thể đưa sản phẩm đi xa hơn”-ông Y Nguyên Ênuôl cho hay.
TikTok Việt Nam hướng dẫn người bán livestream thực chiến gắn sản phẩm của các địa phương. Ảnh: Vũ Thảo |
Tại Việt Nam, hàng chục triệu người sử dụng TikTok. Hiện TikTok đang cung cấp 3 dịch vụ gồm: nền tảng giải trí với dịch vụ thông tin xuyên biên giới, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới và thương mại điện tử. Ông Nguyễn Lâm Thanh-đại diện TikTok Việt Nam-chia sẻ: “Ngay từ khi triển khai TikTok Shop, chúng tôi đã nghĩ ngay đến việc phải hỗ trợ cho hàng hóa thương hiệu Việt, hỗ trợ cho các hợp tác xã và sản phẩm OCOP. Đây là những đặc sản có chất lượng tốt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nhưng người tiêu dùng vẫn chưa biết đến nhiều. Vì vậy, TikTok sẽ đồng hành và xác định dành nhiều thời gian để hỗ trợ, trước mắt là hỗ trợ thông tin giúp người sản xuất hiểu về thương mại điện tử, digital marketing để làm sao bán hàng hiệu quả nhất. Hiện nay, TikTok đang mang đến trải nghiệm mới cho người dùng, vừa có cơ hội giải trí, vừa mua sắm. Chúng tôi hy vọng trong một thời gian ngắn nữa, người tiêu dùng sẽ biết nhiều đến đặc sản của Gia Lai”.
Cũng theo ông Thanh, điểm khác biệt giữa TikTok với các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử đó là khả năng kết nối được với hệ thống những KOL (người có sức ảnh hưởng trên cộng đồng) để từ đó góp phần đưa các sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng nhanh nhất với chi phí thấp nhất. “Khi mở shop trên TikTok, người bán không phải trả bất kỳ chi phí nào. Tuy nhiên, khi bán được hàng thì người bán sẽ trả một khoản phí nhỏ tương ứng khoảng 2,5% doanh thu. Ngay từ lúc đầu, TikTok đã quan sát rất kỹ câu chuyện tuân thủ pháp luật về thuế. Vì vậy, khi người bán đăng ký một cửa hàng trên TikTok Shop sẽ phải đảm bảo các điều kiện liên quan như giấy phép kinh doanh, mã số thuế…”-ông Thanh cho biết thêm.
VŨ THẢO