Bài học từ núi Đá Hang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Có không ít sự cố sạt lở đất đá từ núi cao xảy ra cướp đi sinh mạng của nhiều người dân vô tội. Ấy vậy mà, thảm họa đó cứ mãi diễn ra trong sự chủ quan của người dân và cả các cơ quan quản lý. Để rồi, câu trả lời quen thuộc sau những sự cố ấy chỉ là rút kinh nghiệm… Nhưng “sợi dây kinh nghiệm” ấy cứ dài mãi. Thảm họa dưới chân núi Đá Hang ở Khánh Hòa vừa xảy là bài học còn nóng hổi.

Những cảnh báo muộn màng

Chúng tôi trở lại chân núi Đá Hang, thôn Phước Lộc (xã Phước Đồng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) sau gần 1 tháng xảy ra sự cố lở núi, cướp đi mạng sống của 4 người trong 2 gia đình và làm hàng chục ngôi nhà sụp đổ hoàn toàn, thiệt hại hàng tỷ đồng. Dù đến thời điểm này công tác khắc phục sự cố đau lòng này đã cơ bản hoàn thành, những tấm lòng hảo tâm vẫn hướng về người bị nạn, nhưng đó cũng chỉ là những cố gắng nhỏ nhoi nhằm phần nào làm nguôi đi nỗi đau xé lòng của những người sống sót sau sự cố lở núi kinh hoàng ngày 20-12-2016. Theo người dân nơi đây, từ những năm 1987, người dân tứ xứ đổ về xã Phước Đồng để tìm chỗ “cắm dùi kiếm cơm” trong cảnh thành phố đất chật, người đông, vật giá đắt đỏ... Phước Đồng được nhiều người dân chọn về bởi đất đai ở đây rộng lớn, lại là xã thuộc thành phố, giao thông thuận tiện.

Khu vực núi Đá Hang vốn có lưng tựa núi, mặt hướng suối Phi Châu - được cho là nơi lý tưởng về phong thủy, nên sớm có nhiều người đổ về đây. Từ chỗ có một vài hộ gia đình đến đây, nhưng chỉ trong vài ba năm, dưới chân núi, nóc nhà đã kín. Nhưng khi không còn đất ở nơi cách xa núi, dân chúng lại tìm đến khu vực cận sườn núi để tự khai hoang hoặc mua với giá rẻ để cất nhà, lập nghiệp. Không ai ngờ rằng, trên đầu họ “thần chết” đang hiện hữu từng giờ. Anh Nguyễn Văn Đệ, một người thoát chết sau vụ lở núi, cho biết: “Trước đây tôi làm nghề mộc ở Hà Nội, nhưng làm hoài vẫn không đủ cái ăn. Tôi quyết vào Nha Trang tìm cơ hội mưu sinh. Nếu không tìm những vùng đất xa xôi như ở cận núi Đá Hang, thì biết đời nào mua được đất làm xưởng, làm nghề. Bây giờ, cả xưởng mộc rộng hơn 100m2 với bao nhiêu máy móc bị vùi lấp, tài sản tích cóp bấy lâu nay thế là xong”.

 

Một góc núi Đá Hang bị sạt lở và còn những tiềm ẩn
Một góc núi Đá Hang bị sạt lở và còn những tiềm ẩn


Chân núi Đá Hang chưa bao giờ sạt lở nghiêm trọng, đó là khẳng định của người dân. Và cũng có thể do vậy mà người dân nơi đây chủ quan? Theo người dân, trước ngày sự cố lở núi xảy ra, nguy cơ sạt lở núi Đá Hang đã được cảnh báo, có điều, sự trở tay của người dân và hơn hết là chính quyền địa phương đã quá muộn màng. Anh Trần Xuân Duy (42 tuổi, người dân thôn Phước Lộc) cho hay, từ nhiều ngày trước khi sạt lở núi nghiêm trọng xảy ra, người dân đã nghe tiếng nổ trong lòng núi liên tục xuất hiện. Tiếp đến là hiện tượng đất, đá đã bắt đầu có dấu hiệu sạt lở, bởi những vệt đất lăn tăn chảy dài từ đỉnh núi và cả dưới chân những phiến đá cuội có thể nhìn thấy bằng mắt dù xa hàng trăm mét. “Chúng tôi biết chắc không sớm thì muộn, đất đá sẽ sụt xuống nên người dân trong thôn họp nhau lại. Tại cuộc họp này, Trưởng thôn Phước Lộc cũng đã báo cáo sự việc cho chính quyền xã. Tuy nhiên, chính quyền xã không có động thái cương quyết di dời dân”.

Tai họa từ những viên đá chẻ

Núi Đá Hang vốn dĩ lắm đá cuội, loại đá mà người dân thường khai thác, sau đó dùng vật dụng chẻ ra thành những viên nhỏ, vuông vức nên gọi là đá chẻ. Từ chỗ chỉ có người dân đến đây khai thác đá để làm nhà riêng, rồi đến cả những ông chủ chuyên khai thác đá để bán cũng kéo nhau đến đây. Khai thác đá đến đâu thì chân núi bị khoét sâu đến đó, làm cho những viên đá cuội to hàng tấn không có điểm tựa. Anh Trần Văn Tuấn (40 tuổi, trú thôn Phước Lộc) bức xúc: “Các công ty khai thác đất, đá hoạt động “chui” ở khu vực Đá Hang diễn ra rầm rộ, điếc hết cả tai. Họ mang cả xe cơ giới vào khoét núi, bóc tách những khối đá nặng hàng tấn để lấy đá chẻ. Người dân chúng tôi báo chính quyền thì họ xử lý lấy lệ rồi đâu lại vào đấy. Mới đây, xe chở đá cày nát đường dân sinh, người trong thôn phải họp nhau lại, đổ đất làm lại đường cho con em đi học. Nếu chính quyền mạnh tay xử lý nạn khai thác đá ngay từ đầu thì đã không xảy ra thảm họa lở núi đá Hang như vừa rồi”.

Ngày núi Đá Hang sạt lở, mặc dù thời tiết đã nắng ráo, nhưng trong khi lực lượng chức năng đang nỗ lực cứu hộ thì không ít người phài dè chừng, hết phen hú vía này đến phen hú vía khác khi nghe tiếng đất đá sạt lở cứ xào xạc từ trên đỉnh núi Đá Hang rơi xuống. Nhìn bằng mắt thường, từ đỉnh núi Đá Hang xuống khu vực có nhà dân chỉ khoảng 300-400 mét, nhưng ở đó có hàng ngàn khối đá to như mái nhà nằm lơ lửng, chất chồng lên nhau. Có nhiều khối đá phần đế chân bị khoét sâu vào trong do mưa lớn làm lớp đất phía dưới trôi đi. Anh Nguyễn Văn Cường, một người dân sống phía dưới chân núi cho biết, nếu những khối đá to tròn như mái nhà kia lăn xuống, không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra. “Nhà tôi cách xa chân núi cả km, nhưng sắp tới phải tính chuyện chuyển nhà đi nơi khác. Chứ đêm ngủ mà nghe tiếng động, tưởng đá rơi thì ngủ sao được khi thảm họa lở núi còn ám ảnh”-anh Cường bày tỏ.

Đến nay, nguyên nhân núi Đá Hang sạt lở được xác định là do mưa lớn, nhưng sâu xa hơn đó là việc khai thác đá chẻ dưới chân núi không được quản lý chặt chẽ. Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Hưởng, Chủ tịch UBND xã Phước Đồng, cho rằng, có tình trạng khai thác đá trái phép nhưng diễn ra từ năm 2012, chính quyền xã đã quyết định xử phạt một số công ty. Còn từ năm 2012 đến nay không còn tồn tại tình trạng trên nữa. Thế nhưng, khi chúng tôi cung cấp một số hình ảnh, clip khai thác đá do người dân quay lại mới đây, thì Chủ tịch xã Phước Đồng liền chữa cháy: “Bữa giờ không nghe báo cáo về sự việc này. Nếu có thì chắc làm lén lút ở phía sau núi”. Còn trả lời về những bức xúc của người dân về việc báo cáo tình trạng sạt lở núi tại thôn Phước Lộc nhưng chính quyền xã thờ ơ? Ông Hưởng cho biết: “Ngay khi nhận được tin báo từ trưởng thôn Phước Lộc, xã đã cử cán bộ xuống hiện trường thực địa. Khu vực sạt lở chúng tôi cũng đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm từ cách đây 1 năm. Trước thời điểm xảy ra lở núi 1 ngày, xã cũng đã vận động được 20 người di tản, tuy nhiên có một số hộ không nghe. Khu vực Phước Lộc chúng tôi đã đưa vào kế hoạch phòng chống lụt bão của địa phương và thành phố vì khu vực núi Đá Hang đã từng sạt lở đất khiến một cháu nhỏ tử nạn cách đây 5 năm”.

Theo ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, một phần nguyên nhân gây sạt núi là do chẻ đá, khoét núi. Mới đây, trong cuộc họp bàn xử lý các hậu quả lũ lụt, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh đã gay gắt đề nghị làm rõ tắc trách của các cơ quan quản lý để xảy ra sự việc đau lòng ở núi Đá Hang. Hy vọng, việc xử lý trách nhiệm của các đơn vị và cá nhân liên quan sớm được thực thi, để bài học từ núi Đá Hang được cảnh tỉnh, để không còn những cái chết đau lòng xảy ra.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.