Bài cuối: Về thăm Chư Kó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo lời giới thiệu của lãnh đạo huyện Chư Prông, chúng tôi về thăm làng Chư Kó-làng căn cứ cách mạng của Khu 5 xưa. Nơi đây, người dân Jrai không chỉ kiên trung một lòng theo Đảng đánh đuổi kẻ thù xâm lược trong thời chiến mà còn tích cực thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo, đoàn kết xây dựng cuộc sống mới...

Quá khứ hào hùng

Đã bước vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng người đảng viên 46 năm tuổi Đảng-Siu Mêk vẫn hàng ngày lên rẫy lao động cùng con cháu. Nghe tôi hỏi về thời kỳ chiến tranh, ông kể: Những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, xã E6 (Ia Púch ngày nay) là vùng căn cứ lõm. Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, lo sợ kẻ địch trả thù nên dân làng trốn vào ở trong rẫy tại khu vực suối Ia Drăng đoạn giáp Campuchia. Hàng ngày, bọn địch cho lính vào kêu gọi bà con trở về làng cũ. Sau đó, chúng dồn dân 3 xã: E1 (xã Ia Pnôn và xã Ia Nan, huyện Đức Cơ), E4 (xã Ia Mơr) và E6 (xã Ia Púch) vào đồn Tầm ở xã E3 (xã Ia Din, huyện Đức Cơ). Một thời gian sau dân làng mới trốn về được. Ngày đó, tôi giúp việc cho xã đội trưởng Rơmah Djêng. Đội du kích của xã làm nhiệm vụ phối hợp với bộ đội địa phương chốt chặn đường 21 đánh xe tăng và đánh địch tại cứ điểm Me (Plei Me). “Trận đầu đánh địch trên đường 21 (đoạn làng Thung, xã Ia Tôr ngày nay), tôi bắn trượt xe tăng địch, du kích của ta bị địch bắn chết 1 người. Trận thứ 2, tiểu đội du kích 8 người, trong đó tổ của tôi 4 người đã dùng B40 bắn cháy 2 xe tăng địch đi tuần trên đường 21. Năm 1969 và 1970, chúng tôi tham gia đánh biệt kích 3 lần tại núi Chư Pông (Đồn 727 ngày nay), mỗi lần tiêu diệt được 8 tên. Với những thành tích đạt được trong chiến đấu, tôi được bầu làm Bí thư chi đoàn xã trong 3 nhiệm kỳ (1971, 1972 và 1973). Năm 1972, tôi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2012 tôi đã được nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng”-giọng ông Mêk đầy tự hào.

 

 Ông Siu Mêk (ngoài cùng bên trái) đang kể chuyện tham gia cách mạng. Ảnh: N.D
Ông Siu Mêk (ngoài cùng bên trái) đang kể chuyện tham gia cách mạng. Ảnh: N.D

Cũng trong tâm trạng tự hào, già làng Rơlan Din-30 năm tuổi Đảng cho hay: Năm 1968, địch vào làng bắt dân đem theo đồ dùng, cả xoong chảo... đưa lên máy bay chở đến Bình Giáo nhốt, ai cũng lo sợ. 2 tháng sau, cả nhà tôi chạy trốn sang rừng Campuchia ở, hái lá rừng, đào củ mài ăn cho đỡ đói. Năm 1970, trở về Việt Nam và gặp bộ đội B3, tôi xung phong đi bộ đội và được phân làm nhiệm vụ dẫn đường cho dân công từ Trạm T5 (do B3 trực tiếp phụ trách) gần làng Sin xã E1 về Pleiku. “Đáng nhớ nhất là lần dẫn đoàn gồm 100- 200 dân công từ Khu 7, Khu 11 tập trung về T5 để chuyển vũ khí, đạn dược và lương thực về Pleiku. Tôi đã dẫn đoàn đi từ đoạn sông Pô Cô (Đồn 721 ngày nay) theo đường Hồ Chí Minh đến xã E8 (Ia Me). Mặc dù đoàn đông như vậy, bản thân cũng phải gùi đạn cối 60, cối 82 nhưng tôi đã đảm bảo cho cả đoàn đến nơi tập kết tuyệt đối an toàn và bàn giao lại cho lực lượng khác tiếp tục dẫn về Pleiku. Hay như lần dẫn đường cho đoàn voi chuyển hàng, chuyển đạn từ Trạm T5 về xã E9 (Ia Vê) và xã E5 (Ia Boòng), mặc dù phải cắt rừng mà đi nhưng tôi vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ, đến điểm tập kết chờ dân công dỡ hàng xong mới quay lại đơn vị. Sau đó, tôi ở lại bảo vệ kho tại khu vực thác ông Đồng (trước đây gọi là thác Ia Pnôn), xã E1. Năm 1974, tôi về lại làng tham gia du kích cùng bộ đội đánh địch trên đường 21. Tuy nhiên, sau khi đánh địch xong là rút nên chúng tôi cũng không nắm được thiệt hại của chúng”-già Din chia sẻ. Nghe già kể thì đơn giản thế nhưng tôi biết trong điều kiện đồn, bốt địch bố trí dày đặc, bọn thám báo, biệt kích hoạt động khắp nơi thì thành công của già quả là một kỳ tích.

Nỗ lực vươn lên

Trao đổi với chúng tôi về tình hình của làng, Bí thư chi bộ Rơmah Tiến cho biết: Chư Kó hiện có 137 hộ với 574 khẩu (có 8 hộ người Kinh tạm trú buôn bán), trong đó có 30 đối tượng chính sách, người có công. Đến nay, 100% hộ đã được sử dụng điện, 100% hộ có giếng nước, 100% gia đình có ti vi, 95% có xe máy, 40% có nhà xây, 60% nhà gỗ. Làng có 35 xe công nông, xe máy kéo. Từ năm 2004 đến 2015, làng luôn giữ vững danh hiệu làng văn hóa cấp huyện. Làng có 18 hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên; có 6 cháu đang theo học tại các trường đại học, 9 cháu đang học THPT tại trường nội trú huyện, 95% số cháu trong độ tuổi được đến trường. Tuy nhiên, làng vẫn còn 45 hộ nghèo.

Ông Tiến đưa tôi đến thăm nhà Rơmah Hun-hộ có thu nhập bình quân gần 200 triệu đồng/năm. Hun năm nay 48 tuổi, có 3 người con. Con trai mới hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 2015. Con gái đầu hiện là Chủ tịch Mặt trận xã. Còn cô út hiện đang theo học Đại học Quy Nhơn. Nói về bí quyết làm giàu của mình, Hun trải lòng: “Cứ chịu khó làm ăn, làm từ ít đến nhiều, chịu khó học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn áp dụng kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi dần dần sẽ có thôi”. Hiện gia đình Hun có 8 ha điều, 4,3 ha cao su, 1,5 ha cà phê, 7 sào lúa nước 2 vụ. Không chỉ làm giàu cho mình, Hun còn hướng dẫn dân làng cách làm, đổi công giúp bà con khâu kỹ thuật...

“Xã Ia Púch có 4 làng thì Chư Kó là làng kinh tế khá nhất, trình độ nhận thức của bà con cũng cao hơn. Là làng cửa ngõ của xã nên bà con luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, phát huy được truyền thống cách mạng, tích cực hưởng ứng các phong trào tại địa phương, giúp xã rất nhiều trong công tác phòng chống vượt biên trái phép và quản lý bảo vệ rừng. Năm 2015, xã không có trường hợp nào vượt biên hoặc phát hiện có ý định vượt biên. Lãnh đạo xã tin tưởng tuyệt đối vào bà con dân làng, vào đội ngũ cán bộ lão thành. Con em trưởng thành từ làng luôn phát huy vai trò và rất năng nổ trong công tác. Điển hình như Siu Blớk-Chủ tịch Mặt trận xã, Siu Tel- Bí thư Đoàn xã. Nhiệm kỳ này, Ban Chấp hành Đảng bộ xã quyết tâm xây dựng Chư Kó thành làng kiểu mẫu vào năm 2020”-Chủ tịch UBND xã Nguyễn Quang Trung khẳng định.

Nhóm P.V Chính trị-Xã hội

Có thể bạn quan tâm