Lấn rừng bằng chiêu “nước chảy, đá mòn”
Sau khi thu hoạch chu kỳ đầu của hơn 30 ha rừng bạch đàn, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc An Khê đang chờ cây tái sinh trong chu kỳ II thì hơn 1 tháng nay, hàng chục hộ dân tại thôn Thượng An- xã Song An (thị xã An Khê) cũng bắt đầu lấn chiếm diện tích này để làm nương rẫy.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người dân nơi đây lợi dụng khi không có người của Ban Quản lý đã tiến hành thu dọn các gốc bạch đàn chờ tái sinh. Thay vì làm ồ ạt, người dân làm theo kiểu lấn dần đến khi thấy đủ số diện tích để gieo trồng thì dừng lại. Ban đầu, chỉ có 3-4 hộ dân làm, dần dần các hộ dân khác cũng bắt đầu làm theo. Đến thời điểm hiện nay, đã có hơn 2 ha mì được trồng mới và phần lớn diện tích đất rừng bạch đàn này đã bị người dân làm đất để chuẩn bị gieo trồng. Khi chúng tôi đến làm việc, hầu hết đều tỏ ra bất hợp tác và có chung một lý do: “Do thiếu đất canh tác, nên thấy đất trống thì làm...”.
|
Ảnh: L.N |
Ông Đỗ Hữu Long- Phó Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc An Khê cho biết: “Ngay sau khi phát hiện sự việc, chúng tôi đã kịp thời có những biện pháp ngăn chặn và báo cáo lên chính quyền xã Song An và thị xã An Khê. Bước đầu, chúng tôi tiến hành vận động, tuyên truyền để người dân không tiếp tục lấn chiếm và tuần tra liên tục để bảo vệ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ làm việc với chính quyền địa phương để thống nhất phương án xử lý…”. Ngoài việc lấn chiếm 30 ha rừng trồng, hiện nay cũng bắt đầu xuất hiện trở lại tình trạng xâm chiếm rừng thông bằng cách đẽo thân cây để thông chết dần. Dù đã có những biện pháp ngăn chặn kịp thời của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc An Khê, nhưng người dân vẫn lén lút hoạt động.
Cũng với hình thức trên, chỉ riêng 9 tháng năm 2010, tại địa bàn Công ty Lâm nghiệp Lơ Ku đã phát hiện 12 trường hợp lấn chiếm đất rừng với 1,48 ha, Công ty Lâm nghiệp Ia Pa (huyện Kông Chro) bị lấn chiếm 1,3 ha rừng giao khoán...
Cơ quan chức năng gặp khó?
Điều 14, Chương II, Nghị định 99/2009/NĐ-CP của Chính phủ ghi rõ: Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 10 triệu đồng nếu lấn chiếm rừng trái pháp luật với rừng sản xuất dưới 6.000 m2; phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng nếu lấn chiếm đất rừng trồng từ 6.000 m2 đến 10.000 m2... và cao nhất là phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng nếu lấn chiếm đất rừng sản xuất từ 20.000 m2 trở lên... |
Hiện nay, dù đã có những chế tài xử lý vi phạm rất rõ ràng, nhưng hầu hết các chủ rừng đều đang gặp không ít khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm. Những vụ lấn chiếm đất, chặt phá cây đều diễn ra lén lút, phạm vi nhỏ nên khó phát hiện. Theo những người dân tại xã Song An, ngoài diện tích đất của lâm trường còn có diện tích đất họ khai phá từ lâu, thậm chí từ khi lâm trường chưa thành lập nên không thể thu hồi. Bên cạnh đó, những người dân lấn chiếm đất rừng đều thuộc diện nghèo nên khi bị phát hiện cơ quan chức năng cũng chỉ báo cáo địa phương, viết bản kiểm điểm, rất ít trường hợp bị xử phạt hành chính hay chịu trách nhiệm trước pháp luật nên không đủ sức răn đe.
Ông Đỗ Hữu Long cho biết thêm: “Sau khi phát hiện, có một số hộ dân không hợp tác và chống đối nên đã bị xử phạt hành chính nhưng xem ra chưa hiệu quả. Chế tài xử lý đã có, nhưng sự việc xảy ra chưa đến mức quá nghiêm trọng, thực hiện thế nào hợp lý, hợp tình để người dân hiểu ra những sai phạm của mình vẫn là vấn đề được chúng tôi quan tâm. Nếu xử phạt đúng pháp luật người dân sẽ gặp khó…”.
Hiện nay, hầu hết các chủ rừng đều đặt công tác vận động, tuyên truyền để thay đổi nếp nghĩ của người dân là chính. Nhưng khi công tác tuyên truyền chưa đạt hiệu quả thì cần áp dụng những quy định của pháp luật vào trong xử lý. Vẫn biết rằng, đời sống người dân còn nghèo, nhưng không phải vì thế mà bất chấp những quy định của pháp luật. Nên chăng, cần xử lý mạnh tay hơn để ngăn chặn tình trạng này, vì không ít người dân lợi dụng sự nương tay của pháp luật để xâm hại đến tài nguyên rừng.
Lê Anh- Lê Nam