Một ngày ở Đak Trôi (Mang Yang, Gia Lai), qua quan sát, tìm hiểu và tiếp xúc với những cán bộ và người dân nơi đây cho tôi một nhận định rằng, xã vùng xa này tuy còn nghèo và khó khăn nhưng đã bật lên những tín hiệu vui.
Trước hết là chuyện về ngôi trường phổ thông cơ sở của xã. Có lẽ cái nghèo đã khiến cho người dân Đak Trôi nhận thức được giá trị của việc học tập: Muốn hết nghèo, hết khổ không gì hơn là phải học. Chính ý thức ấy đã giúp cho hàng trăm hộ đồng bào Bahnar ở Đak Trôi vui vẻ dời làng đến khu vực trung tâm xã theo chương trình định cư, xa bóng cây pơ lang thân quen từ thuở ấu thơ, xa giọt nước trong mát cuối làng ngày đêm róc rách chảy… Chắc hẳn niềm khát khao được học, được tiến bộ cháy bỏng trong mỗi ngôi nhà sàn nơi đây cho nên với chừng ấy dân, chừng ấy nhân khẩu mà Đak Trôi lại có đủ các cấp học, đặc biệt là bậc trung học cơ sở.
Công trình Trường THCS Đak Trôi. Ảnh: Thanh Phong |
Ngôi trường mới đang được gấp rút xây dựng hoàn thiện với quy mô 2 tầng, 16 phòng học. Năm học này nhà trường có 20 lớp, 26 giáo viên, 510 học sinh ở hai cấp (tiểu học và THCS), trong đó hệ THCS có 2 lớp 6 với 49 học sinh/lớp, 2 lớp 7 với 47 học sinh/lớp, 2 lớp 8 với 50 học sinh/lớp và 1 lớp 9 với 39 học sinh. Từ năm 2005, xã đã phổ cập tiểu học và 2 năm sau tiếp tục phổ cập trung học cơ sở. Hiệu trưởng Phạm Văn Trung còn khá trẻ song đã bước vào nghề dạy học từ năm 1997, trước anh dạy ở xã Kon Chiêng, từ năm 2001 chuyển qua Đak Trôi. Năm 2005, anh tiếp tục theo học hệ tại chức từ xa Đại học Sư phạm Huế và nay đã tốt nghiệp.
Trên bàn làm việc của Hiệu trưởng có một xấp bản báo cáo sáng kiến kinh nghiệm đánh máy vi tính và in khá đẹp của các giáo viên trong trường tham gia cuộc thi sáng kiến kinh nghiệm do ngành Giáo dục huyện Mang Yang tổ chức. Tôi cầm lên một quyển và thật bất ngờ với đề tài này của một nữ giáo viên tên Đào Thị Ngọc Hà: Vận dụng bài hát tiếng Anh vào việc dạy từ vựng, cấu trúc ngữ pháp trong chương trình tiếng Anh THCS đối với học sinh vùng sâu, vùng xa. Bản báo cáo kinh nghiệm dài hơn 12 trang được trình bày khá thuyết phục với một số bài hát tiếng Anh phù hợp các lớp cấp II. Tất nhiên thực hiện đề tài thành công đến đâu còn là vấn đề phải qua kiểm nghiệm thực tiễn trong nhiều năm nữa nhưng giáo viên vùng xa như Đak Trôi đầu tư như thế cho công tác chuyên môn quả là việc đáng khích lệ.
Tôi mang theo nỗi băn khoăn về đời sống và tình hình sản xuất của Đak Trôi về đến trụ sở UBND huyện Mang Yang. Chừng ấy diện tích ruộng lúa một vụ, chừng ấy con người, tất nhiên Đak Trôi bảo đảm được vấn đề an ninh lương thực cho địa phương song phải làm gì để xã vùng xa này thoát nghèo thì chính các anh lãnh đạo huyện đã hé lộ cho tôi lời giải. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Như Phi thông báo cho tôi một tin vui. Huyện đã hợp đồng với Trung tâm Giống cây trồng của tỉnh triển khai đề án phục tráng giống lúa Ba Chăm ở Đak Trôi. Đây là giống lúa dẻo nổi tiếng của địa phương, cơm thơm và ăn rất ngon, được nhiều người ưa thích. Lúa Ba Chăm có ưu điểm là đầu tư thấp, chịu được hạn, chịu được lũ, ít sâu bệnh, dinh dưỡng rất cao song năng suất thấp, chỉ khoảng 1,5 tấn/ha. Hiện nay, Trung tâm đã triển khai sang năm thứ ba, sắp đưa vào trồng đại trà, nếu thành công sẽ nâng năng suất lên 3 tấn/ha và rất phù hợp với 200 ha chân ruộng bậc thang ở Đak Trôi. Anh Nguyễn Như Phi tin tưởng: Khả năng trong tương lai huyện sẽ xây dựng thương hiệu cho giống lúa Ba Chăm này!
Trụ sở UBND xã Đak Trôi. Ảnh: Thanh Phong |
Thêm một tin vui nữa là chính UBND huyện cũng đang chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT xây dựng đề án nuôi heo sọc dưa và đưa vào triển khai trên địa bàn 2 xã phía Đông sông Ayun: Đak Trôi và Đê Ar. Đồng thời từ mùa mưa năm 2007, Đak Trôi đã trồng thử 25 ha cao su tiểu điền và một ít diện tích cà phê, qua gần 3 năm cho thấy cây cao su phát triển tốt trên một số vùng đất đồi nơi đây. Nếu tỏ ra phù hợp thì cùng với lúa Ba Chăm, heo sọc dưa, cây cao su chính là cây trồng mũi nhọn của xã vùng xa Đak Trôi, chắc chắn sẽ mang lại cho người dân một cuộc sống no ấm trong tương lai không xa.
Không một cuộc vận động tuyên truyền nào hiệu quả bằng chính người dân được tận thấy, tận nghe. Mai đây, gạo Ba Chăm bán tại chỗ trên 15 ngàn đồng/kg, heo sọc dưa bán cũng hơn 150 ngàn đồng/kg, 1 ha cao su cho thu nhập đến hàng mấy chục triệu đồng/năm… thì nhất định nhịp sống nơi đây sẽ rộn ràng hơn, hối hả hơn, mặc cho mặt hồ Ayun Hạ cứ yên ả ở phía xa. Trên đường về, nhìn những mầm non cao su bên đường, tôi tin nay mai Đak Trôi sẽ tiến kịp các vùng xung quanh từ chính cuộc sống còn muôn vàn khó khăn ở xã vùng xa này.
Phía sau tôi dường như có tiếng vọng, Đak Trôi…
Thanh Phong