"Bác sĩ" kèn - nghề độc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Người xưa có câu “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Ở đời có những nghề vạn người muốn làm nhưng có nghề hầu như chỉ một vài người làm đó chính là nghề sửa kèn. Người có biệt danh Doctor kèn - bác sĩ kèn là Nguyễn Khang ở TPHCM.

Bị ông ngoại đập kèn

Gia đình Nguyễn Khang từ Nam Định vào Nam lập nghiệp đã lâu. Ông ngoại là một thợ sửa kèn trong quân đội. Gia đình thường nhận kèn hư hỏng từ các nhà thờ, từ các nghệ sĩ để sửa. Lúc còn nhỏ, sống cùng ông ngoại, chẳng hiểu sao cậu bé Khang lại được ông chọn để truyền nghề từ khi 10 tuổi. Mỗi buổi đi học về, cậu bé lại được ông kêu vào, đưa kèn cho tháo lắp, giao cho sửa những chi tiết nhỏ.

 

Một góc “bệnh viện kèn”.
Một góc “bệnh viện kèn”.

Nguyễn Khang kể: “Mới học lớp bốn nên em chưa biết nghề sửa kèn lại được ông coi trọng và coi như một nghề nghiệp thiêng liêng. Một hôm, vào giờ học sửa kèn, em đi chơi với các bạn mãi không về. Tới khi em về đến nhà, ông ngoại đã sửa xong cái kèn. Ông vô cùng tức giận vì thấy em không quan tâm gì tới cây kèn hỏng. Ông bèn đứng dậy ném mạnh cây kèn xuống đất, khiến cây kèn vừa sửa xong lại bị hỏng nặng hơn. Thế là em và ông cặm cụi sửa cái kèn ấy từ đầu!”.

Khang không biết rằng cú giận dữ của ông không chỉ giúp đứa cháu ngoại trọn đời theo nghề sửa kèn mà còn giúp cho đứa cháu rèn luyện tính kiên nhẫn. Khi Khang thành danh, trong một lần ra nước ngoài dự thi để làm đại diện bảo hành cho hãng kèn lớn của thế giới, Khang được giao cho những chiếc kèn bị cố tình hay vô tình đập phá hỏng hóc đủ các kiểu, từ móp  méo đến gãy nứt. Bằng tay không và bằng những linh kiện tự tìm thấy được, Khang phải sửa những chiếc kèn ấy trong thời gian nhanh nhất.  Chàng trai trẻ Việt Nam đã vượt qua bài thi khá xuất sắc và được chọn làm nhà bảo hành kèn duy nhất tại Việt Nam.

Thu gom kèn khắp thế giới

Kèn đồng và sáo Tây có rất nhiều loại, nhiều đời, trong đó Việt Nam chỉ sản xuất được vài loại kèn đơn giản. Muốn làm một người thợ sửa kèn không thể không có các linh kiện phụ kiện. Phần nhiều kèn ở Việt Nam là kèn cũ, thậm chí các hãng không còn sản xuất, thị trường kèn lại quá nhỏ bé với số ít người chơi, vậy mỗi khi khách đem kèn hỏng đến, lấy đâu linh kiện để sửa? Nếu gửi mua nước ngoài vừa đắt vừa tốn kém thời gian và biết mua ở đâu?

Ước mơ làm một người sửa kèn chuyên nghiệp thôi thúc Nguyễn Khang bôn ba đi các nước để tìm linh kiện sửa kèn. Anh gom hết tài sản, vay mượn, một mình đi khắp châu Âu chỉ để tìm các cây kèn từng sản xuất qua các thời kỳ.

Nguyễn Khang kể: “Ở các nước họ không buôn bán đồ cũ như Việt Nam nên không biết mua linh kiện cũ ở đâu. Tôi chẳng còn cách nào khác là gõ cửa tất cả các hãng làm kèn ở châu Âu mà tôi biết được, và bảo với họ: Ở Việt Nam chúng tôi có nhiều kèn hỏng của quý công ty mà chúng tôi không có linh kiện để thay thế. Hãy giúp chúng tôi”. Mọi người đón tiếp Khang rất niềm nở. Mỗi hãng kèn lại mở kho của họ, chọn bán cho vị khách trẻ tuổi từ Việt Nam những chiếc kèn cũ, những linh kiện cũ và cả những chiếc kèn chủ nhân của nó có lẽ đã qua đời từ lâu nên chúng được đem bán từ thiện. “Bôn ba khắp châu Âu, tôi đã mua được 2.000 cây kèn từ chính các công ty, đóng thùng lên tàu biển gửi về Việt Nam. Từ đó, tôi mới có được kho linh kiện để sửa các loại kèn”- Khang nói rằng anh đã làm được những việc tưởng như là không thể vậy.

Trò chuyện với phóng viên trong xưởng làm kèn mới mở ba năm ở Tân Phú, TPHCM, Nguyễn Khang bùi ngùi: “Để làm một người thợ sửa kèn đúng nghĩa, em phải chấp nhận hy sinh cả những thú vui của mình. Số là trước kia em sưu tầm rất nhiều kèn cổ, kèn đẹp mà không bao giờ có ý định bán cho ai. Khi chuyển sang chuyên tâm sửa kèn, làm bác sĩ kèn, suy nghĩ của em phải thay đổi. Em cho rằng, một người sửa kèn hay thì phải biết đưa kèn tốt cho người khác chơi. Nếu cái gì hay mình đều giữ lại thì thật không tốt. Từ khi chuyên tâm sửa kèn, em bán hết bộ sưu tập của mình cho mọi người mất rồi!”.

Trên cả đam mê

 

Nghệ nhân Nguyễn Khang với giấy chứng nhận chuyên gia sửa kèn do Nhật Bản cấp.
Nghệ nhân Nguyễn Khang với giấy chứng nhận chuyên gia sửa kèn do Nhật Bản cấp.

Khi phóng viên tới thăm cửa hàng và xưởng sửa kèn của Nguyễn Khang, trên bàn của anh còn dở dang chiếc kèn cổ mà nghệ sĩ kèn Quyền Thiện Đắc gửi từ Hà Nội vào. Nguyễn Khang nói: “Quyền Thiện Đắc không sở hữu nhiều kèn nhưng có chiếc nào thì chiếc đó đều rất giá trị”. Một chiếc kèn được sửa trong khoảng một tuần. Trong xưởng có hai người thợ, nhưng với chiếc kèn của Quyền Thiện Đắc thì chính tay Nguyễn Khang sửa.

Bác sĩ Kèn cho biết: “Ngoài Bắc có làng làm kèn, nhưng chính người của làng vẫn thường gửi kèn cho em sửa. Sửa những chiếc kèn Saxo rất công phu và tỷ mỉ, chẳng ai chịu làm”. Khang chỉ lên tường nơi treo hàng trăm chiếc kèn: “Có 2 cái kèn này, mỗi cái giá khoảng 100 triệu đồng, đều là của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn”. Trong cửa hàng có nhiều đĩa CD của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn, trong đó đều in dòng chữ tri ân chuyên gia kỹ thuật về kèn Nguyễn Khang, với biệt danh doctor kèn – bác sĩ kèn.

Hãng kèn Yamaha cấp chứng nhận nhà bảo hành kèn Yamaha tại Việt Nam cho Nguyễn Khang: “Em là người duy nhất bảo hành cho hãng Yamaha với mức lương không được tiết lộ”, bác sĩ kèn vui vẻ: “Nhiều nghệ sĩ quốc tế tới Việt Nam diễn cũng tìm tới em nhờ sửa kèn. Đúng thôi, chiếc kèn đồng sau thời gian sử dụng, vận chuyển, thay đổi khí hậu và thời tiết đều rất cần được sửa chữa, thậm chí đại tu”. Chi phí đại tu một chiếc saxo vào khoảng 4-6 triệu đồng, còn sửa chữa lặt vặt thì tầm vài ba trăm ngàn. “Đôi khi một lỗi nhỏ thôi, tiền sửa không là bao, nhưng vì Hà Nội không có thợ nên tiền chuyển kèn từ Bắc vào Nam rất tốn kém cho mọi người”.

Là một người thợ, nhưng có lẽ với giới kèn, Nguyễn Khang còn hơn là một người bạn. Rất nhiều người từ rừng núi Tây Bắc, từ Tây Nguyên miền Trung tìm kiếm. Chiếc kèn với người yêu kèn “quý không khác gì vợ”, ấy vậy mà có lúc phải chia xa, gửi vào cho Nguyễn Khang một vài tháng để chờ sửa chữa, tin tức mong từng ngày.  Nguyễn Khang kể: “Dàn nhạc từ Hà Nội vào TPHCM diễn, kèn của nghệ sĩ bị hỏng, em cho mượn kèn của em để diễn, còn bản thân thì thức trắng đêm sửa kèn cho đoàn”.

Ước mơ kèn

 

“Bác sĩ” Khang đang đại tu cây kèn quý của nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc (Hà Nội).
“Bác sĩ” Khang đang đại tu cây kèn quý của nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc (Hà Nội).

Niềm vui của Nguyễn Khang là mỗi ngày có thêm nhiều người học kèn “Có năm em bán được cả ngàn cây kèn, chính em cũng không tin, nhưng đó là sự thật”. Nhờ nghề sửa, bán kèn  mà Khang từ Đồng Nai lên thành phố nay đã mua được căn nhà nhỏ cho tổ ấm của anh cư ngụ, sửa kèn. Khang bảo: “Các cha trong nhà thờ thường nhờ em dàn dựng một đội kèn, ít thì mười người đông thì ba bốn chục người. Tùy theo tiền của nhà thờ, ít tiền mua kèn cũ kèn rẻ, nhiều kinh phí sẽ mua kèn tốt. Hầu như tháng nào các nhà thờ cũng có lễ, đội kèn giúp cho sinh hoạt ở các làng đạo thêm vui vẻ.

Kèn là một nhạc cụ độc đáo. Kèn được sử dụng nhiều trong quân nhạc, nhạc giao hưởng và nhạc jazz. Anh Vinh, một nghệ sĩ thổi kèn kỳ cựu và là giảng viên kèn của nhạc viện nói: “Một cây kèn tốt có giá rất cao, ngay cả tôi cũng dùng kèn nhà nước cấp chứ bản thân không tự mua được”.  Nghệ sĩ kèn Cao Hiệp ở Nghệ An kể: “Tôi thành lập được một vài đội kèn, các em rất thích chơi nhạc cụ này, chỉ tội là kèn khá đắt đỏ so với túi tiền của học sinh”.

Nguyễn Khang tâm sự: “Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan… có sản xuất kèn. Kèn ngoại rất đắt tiền, dành cho người mới tập chơi cũng đã mấy chục triệu. Kèn cao cấp thì giá hàng trăm triệu. Đa số các trường quốc tế mới cho học sinh học kèn. Em vẫn mơ ước sản xuất được kèn Saxo tại Việt Nam có giá cả phù hợp. Nhưng đầu tư một nhà máy làm kèn như vậy thật là tốn kém và quá sức”.

Trong nhà Nguyễn Khang còn khoảng 300 cây kèn. “Em sửa kèn của khách nhiều. Thời gian rỗi mới làm kèn của mình để bán cho các ban nhạc nhà thờ mới lập. Tinh thần phục vụ thôi”- Doctor Khang cho biết.

Trần Nguyễn Anh/tienphong

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.