(GLO)- Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân tộc ta, nhờ đoàn kết chặt chẽ mà Đảng ta đã tổ chức và lãnh đạo nhân dân hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong Di chúc để lại cho chúng ta, Người căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Bác Hồ làm việc ở Chiến khu Việt Bắc. (Ảnh tư liệu) |
Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mỗi cán bộ đảng viên cần thường xuyên rèn luyện và làm theo tấm gương của Người-tấm gương suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, quan tâm lãnh đạo, rèn luyện Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Trở lại những ngày đầu chuẩn bị các điều kiện thành lập Đảng, Bác không chỉ quan tâm đến việc truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin, mà còn đặc biệt quan tâm giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ của Đảng về đạo đức, tư cách người cách mạng: cẩn thận mà không nhút nhát; nhẫn nại; vị công vô tư; không hiếu danh, không kiêu ngạo; nói thì phải làm; hy sinh...; dũng cảm; quyết đoán... (theo “Đường cách mệnh”).
Suốt quá trình cùng với Đảng lãnh đạo nhân dân ta thực hiện các cuộc kháng chiến và kiến quốc, Bác luôn xác định trong đường lối “kháng chiến, kiến quốc”, “thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược”; lãnh đạo nhân dân ta đánh thắng chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xây dựng và bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong phạm vi cả nước và cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong các cuộc đấu tranh đó, Bác luôn đặt mình trong tập thể, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, Bác từng viết: “Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội xông pha sự hiểm nghèo-là vì mục đích đó, và nguyện đi cùng với đồng bào, dù phải hy sinh tính mạng cũng không nề”.
Học tập và làm theo tấm gương của Bác về đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là công việc thường xuyên, là việc của mọi đảng viên, cán bộ từ cơ sở đến trung ương, trước hết là ngay từ mỗi chi bộ; do vậy mà trải qua các thời kỳ cách mạng, dù gặp phải muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, có lúc phong trào cách mạng lắng xuống đến mức “ngàn cân treo sợi tóc”, vậy mà nhờ đoàn kết, thống nhất ý chí, muôn người như một, Đảng ta đã vượt qua tất cả, đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Điều đó lịch sử dân tộc và lịch sử của Đảng đã ghi nhận, nhân dân ta qua bao thế hệ đã tự hào dân tộc ta có một Đảng cầm quyền xứng đáng là “Đảng ta muôn vạn tấm lòng niềm tin” (Tố Hữu).
Là một đảng viên, người viết bài này đối chiếu với những gì Đảng và Bác đã dày công rèn luyện Đảng ta, trong đó có hàng vạn, hàng triệu cán bộ đảng viên qua các thời kỳ cách mạng của Đảng đã không tiếc máu xương anh dũng hy sinh, suốt đời cống hiến sức lực và tài trí cho Đảng cho dân; thế mà, ngày nay đâu đó, không ít những cán bộ, đảng viên thoái hóa về bản chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, thậm tệ hơn có không ít kẻ quay lưng lại với quá khứ hào hùng và oanh liệt của nhân dân ta. Nghiêm trọng hơn là việc đoàn kết với nhân dân, với chính tổ chức Đảng bị mai một. Trong sinh hoạt Đảng thiếu tinh thần đấu tranh xây dựng, nể nang, né tránh; thậm chí còn có lúc, có nơi kéo bè, lập cánh, đấu đá nhau... coi và đặt lợi ích của nhóm, của cá nhân lên trên lợi ích của tập thể, của Đảng, của dân.
Trở lại những điều Bác dạy, Bác đã từng làm, mỗi chúng ta càng thấm thía. Bác là tấm gương sáng, là mẫu mực trong đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, Bác luôn tuân thủ các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt, thực hiện kỷ luật của Đảng nghiêm minh và tự giác. Bác đặc biệt luôn quan tâm đến việc mở rộng và thực hành dân chủ trong Đảng; không ngừng rèn luyện, trau dồi phẩm chất, năng lực, đạo đức, lối sống, tác phong của một đảng viên.
Tấm gương sáng ngời của người Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất mà UNESCO đã tôn vinh luôn là hình mẫu để cán bộ, đảng viên noi theo. Theo Người quan niệm: Ở phương Đông và ở Việt Nam, một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền.
Bích Hà