Bà Tám dân vận khéo!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mỗi vụ hòa giải thành, bà được nhà nước hỗ trợ 200.000 đồng. Nhưng đối với bà, tiền không quan trọng bằng niềm vui hòa giải thành, vì tình làng nghĩa xóm được gắn kết với nhau.
Nhiều người ở tỉnh Đồng Tháp quá quen hình ảnh cụ bà thường xuyên đội nón lá, mặc áo bà ba, đạp chiếc xe cũ kỹ đến từng ngõ, gõ từng nhà để làm công tác hòa giải, tuyên truyền, vận động bà con tham gia các hoạt động chính trị, xã hội ở địa phương.
Như "làm dâu trăm họ"
Đó là bà Tám, tên thật là Nguyễn Kim Huê, ngụ ấp Long Khánh A, xã Long Hậu, huyện Lai Vung.
Bà là giáo viên tiểu học từ trước năm 1975. Từ ngày đất nước thống nhất, bà chuyển sang nghề buôn bán và tham gia các hoạt động xã hội ở ấp Long Khánh A, sau đó được chính quyền địa phương tín nhiệm giao làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp. Rồi chính quyền địa phương vận động bà tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, với nhiệm vụ nhận đơn giải quyết các vụ việc mâu thuẫn xảy ra ở địa phương.
Công tác hòa giải như "làm dâu trăm họ". Làm không khéo thì dễ bị bà con xóm giềng nói này nói nọ. Tuy nhiên, bà Tám luôn thể hiện bản lĩnh của một người có uy tín.
"Khó khăn trong công tác hòa giải ở lĩnh vực đất đai do phải đo đạc, xác định vị trí ranh đất; các vụ chơi hụi, cho mượn tiền thì thường không có giấy tờ chứng minh. Đặc biệt, các vụ hôn nhân gia đình là phải giải quyết nhiều nhất bởi ở nông thôn điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều người đàn ông suốt ngày say xỉn, cờ bạc… là những nguyên nhân làm cho hạnh phúc tan vỡ" - bà Tám lý giải.
Bà Nguyễn Kim Huê xem xét kỹ lưỡng từng đơn yêu cầu hòa giải của người dân
Bà Nguyễn Kim Huê xem xét kỹ lưỡng từng đơn yêu cầu hòa giải của người dân
Bà Tám nhớ rất rõ từng vụ hòa giải thành, có khi hơn chục năm trước. Có những vụ trở thành kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời làm "luật sư" của bà.
Bà kể 10 năm trước, có trường hợp hộ gia đình Nguyễn Văn T. - Đoàn Thị Tr. còn trẻ, mới sinh con được 3 tháng tuổi. Người chồng muốn ly dị vợ để đến với người phụ nữ mới. Qua tiếp cận vụ việc, tiếp xúc từng người, dựa vào kỹ năng hòa giải, bà đã hàn gắn lại tình cảm gia đình họ.
"Đến nay, đã qua 10 năm, hai người đó ở lại với nhau rất hạnh phúc. Họ đi làm việc ở TP HCM. Mỗi khi có dịp về quê đều ghé thăm tôi, tỏ ra vui mừng. Họ cảm ơn tôi vì đã hàn gắn được hạnh phúc gia đình" - bà Tám nói.
Chia sẻ "bí quyết"
Mỗi vụ hòa giải thành, bà được nhà nước hỗ trợ 200.000 đồng. Nhưng đối với bà, tiền có lẽ không quan trọng bằng niềm vui khi hòa giải thành, vì tình làng nghĩa xóm được gắn kết lại với nhau.
Vụ việc nào đến tay cũng được bà nghiên cứu rất kỹ lưỡng để tìm phương pháp hòa giải. Có một vụ tranh chấp lối đi của 10 hộ dân, do chủ đất có nhà ở vị trí mặt tiền rào mất lối đi chung của các hộ phía sau. Xác định được nguồn gốc đất, bà cất công lên tận TP HCM để tìm lại chủ đất cũ.
"Chỉ có gặp được chủ đất cũ mới nắm được nguồn gốc đất, để xem vụ việc thỏa thuận mua bán đất giữa chủ đất mới với chủ đất cũ có thống nhất chừa lối đi cho 10 hộ dân ở phía sau hay không. Từ đó, tôi mới có hướng giải quyết thuyết phục chủ đất mới mở lại lối đi cho các hộ dân" - bà Tám kể.
Cuối tháng 8-2019, tỉnh Đồng Tháp tổng kết 5 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, bà Tám vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thành tích có nhiều đóng góp cho công tác hòa giải ở cơ sở, được mời lên sân khấu tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm làm công tác hòa giải.
Khi nghe cụ bà 80 tuổi chia sẻ "bí quyết", tất cả đại biểu ngồi bên dưới hội trường im phăng phắc để nghe chất giọng sang sảng của bà. Rồi mọi người bày tỏ khen ngợi tấm gương cao tuổi, nhiệt huyết với công tác hòa giải.
Bà Huỳnh Thị Phương Thịnh, cán bộ Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp, nhận xét: "Bà Tám lớn tuổi như vậy mà công tác rất tốt. Bà chia sẻ được nhiều kinh nghiệm thực tế ở cấp cơ sở để những hòa giải viên khác học hỏi theo. Trong xã hội ngày nay, khó có người nào làm được việc như bà Tám".
Phải bền trí, nhẫn nại
Bà Tám rưng rưng khi kể năm 33 tuổi, chồng chia tay để đến với người phụ nữ khác khi 3 đứa con còn rất nhỏ. Xuất phát từ hoàn cảnh gia đình, bà cố gắng làm tốt công tác hòa giải để hàn gắn những cặp vợ chồng đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ hạnh phúc gia đình.
Năm nay đã 81 tuổi nhưng đôi mắt bà Tám còn đọc được chữ, đặc biệt nhớ rất tốt. Hôm tôi ghé thăm, gặp lúc bà đang cặm cụi đọc từng lá đơn yêu cầu hòa giải, ngồi ghi chép tỉ mỉ từng chi tiết vụ việc để chuẩn bị cho cuộc hòa giải sắp diễn ra.
Bà Tám rót ly trà mời tôi uống, rồi chia sẻ: "Để giải quyết các vụ việc thành công, tôi phải dự nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ, đọc sách luật, xem báo, đài… cộng với kinh nghiệm khéo nói chuyện. Người làm công tác hòa giải phải bền trí, nhẫn nại đi thuyết phục nhiều lần, giao tiếp thường xuyên với các bên. Lợi thế của tôi là lớn tuổi, có uy tín ở địa phương nên dễ thuyết phục người khác".
Ông Nguyễn Phúc Sĩ, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban Nhân dân ấp Long Khánh A, nhìn nhận: "Bà Tám trở thành tấm gương tốt ở địa phương về tinh thần nhiệt huyết tham gia công tác xã hội. Nhờ bà làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở nên không có vụ việc phải gửi đơn kiện vượt cấp, tình làng nghĩa xóm được đoàn kết, tình hình an ninh trật tự ổn định. Tôi nghĩ rất hiếm khi có người đã 81 tuổi mà còn bận tâm lo chuyện xã hội như vậy, thật đáng biểu dương".
Năm 2002, bà Tám nhận nhiệm vụ làm Tổ trưởng Tổ xóa đói, giảm nghèo ấp Long Khánh A, nhận ủy thác nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số hơn 1,7 tỉ đồng.
Có nguồn vốn này, bà đạp xe đi khảo sát từng hộ gia đình để làm hồ sơ xét cho 60 hộ vay vốn với mục đích xây nhà vệ sinh, chăn nuôi, mua bán, cho sinh viên học tập, làm chi phí đi lao động ở nước ngoài… Hằng tháng, bà lại đến từng nhà thu lãi, tiền gốc và gửi quỹ tiết kiệm cho các hộ vay vốn. Lớn tuổi nhưng bà nhớ rõ từng người vay tiền.
Tôi hỏi về một trường hợp được xét cho vay vốn ngẫu nhiên, bà liền nêu đầy đủ họ tên, năm sinh và lấy điện thoại gọi nhắc nhở người vay gần tới tháng đóng lãi để chuẩn bị tiền sẵn. Đó là trường hợp của bà Huỳnh Thị Hiền bị tật ở chân, có chồng rồi ly dị, sau đó có chồng khác. Qua khảo sát, bà Tám lập hồ cho vay 20 triệu đồng với mục đích mua bán. Từ số vốn ban đầu, bà Hiền phát triển kinh tế gia đình.
"Gia đình tôi nhờ bà Tám xét cho vay tiền về mua bán tạp hóa. Đến nay, tôi xây dựng được căn nhà bê-tông kiên cố và được công nhận thoát nghèo. Nhiều hộ gia đình không có sự giúp sức của bà Tám thì khó lòng mà thoát nghèo" - bà Hiền tâm sự.
Làm được cho bà con là vui
Cấp ủy Đảng, chính quyền có phát động phong trào liên quan đến người dân là bà Tám đi tuyên truyền, vận động bà con tham gia thực hiện theo chủ trương. Bà Tám trở thành tuyên truyền viên cốt cán về công tác bảo vệ môi trường, vận động gia đình tham gia mua BHYT, phòng chống bạo lực gia đình, an toàn vệ sinh thực phẩm…
Để chứng minh cho việc làm của mình, bà Tám lấy trong tủ đưa cho tôi xem nào là bằng khen thành tích hòa giải cơ sở, thí sinh cao tuổi đoạt giải nhất cuộc thi "Tìm hiểu pháp luật", đoạt giải tiếng hát phụ nữ, tuyên truyền viên giỏi…
Tôi hỏi tại sao lớn tuổi mà không ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe? Bà Tám trả lời gọn ghẽ: "Tôi vừa đi hoạt động công tác xã hội để vừa rèn luyện sức khỏe". Rồi bà còn quả quyết: "Học tập và làm theo gương Bác Hồ ở tinh thần vì dân phục vụ, nên ngày nào còn sức khỏe thì giúp gì được cho xã hội là cứ giúp. Mỗi việc làm được cho bà con, tôi cảm thấy tinh thần vui vẻ, sống thoải mái hơn. Đến khi nào sức khỏe quá đát thì mới ở nhà với con, cháu".
Cứ thế, chiếc xe đạp cũ kỹ ngày nối ngày giúp bà Tám di chuyển khắp các cung đường để làm công tác dân vận. 

Rất hiếm gặp

Ông Nguyễn Văn Dân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Long Hậu, nhận xét: "Bà Tám rất khéo léo trong công tác vận động quần chúng; có uy tín để tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân tham gia các hoạt động chính trị, xã hội ở địa phương, nhất là trong công tác xây dựng nông thôn mới. Ở tỉnh Đồng Tháp, bà là tấm gương người cao tuổi mà còn tham gia công tác xã hội, rất hiếm gặp".

Theo Bài và ảnh: Nha Mân (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.