9X đam mê khởi nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sau khi tốt nghiệp đại học, thay vì tìm việc ở cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp, nhiều thanh niên thế hệ 9X đã quyết định khởi nghiệp ngay trên chính mảnh đất quê hương. Nhờ sự nỗ lực vượt khó, dám nghĩ dám làm, nhiều người trong số họ đã thành công.



* Phạm Thị Yến-Chủ cơ sở sản xuất tinh dầu Hồng Hải (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, Gia Lai): Gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp

 



“Chọn hướng khởi nghiệp với một ngành được coi là tiềm năng nhưng lại tiềm ẩn rủi ro rất lớn là nông nghiệp khiến nhiều người e ngại. Nhưng tôi vẫn quyết định đương đầu với thử thách để tạo ra giá trị riêng cho mình, cho sản phẩm mình đeo đuổi”-Phạm Thị Yến tự tin mở đầu câu chuyện.

Cái duyên đưa Yến đến với công việc chế biến tinh dầu cũng rất tình cờ. Yến kể: “Cách đây hơn 2 năm, khi qua Đak Lak thăm người quen, tôi được tận mắt thấy người ta trồng sả Java trên đồi đất khô cằn nhưng hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn hẳn các loại cây trồng khác. Ngay lúc đó, trong đầu tôi đã bật ra câu hỏi: Tại sao mình cứ mãi bám lấy cây mì, cây điều trong khi nhiều năm nay 2 loại cây này không mang lại hiệu quả? Trở về nhà, tôi bắt đầu nảy ra ý tưởng thử nghiệm trồng sả Java để chế biến tinh dầu, một mặt hàng đang rất được ưa chuộng. Từng học ngành Y, hoàn toàn chưa được cập nhật chút kiến thức nào về nông nghiệp nhưng tôi vẫn quyết tâm thực hiện”.

Năm 2017, Yến bắt đầu trồng sả Java trên diện tích 2 ha. “Khi thấy hiệu quả mang lại, tôi bàn với gia đình chuyển toàn bộ 20 ha đất sang trồng sả Java nhưng ai cũng hồ nghi và can ngăn. Không nản lòng, tôi cố tìm cách thuyết phục bố mẹ cho mượn đất. Nhưng phải đến khi những mẻ tinh dầu sả Java đầu tiên thành công, sản phẩm làm ra tới đâu bán hết tới đó, trong lúc giá mì và điều đang trên đà trượt dốc thì gia đình tôi mới đồng ý chuyển toàn bộ diện tích canh tác sang trồng sả”-Yến cho hay.

Thế nhưng, để đầu tư trồng 20 ha sả cần có nguồn vốn hơn 1 tỷ đồng, chưa kể xây lò chưng cất mất khoảng 300 triệu đồng nữa. Đây là “bài toán” khá đau đầu với một người mới 25 tuổi chân ướt chân ráo khởi nghiệp như Yến. “Nung nấu quyết tâm, tôi bắt đầu vay mượn gia đình, người quen và tiến hành từng bước đi chắc chắn. Vừa phát triển vùng nguyên liệu, tôi vừa dành nhiều thời gian để nghiên cứu quy trình nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng tinh dầu, đáp ứng yêu cầu của đối tác”-Yến chia sẻ.

Theo tính toán của Yến, từ năm thứ 2 trở đi, 1 ha sả Java đạt năng suất trung bình khoảng 7 tấn lá/đợt thu hoạch, mỗi năm thu 7 đợt thì 20 ha sả cho tổng sản lượng khoảng 1.000 tấn lá. Từ số lá sả này có thể chiết xuất được hơn 5.000 lít tinh dầu. Yến cho biết thêm, năm đầu tiên, doanh thu của cơ sở đạt hơn 500 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 300 triệu đồng. Còn năm nay, doanh thu dự kiến đạt hơn 2 tỷ đồng, trừ chi phí sản xuất thì lãi khoảng 1 tỷ đồng.




* Nguyễn Công Hậu (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah, Gia Lai): Thỏa niềm đam mê nông nghiệp công nghệ cao


 

 

Sinh ra trong một gia đình làm nghề nông, Nguyễn Công Hậu đã sớm có niềm đam mê với lĩnh vực nông nghiệp. Sau khi tốt nghiệp THPT, Hậu quyết định theo học tại Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh. “Năm thứ 2 đại học, tôi đã tự nghiên cứu và tích lũy được nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật trồng dâu tây. Tôi luôn ao ước sau này mình sẽ đem những kiến thức học được ứng dụng vào thực tiễn. Năm 2018, sau khi tìm hiểu nhu cầu thị trường, tôi nhận thấy cây dâu tây có nhiều tiềm năng phát triển, lại khá thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Chư Pah nên quyết định đầu tư trồng loại cây này”-Hậu chia sẻ.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn dâu tây rộng hơn 900 m2 được đầu tư khá bài bản, chàng trai sinh năm 1996 này phấn khởi cho biết, đây là thành quả bước đầu từ niềm đam mê nông nghiệp công nghệ cao của anh. Để tiết giảm chi phí đầu tư ban đầu, Hậu xây dựng vườn dâu trong nhà kính trên diện tích 400 m2, còn 500 m2 trồng ngoài trời. Hậu phân tích: “Vì trồng trong nhà kính với môi trường cách ly cao nên các giống dâu cũng “khó tính” hơn. Tôi đã thử nghiệm 6 loại dâu tây khác nhau để chọn ra giống thích hợp nhất với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương. Để dâu tây sinh trưởng và phát triển tốt, đạt yêu cầu về chất lượng đòi hỏi người trồng phải nắm chắc kỹ thuật. Trồng dâu trong nhà kính trên giá thể sẽ giúp cây cách ly được sâu bệnh, cùng với hệ thống tưới tự động, phun sương, quạt làm mát giúp điều tiết độ ẩm không khí, đáp ứng được yêu cầu sinh trưởng nên cây ít bị sâu bệnh hại hơn. Tuy ở 2 môi trường khác nhau nhưng tôi đều sản xuất theo phương pháp sinh học, sử dụng các loại nấm đối kháng, chế phẩm sinh học để phun trừ sâu bệnh, cung cấp dinh dưỡng cho cây. Nhờ đó, năng suất đạt cao hơn, chất lượng dâu ngon hơn, đồng thời cho sản phẩm an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng”.

Hậu cho biết, vườn dâu tây của anh đã cho thu hoạch năm thứ 2. Năm đầu tiên, sản lượng dâu chưa cao nên nguồn thu chỉ hơn 200 triệu đồng. Còn năm nay, sản lượng rất khá, ước tính cho thu khoảng 500 triệu đồng, trừ chi phí thì lãi khoảng 400 triệu đồng.



* Nguyễn Văn Hiếu-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cà phê Mưa (TP. Pleiku): Mong muốn xây dựng chuỗi quán cà phê sạch


 

 

“Điều quan trọng nhất trong sản xuất kinh doanh cà phê là phải tìm được hướng đi riêng. Từ lâu, tôi đã đặt mục tiêu xây dựng chuỗi quán cà phê sạch để qua đó tạo giá trị riêng cho thương hiệu cũng như góp phần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về cà phê”-Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ về lựa chọn khởi nghiệp của mình.

Hiếu kể: “Tốt nghiệp đại học, tôi may mắn được một công ty nước ngoài chuyên về xây dựng cầu đường ở Đà Nẵng tiếp nhận với mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng. Làm trong môi trường này, tôi được đến nhiều vùng trong cả nước. Ngày đó còn độc thân nên mỗi buổi tối, tôi thường la cà uống cà phê. Thấy chất lượng cà phê mà người ta kinh doanh không đảm bảo, tôi nảy ra ý tưởng lấy cà phê sạch ở quê mình bỏ mối cho các quán”. Vậy là, dù vẫn làm nghề “tay phải” đúng với chuyên môn được đào tạo nhưng Hiếu luôn cảm thấy công việc “tay trái” cuốn hút mình hơn.

Năm 2015, Hiếu quyết định rẽ ngang để mở 1 quán cà phê nhỏ nằm trên đường Phan Đình Phùng (TP. Pleiku). Sau đó, anh nghiên cứu, học hỏi kỹ thuật rang xay và đi vào lĩnh vực chế biến cà phê. “Sản phẩm của mình “sinh sau đẻ muộn” là một thiệt thòi trong hành trình tìm kiếm thị trường, chinh phục người tiêu dùng. Song, tôi đặt quyết tâm bắt đầu một hướng đi mới là tập trung vào 4 dòng sản phẩm chính từ cà phê bột và cà phê hạt theo quy trình sản xuất sạch trên cơ sở kết hợp giữa dòng cà phê chính là Robusta và Arabica, cùng Culi và Moka nhằm tạo ra hương vị đặc trưng cho các sản phẩm của mình”-Hiếu chia sẻ.

Chủ thương hiệu Mưa 3s Coffee cho biết: Hiện nay, mỗi tháng doanh nghiệp tiêu thụ khoảng 5-7 tấn cà phê, doanh thu đạt hơn 3 tỷ đồng/năm. Thế nhưng, ít ai biết rằng, quá trình khởi nghiệp của chàng trai 9X này cũng khá chật vật. Hiếu cho hay: “Khi sản phẩm chưa vào được hệ thống phân phối lớn, chỉ phụ thuộc vào việc bỏ mối cho một vài quán nhỏ thì sẽ khó mở rộng thị trường. Do đó, tôi nghĩ đến việc phát triển chuỗi quán cà phê mang thương hiệu của mình sẽ thích hợp hơn. Vậy là tôi lên kế hoạch mở thêm 2 quán cà phê nữa do mình làm chủ, đồng thời cũng tìm được 2 chủ quán khác kinh doanh theo hình thức nhượng quyền”. Như vậy, đến nay, riêng ở Pleiku đã có 5 quán cà phê mang thương hiệu Mưa 3s Coffee. Không những vậy, hệ thống nhượng quyền của Mưa 3s Coffee đã có mặt ở TP. Hồ Chí Minh, Đak Lak, Bình Định, Khánh Hòa với hàng chục quán. 


Hiếu cho rằng: “Đi theo con đường sản xuất sạch luôn là lợi thế với một doanh nghiệp khởi nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi muốn nhắn nhủ với những bạn trẻ đang ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp rằng, đừng chần chừ mà hãy dấn thân với niềm đam mê, dù có khó khăn nhưng quyết tâm vượt qua thì sẽ thành công”.

VŨ THẢO
 

Có thể bạn quan tâm

Làm giàu nhờ 'thay đổi số phận' một loại bánh

Làm giàu nhờ 'thay đổi số phận' một loại bánh

Từ những chiếc bánh ép Huế bình dân, Ngô Văn Quốc (22 tuổi, quê P.Thuận An, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) đã cho ra đời sản phẩm đóng gói đẹp mắt, mang thương hiệu của Huế, bày bán tại các trung tâm thương mại, cửa hàng sân bay... khắp cả nước.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang tranh tài tại chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

Chị Nguyễn Thị Thu Trang tranh tài tại chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

(GLO)- Chiều 10-10, chị Nguyễn Thị Thu Trang-Giám đốc Công ty TNHH Dược thảo LiLa (xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) thi thuyết trình chung kết toàn quốc Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Nữ trưởng công an xã xuất sắc

Nữ trưởng công an xã xuất sắc

Đại úy Y Yến (36 tuổi, dân tộc Xơ Đăng)-Trưởng Công an xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, Kon Tum, đã được Bộ Công an trao tặng danh hiệu “Phụ nữ Công an tiêu biểu”, “Nữ Công an cơ sở xuất sắc” năm 2023.

Bế mạc Techfest Đắk Lắk 2024

Bế mạc Techfest Đắk Lắk 2024

Tối 24/9, UBND tỉnh tổ chức Lễ bế mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh năm 2024 (Techfest Đắk Lắk 2024) với chủ đề “Khát vọng xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc”.
Cô gái thu tiền triệu nhờ làm bánh kem độc đáo

Cô gái thu tiền triệu nhờ làm bánh kem độc đáo

“Nhiều người hỏi nay làm gì, mình nói ở nhà bán bánh kem online. Ngay lập tức, nhiều người quen và bạn bè ngạc nhiên: “Học cho đã rồi đi bán bánh”. Họ đâu biết rằng nghề bánh cho mình thu nhập gấp 10 lần thời còn làm ở góc văn phòng”, chị Hoài Thương nói.