84 triệu năm trước, Trái đất lắc lư nghiêng 12 độ sau đó tự bật trở lại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trái đất bị nghiêng về một phía và tự khôi phục lại trong giai đoạn từ 79 triệu đến 86 triệu năm trước, một nghiên cứu chỉ ra.
 
Ảnh minh họa các lớp bên trong Trái đất. Ảnh: AFP/Getty
Ảnh minh họa các lớp bên trong Trái đất. Ảnh: AFP/Getty
Trái đất bị nghiêng 12 độ vào khoảng 84 triệu năm trước, vào cuối kỷ Phấn trắng khi khủng long bạo chúa, khủng long ba sừng đang thống lĩnh hành tinh sau đó tự khôi phục lại.
"Độ nghiêng 12 độ của Trái đất có thể ảnh hưởng đến vĩ độ tương tự" - Sarah Slotznick, nhà địa sinh học tại Đại học Dartmouth, đồng tác giả của nghiên cứu mới, chia sẻ với Business Insider. Với độ nghiêng này của Trái đất, khi đó gần như thành phố New York, Mỹ, sẽ ở vị trí của Tampa, Florida, hiện tại.
Các nhà nghiên cứu phát hiện, từ 86 đến 79 triệu năm trước, lớp vỏ và lớp phủ đã quay xung quanh lõi ngoài của Trái đất và quay ngược lại khiến toàn bộ hành tinh nghiêng và sau đó tự lật lại như con lật đật đồ chơi.
Các nhà khoa học có thể ghép lại một bức tranh về các mảng kiến ​​tạo đã ở đâu cách đây hàng triệu năm bằng cách phân tích dữ liệu cổ địa từ.
Khi dung nham ở phần tiếp giáp của hai mảng kiến ​​tạo nguội đi, một số đá tạo thành có chứa các khoáng chất từ ​​tính phù hợp với hướng của các cực từ của Trái đất tại thời điểm đá đóng rắn lại.
Ngay cả sau khi các mảng chứa những khối đá di chuyển, các nhà nghiên cứu cũng có thể nghiên cứu sự liên kết từ tính này để phân tích vị trí trên bản đồ toàn cầu mà những nam châm tự nhiên đã tồn tại trong quá khứ.
Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra sự liên kết từ tính của đá vôi cổ thu thập được ở Italia và phát hiện ra rằng, vỏ Trái đất di chuyển khoảng 3 độ mỗi triệu năm trong quá trình nghiêng và lật trở lại.
Hãy hình dung Trái đất giống như một con quay: Nếu trọng lượng của phần trên được phân bổ đều, nó sẽ quay một cách hoàn hảo, không lắc lư. Nhưng nếu một số khối lượng dịch chuyển sang bên này hay bên kia sẽ làm thay đổi trọng tâm của đỉnh, dẫn đến việc nó nghiêng về phía nặng hơn khi đang quay.
Theo nhà nghiên cứu Slotznick, sự tích tụ của đá nóng và magma - được gọi là chùm manti - từ lõi bên ngoài hướng tới lớp vỏ có thể đã đóng vai trò trong việc thay đổi cách phân bố khối lượng của Trái đất trong kỷ Phấn trắng muộn.
Đồng tác giả Ross Mitchell - nhà địa vật lý Học viện Khoa học Trung Quốc lưu ý, các mảng kiến ​​tạo dịch chuyển có thể giải thích độ nghiêng 12 độ của Trái đất thời cổ đại. Khi vật chất nóng hơn, ít đặc hơn từ sâu bên trong lớp phủ tăng hướng về phía lớp vỏ, và vật chất lạnh hơn, đậm đặc hơn chìm về phía lõi, các mảng kiến tạo có thể va chạm. Khi va chạm xảy ra, một mảng sẽ chìm xuống dưới mảng khác.
Trước kỷ Phấn trắng muộn, mảng Thái Bình Dương - mảng kiến tạo lớn nhất trên Trái đất trải rộng hàng triệu km2 dưới Thái Bình Dương - bị chìm dưới một mảng kiến tạo khác ở phía bắc. Khoảng 84 triệu năm trước, mảng Thái Bình Dương bắt đầu chìm theo một hướng khác, dưới một mảng khác ở phía tây. Sự thay đổi này có thể đã làm thay đổi sự cân bằng của Trái đất, theo Mitchell. Do đó, ông không ngạc nhiên khi Trái đất đảo ngược hướng và nghiêng về phía sau.
“Lớp bên ngoài của hành tinh hoạt động đàn hồi giống như một sợi dây cao su và sẽ trở lại hình dạng ban đầu sau khi chệch khỏi trục" - ông nói.
THANH HÀ (LĐO)

Có thể bạn quan tâm