50 năm chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh: Vươn lên giàu mạnh từ hoang tàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ đống hoang tàn sau chiến tranh, cả hệ thống chính trị và nhân dân đã chung sức, đồng lòng xây dựng Đăk Tô ngày càng giàu mạnh, vươn lên thành một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất Kon Tum.
 
Các đại biểu dâng hoa và tham quan các hiện vật chiến tranh tại khuôn viên Tượng đài Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh. Ảnh: Khoa Chương/TTXVN
Các đại biểu dâng hoa và tham quan các hiện vật chiến tranh tại khuôn viên Tượng đài Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh. Ảnh: Khoa Chương/TTXVN
Ngày 24/4/1972, cứ điểm E42 Đăk Tô-Tân Cảnh (tỉnh Kon Tum) chính thức được giải phóng, trở thành một trong những chiến tích vĩ đại của quân và dân ta trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972, tạo tiền đề để Hiệp định Paris được ký kết.
Từ đống hoang tàn chiến tranh, sau 50 năm cả hệ thống chính trị và nhân dân Đăk Tô đã cùng nhau chung sức, đồng lòng, xây dựng Đăk Tô ngày càng giàu mạnh, vươn lên thành một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất của tỉnh Kon Tum.
Vượt khó vươn lên
Sau khi được giải phóng vào tháng 4/1972, Đăk Tô là một huyện nghèo, nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, tự cung, tự cấp; kết cấu hạ tầng yếu kém và bị tàn phá do chiến tranh, trình độ dân trí thấp, phong tục, tập quán sản xuất lạc hậu, tình trạng thiếu đói còn phổ biến, hộ đói, nghèo chiếm khoảng 70%.
Ông Võ Văn Mẹo (sinh năm 1950, xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô) cho biết, sau chiến tranh, Đăk Tô-Tân Cảnh bị tàn phá nặng nề, không còn công trình nào được nguyên vẹn, cây cối bị tan hoang, cháy xém do bom, đạn.
Cuối năm 1989, thị trấn Đăk Tô được thành lập, xã Tân Cảnh tách ra trở thành xã độc lập. Những chứng tích của chiến tranh để lại, xã vẫn chưa có người ở, do vậy, ông nằm trong lực lượng an ninh vũ trang của tỉnh nên được phân công về làm công an xã, rồi được bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân đầu tiên của xã Tân Cảnh.
Ông Võ Văn Mẹo cho rằng, do thời điểm đó, xã vẫn chưa có người ở, ông cùng các đồng chí trong Ủy ban Nhân dân xã phải đi vận động bà con ở các vùng lân cận về; đồng thời vận động Nông trường Quang Trung cho bà con đất để sản xuất ở những nơi nông trường không sử dụng.
Dần dà, bà con bắt đầu về định canh, định cư, sản xuất nông nghiệp. Đến năm 1995, chính sách thu hút bà con ngoài Bắc vào làm kinh tế mới được thực hiện, xã mới bắt đầu phát triển.
Ông Nguyễn Đình Cương, Trưởng thôn 5, xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô cho biết, thôn hiện có 315 hộ dân với 1.075 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Kinh và Mường từ Bắc vào.
Lợi thế của bà con khi vào Tân Cảnh là đất đai màu mỡ, rộng rãi. Song do môi trường sống khác lạ, sự tàn phá của chiến tranh khiến vùng đất Tân Cảnh khi đó rất hiu quạnh. Tuy nhiên, bà con đã cùng nhau đoàn kết, vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế.
Qua 27 năm, đến nay kinh tế đã đi vào ổn định, mỗi gia đình có khoảng trên 2ha đất, trồng chủ yếu cao su và càphê. Nhờ đó, thu nhập bình quân ở mức 40 triệu đồng/người-luôn cao hơn mức bình quân chung của huyện Đăk Tô.
Gia đình ông Phạm Văn Tinh, thôn 5, xã Tân Cảnh từ tỉnh Ninh Bình vào làm kinh tế mới từ năm 1995. Vượt qua nhiều khó khăn, đến nay, gia đình ông đã có khoảng 10 ha trồng cao su, càphê và một trại chăn nuôi 70 con lợn rừng. Với giá bán lợn rừng thịt cao hơn từ 2-3 lần lợn nhà, mỗi năm, đàn lợn rừng đã mang về cho gia đình ông khoản lợi nhuận từ 250-300 triệu đồng.
Theo ông A Thái, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô, sau 50 năm chiến thắng, với sự đồng lòng, cố gắng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, ngày nay, xã Tân Cảnh đã có bước phát triển, thay đổi rõ nét, bộ mặt nông thôn có bước chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng-an ninh được giữ vững.
Đến cuối năm 2021, xã còn 85 hộ nghèo, chiếm 4,7%; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 33,5 triệu năm 2017 lên 53,34 triệu đồng.
Khát vọng vươn xa
Ông Sa Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đăk Tô cho biết, sau chiến tranh, Đăk Tô-Tân Cảnh đứng trước muôn vàn khó khăn cần giải quyết, song với truyền thống chiến đấu, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Đăk Tô đã phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng bất diệt, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, đẩy mạnh các phòng trào thi đua lập nên nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của huyện.
Năm 2021, tổng giá trị sản xuất công nghiệp của huyện đạt 850 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội đạt 900 tỷ đồng. Thu ngân sách nhà nước đạt 151,26 tỷ đồng, ước đạt 140,37% kế hoạch.
 
Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Đăk Tô. Ảnh: Khoa Chương/TTXVN
Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Đăk Tô. Ảnh: Khoa Chương/TTXVN
Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 38 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện, hộ nghèo của huyện theo chuẩn 2016-2020 là 4,68%, giảm 2,54% so với năm 2020; hộ nghèo theo chuẩn mới giai đoạn 2021-2025 là 15,04%. Huyện đã có 3/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Môi trường đầu tư được cải thiện; huy động và sử dụng ngày càng tốt hơn nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Những công trình sản xuất, chế biến có quy mô vừa và lớn được hình thành và phát triển như Nhà máy cồn và tinh bột sắn Đăk Tô, Nhà máy Thủy điện Đăk Rơ Sa 1, Đăk Rơ Sa 2, Đăk Pô Kô, Cụm công nghiệp 24/4 đã được lấp đầy và đang triển khai xây dựng cụm công nghiệp phía Tây thị trấn Đăk Tô… đã và đang tạo diện mạo mới cho huyện Đăk Tô.
Trước sự phát triển mạnh mẽ, Đại hội Đảng bộ huyện Đăk Tô lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu bứt phá, với tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân trên 10%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 57 triệu đồng/người/năm vào năm 2025. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm bình quân 2,5%/năm; ít nhất 7/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thị trấn Đăk Tô đạt các tiêu chí đô thị loại IV.
“Nhiệm vụ hàng đầu mà huyện Đăk Tô đề ra là tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh triển khai xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết giá trị; tập trung thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ… Đặc biệt, để nông nghiệp phát triển một cách bền vững, huyện Đăk Tô 'trải thảm đỏ' mời gọi các doanh nghiệp có tiềm năng trong lĩnh vực nông nghiệp đến đầu tư, xây dựng tại địa bàn để xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất khép kín để từng bước hình thành các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện,” ông Sa Phương nhấn mạnh.
 
Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng thăm, tặng quà cho hộ gia đình bà Y Buông, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân (trú thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô). Ảnh: Khoa Chương/TTXVN
Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng thăm, tặng quà cho hộ gia đình bà Y Buông, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân (trú thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô). Ảnh: Khoa Chương/TTXVN
50 năm đã trôi qua, đống hoang tàn sau chiến tranh đã được chính quyền và nhân dân Đăk Tô xây dựng ngày một phồn vinh, thịnh vượng. Điều này không chỉ hiện thực hóa ước mơ, khát vọng của quân và dân ta trong Chiến dịch Đăk Tô-Tân Cảnh về một nền hòa bình, hạnh phúc, ấm no cho nhân dân, mà còn thể hiện khát vọng vươn xa của các thế hệ tương lai trên mảnh đất Đăk Tô-Tân Cảnh anh hùng.
Theo Dư Toán (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.