Pháp lý, chứng khoán, tài chính, bất động sản, tự động hóa là những ngành tăng tuyển người mạnh nhất 5 năm qua, theo Navigos.
Dù có năm 2016 có chút sụt giảm phong độ, nhìn chung 5 năm qua, tăng trưởng GDP của Việt Nam tiếp tục chiều hướng đi lên. Nền kinh tế tiếp tục phát triển với tốc độ cao, với GDP năm 2019 là 7,02%, mở ra nhu cầu lớn lao động trong một số ngành nghề.
Theo thống kê trên hệ thống mạng tuyển dụng thuộc Navigos Group, Top 5 ngành nghề có nhu cầu nhân sự tăng trưởng cao nhất giai đoạn 2015-2019 đều ghi nhận tốc độ ở mức 3 con số.
Pháp lý
Đứng vị trí cao nhất về tăng trưởng nhu cầu tuyển dụng 5 năm qua là lĩnh vực pháp lý, với mức tăng 180%. Nghề luật sư được công nhận chính thức tại Việt Nam vào năm 1987, khi Pháp lệnh Luật sư ra đời. Từ đó đến nay, số lượng luật sư tham gia vào ngành dịch vụ pháp lý tăng lên nhanh chóng.
|
Luật sư Trương Thị Hòa và ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại một phiên tòa chiều 25-2-2019. |
Theo Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nếu vào tháng 4-2015, cả nước chỉ có hơn 9.000 luật sư thì nay đã có hơn 13.000 luật sư hành nghề, gần 5.000 người tập sự hoạt động trong hơn 4.000 tổ chức hành nghề luật sư.
Nhu cầu về luật sư và những người có chuyên môn về luật sẽ tiếp tục tăng bởi tỷ lệ luật sư trên dân số vẫn còn thấp và nền kinh tế ngày một mở rộng. Việt Nam gia nhập ngày càng nhiều vào các FTA, dòng vốn FDI lẫn M&A sôi động, đồng nghĩa các dịch vụ pháp lý, nhân sự về pháp chế trong các doanh nghiệp liên tục tăng.
Chứng khoán
|
Nhà đầu tư theo dõi bảng giá chứng khoán tại sàn giao dịch VNDIRECT. |
Nhu cầu nhân sự ngành chứng khoán tăng mạnh thứ nhì trong giai đoạn 2015-2019, với mức tăng 169%. Thị trường chứng khoán Việt Nam đến nay là gần 20 năm, nhưng cũng chỉ xem là một thị trường mới, ở giai đoạn phát triển. Do đó, nhu cầu nhân sự vẫn liên tục tăng.
Phát biểu cuối năm 2019, ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước, nhận định các nền tảng chính của thị trường hiện tương đối tốt, bộ khung pháp lý đã có, các hoạt động thanh tra, giám sát, phối hợp với các cơ quan cũng thông suốt. Ông kỳ vọng năm 2020 sẽ có nhiều dấu hiệu khởi sắc, thị trường chứng khoán sẽ có sự tăng trưởng tốt.
Tài chính-Đầu tư
|
Nhu cầu nhân sự về tư vấn tài chính, đầu tư và ngân hàng đều tăng trưởng 3 con số giai đoạn 2015-2019. |
Không tính nhân sự làm việc trong các ngân hàng, nhu cầu nhân sự làm việc trong lĩnh vực tài chính - đầu tư tăng đến 144% trong 5 năm qua. Đây là những người làm việc trong các quỹ đầu tư, công ty tư vấn tài chính...với chuyên môn về tư vấn, phân tích các hoạt động đầu tư, M&A.
Cùng với đó, nhân sự làm việc trong các ngân hàng cũng có nhu cầu tuyển dụng tăng cao trong thời gian qua, với mức tăng trưởng 117%, đứng hạng 7 trong Top 10 ngành nghề tăng trưởng tuyển dụng cao nhất.
Tự động hóa
|
Cánh tay robot tự gắp các bộ phận lắp ghép trong Nhà máy Daikin Việt Nam tại Hưng Yên. |
Xếp ở vị trí thứ tư, nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành tự động-tự động hóa tăng 140% trong vòng 5 năm qua. Những năm gần đây, nhu cầu ngành này đặc biệt tăng cao bởi nhu cầu hiện đại hóa dây chuyền sản xuất trong nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang khiến nhu cầu kỹ sư có chuyên môn về kỹ thuật điều khiển và tự động hóa tăng lên.
Bất động sản
Với mức tăng 132% trong giai đoạn 2015-2019, nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành bất động sản đứng thứ 5 trong Top các ngành nghề. Thực tế, ngay từ năm 2015, nhân sự bất động sản đã trong giai đoạn nóng với nhu cầu tuyển người tăng mạnh. Thời điểm đó, các công ty trong ngành tuyển một lúc hàng trăm nhân viên không phải là đột biến.
|
Năm 2019, nhân sự bất động sản bước vào khủng hoảng thừa. |
Theo khảo sát nhanh của Công ty Việt An Hòa và các hệ thống sàn địa ốc liên kết tại TP. Hồ Chí Minh, năm 2015 môi giới bất động sản tham gia bán dự án nhà ở tại Sài Gòn khoảng 10.000 người. Chỉ trong vài năm sau đó, tức đến cuối năm 2018 lực lượng này đã vọt lên khoảng 60.000 môi giới, tăng gấp 6 lần.
Nguyên nhân của sự tăng trưởng nhân sự thần tốc ngành bất động sản là do giai đoạn 2016-2018 thị trường địa ốc liên tục nóng sốt. Tuy nhiên, bước sang năm 2019, hàng nghìn môi giới đã chủ động rút khỏi ngành, chuyển nghề khác khi đà giảm tốc của thị trường mạnh dần.
Theo Viễn Thông (Vnexpress)