40 năm giữ màu xanh trên đỉnh núi Nhàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù đã hơn 60 tuổi, nhưng ông Trần Đức Minh cư trú ở thôn An Thạnh (xã Sơn Tịnh, huyện Tịnh Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn ngày ngày rảo bước trên những lối mòn quen thuộc để tuần tra, bảo vệ rừng. Và 40 năm nay, núi Nhàn có được màu xanh chính là nhờ vào công lao to lớn của ông.

Bảo vệ rừng để trả ơn… rừng

Từ xa, hướng tầm mắt trông về làng An Thọ-ngọn núi Nhàn như một người mẹ dang rộng cánh tay để che chở, bảo vệ cho những đứa con đang nằm tựa lưng vào dãy núi. Trải qua bao cuộc chiến tranh bị bom đạn cày phá, rồi sự khắc nghiệt của thiên nhiên, thế nhưng màu xanh của ngọn núi vẫn luôn được duy trì, không một góc cây nào trong núi bị chặt, cho dù đó là cây nhỏ nhất.

 

 Mặc dù tuổi cao nhưng hàng ngày ông Minh vẫn thường vào rừng để kiểm tra, phát quang các cây bụi rậm. Ảnh: Trần Lâm
Mặc dù tuổi cao nhưng hàng ngày ông Minh vẫn thường vào rừng để kiểm tra, phát quang các cây bụi rậm. Ảnh: Trần Lâm

Chúng tôi tìm đến thăm nhà ông Minh ở cuối thôn An Thạnh, cũng như bao nhiêu ngôi nhà khác trong thôn, ngôi nhà của ông Minh nằm tựa lưng vào dãy núi. Thấy khách đến, ông lật đật dẹp mọi công chuyện sang một bên để tiếp chuyện.

Ông Minh sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, cả nhà ông hồi đó có đến 5 người từng phục vụ trong cả hai cuộc kháng chiến, ông anh đầu của ông là liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ. Bản thân ông cũng tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Ngãi, hiện tại cũng đang hưởng chế độ thương binh loại III.

Với tình yêu quê hương đất nước, chứng kiến cảnh bà con bị bọn xâm lược hành hạ nên khi chỉ mới 17 tuổi, ông đã bắt đầu tham gia du kích, rồi 2 năm sau ông đi bộ đội, tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Ngãi. Sau ngày đất nước được giải phóng, ông về quê và được phân công làm xã đội trưởng xã nhà. Với tư cách là xã đội trưởng, ông liền thành lập tổ bảo vệ rừng cùng với 2 thành viên khác trong làng. Nhiệm vụ của tổ là đi tuần tra, chặt phát cây bụi nhỏ, tuyên truyền ý thức bảo vệ rừng đến với bà con.

Khi hỏi đến lý do vì sao ông ra sức bảo vệ rừng? Ông nhớ lại: “Vào khoảng những năm 1972, tôi cùng đồng đội là người địa phương đã chọn khu rừng này làm căn cứ. Hồi đó, núi Nhàn này là một trong những chốt quan trọng bậc nhất của khu vực Tây Sơn Tịnh. Kiểm soát được nới này là xem như có được một địa bàn rộng lớn. Thấy được sự quan trọng của ngọn núi nên chúng tôi quyết tâm giữ bằng được. Có nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống vì để giữ vững ngọn núi này. Đồng đội tôi đã ngã xuống vì ngọn núi nên bây giờ tôi phải giữ bằng được những gốc cây, ngọn núi để tri ân đồng đội, để trả ơn ngọn núi đã che chở, bảo vệ chúng tôi trong thời gian khó đó”.

Theo như ông Minh cho biết thì trước đây người dân chưa ý thức được lợi ích từ ngọn núi nên nạn phá rừng diễn ra gay gắt. Đợt đó ông và tổ bảo vệ đã phải lao tâm khổ tứ tìm mọi cách để ngăn chặn nạn phá rừng. Vừa làm công tác bảo vệ, ông vừa phải ra sức tuyên truyền đến với người dân để nhằm nâng cao ý thức của người dân. Những cuộc họp thôn xóm liên tục được diễn ra, ông đứng ra nói lời hay lẽ phải về lợi ích của việc bảo vệ rừng cho bà con nghe, lúc đầu ai cũng phản đối, nhưng rồi mọi người cũng đã nghe theo và ra sức bảo vệ rừng.

“Hồi đó họ chửi bới, họ nói tôi dữ lắm. Nhưng với quyết tâm giữ bằng được ngọn núi nên tôi phải liều cho dù phải bỏ mạng. Cũng may, mình nói mãi rồi người dân ai cũng nghe. Rồi từ đó đến nay ai cũng ra sức cùng tôi bảo vệ rừng, không một ai dám tự tiện vô rừng chặt một cây, dù nhỏ nhất”-ông Minh hồi hởi.

Vừa bảo vệ, vừa tìm người kế tục

Dẫn tôi lên thăm khu rừng, vừa đi ông vừa khoe: “Lợi ích mà ngọn núi này mang lại cho làng chúng tôi nhiều lắm, mùa mưa bão thì hạn chế gió, về mùa hè thì điều tiết không khí, sống quanh khu rừng lúc nào cũng thấy mát mẻ, dễ chịu. Rừng này giống như một bức bình phong che chở, bảo vệ lấy ngôi làng chúng tôi”.

Mải trò chuyện, chúng tôi vượt qua đoạn đường dốc lởm chởm đá tai mèo lúc nào không hay, khu rừng hiện ra trước mắt chúng tôi với những cây cổ thụ, chằng chịt trong đó là dây leo, những tảng đá dựng đứng tạo thành những cái hang vừa cho hai người trú ngụ.

Những lối mòn trong khu rừng dường như đã quen với những bước chân không mỏi của ông Minh, gần 40 năm đi tuần tra bảo vệ nên bây giờ mọi ngóc ngách, mọi tảng đá, gốc cây ông đều nhớ và thuộc như lòng bàn tay. Mải miết đi, cơn mưa bất chợt ùa về, tán lá rừng như những chiếc ô che chở cho chúng tôi tránh khỏi một trận mưa lớn.

Để đáp lại lòng tận tụy của ông trong việc bảo vệ rừng, chính quyền địa phương đã trả công cho tổ bảo vệ của ông mỗi người 3 sào đất và 1 triệu đồng/năm. Nhưng cái mà ông Minh muốn không phải là sự trả công, bởi ông làm với tinh thần tự nguyện nên công cán đối với ông không thành vấn đề. Cái mà ông trăn trở, suy nghĩ bấy lâu nay chính là tìm ra được người tận tụy, biết hy sinh để kế tục việc tuần tra và bảo vệ rừng. Bởi lẽ, bây giờ cả ba người trong tổ bảo vệ của ông ai cũng đã cao tuổi, không ai còn sức để mà đi hết cả khu rừng.

“Bây giờ, tôi chỉ có một ước muốn duy nhất đó là tìm được người nhằm thay thế tôi. Tuổi cao rồi, sức đâu để mà đi tuần tra bảo vệ. Trong thôn giờ chỉ còn lại người già, thanh niên lớn lên đứa thì đi học, đứa thì đi kiếm nghề mưu sinh, nên tìm người trẻ thì rất khó”-ông Minh vừa chặt bui rậm, vừa than thở.

Rừng núi Nhàn có được sự trù phú, xanh tươi như hôm nay là nhờ đến sức lực của ông Minh. Làng An Thạnh có được cuộc sống yên ổn, không khí trong lành là nhờ sự chở che của ngọn núi Nhàn. Thế nhưng, cái ưu thế đó có được tồn tại bền vững hay không, thì đó là một câu hỏi lớn mà chính ông Minh nhiều lúc cũng không biết câu trả lời.   

Trần Lâm

Có thể bạn quan tâm

Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.