2 tập đoàn lớn nào chuẩn bị rót hàng triệu USD vào chăn nuôi tại Đắk Nông?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chiều 27/9, Tập đoàn Hùng Nhơn (TP.HCM) và Tập đoàn De Heus (Hà Lan) đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Nông về kế hoạch đầu tư "Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Nông" và quy hoạch vùng an toàn dịch bệnh tại Tây Nguyên.
 
Đại diện lãnh đạo tỉnh Đắk Nông và đại diện doanh nghiệp tại buổi làm việc chiều nay. Ảnh: DHN
Đại diện lãnh đạo tỉnh Đắk Nông và đại diện doanh nghiệp tại buổi làm việc chiều nay. Ảnh: DHN
2 tập đoàn lớn chuẩn bị rót hàng triệu USD vào chăn nuôi tại Đắk Nông
Phát biểu tại buổi làm việc qua màn hình trực tuyến, ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus châu Á cho biết, De Heus là Tập đoàn lâu đời của Hà Lan, có hơn 100 năm kinh nghiệm trong việc cung cấp các giải pháp tiên tiến về thức ăn chăn nuôi và dinh dưỡng động vật. De Heus hiện đang vận hành hơn 80 nhà máy hiện đại trên toàn cầu.
Riêng tại Việt Nam, De Heus sở hữu 9 nhà máy thức ăn chăn nuôi và là doanh nghiệp nằm trong top 2 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất tại Việt Nam.
 
Ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus châu Á cho biết, De Heus đang sở hữu 9 nhà máy thức ăn chăn nuôi và là doanh nghiệp nằm trong top 2 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất tại Việt Nam. Ảnh: DHN
Ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus châu Á cho biết, De Heus đang sở hữu 9 nhà máy thức ăn chăn nuôi và là doanh nghiệp nằm trong top 2 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất tại Việt Nam. Ảnh: DHN
Trong khi đó, ông Vũ Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn giới thiệu, Hùng Nhơn là doanh nghiệp có lịch sử hoạt động hơn 20 năm, có thế mạnh trong chăn nuôi quy mô lớn. Các trang trại của Tập đoàn Hùng Nhơn đều áp dụng công nghệ tiên tiến với quy trình khép kín từ con giống, thức ăn, đến chế biến giết mổ theo tiêu chuẩn ISO, GlobalGAP...
Hiện Tập đoàn Hùng Nhơn sở hữu 14 công ty thành viên và hệ thống chuỗi DHN với 1.000ha trang trại tại khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. 
Trong đó, các trại gà thịt cung cấp cho thị trường hơn 3 triệu con gà/năm. Hệ thống trang trại gà đẻ cung cấp hơn 130 triệu quả trứng/năm, các trang trại heo cụ kỵ, ông bà, cung cấp cho thị trường 14.000 heo bố mẹ và 375.000 heo thương phẩm mỗi năm.
Ông Hùng cho biết, với thế mạnh của mình trong lĩnh vực chăn nuôi, Tập đoàn De Heus và Hùng Nhơn đã hợp tác cùng nhau thành lập các chuỗi sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm sạch. Điển hình là 2 tập đoàn đã cùng các đối tác xây dựng Chuỗi liên kết sản xuất thịt gà sạch xuất khẩu sang Nhật Bản rất thành công. 
 
Ông Vũ Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: DHN
Ông Vũ Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: DHN
"Mặc dù nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều rủi ro, gặp nhiều khó khăn do dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết, dịch bệnh, song chúng tôi nhận định ngành chăn nuôi Việt Nam có nhiều dư địa phát triển. Tốc độ tăng trưởng của ngành này trong 10 năm qua luôn đạt từ 4-6%. 
Với chiến lược lâu dài và tầm nhìn khác biệt của Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn, chúng tôi đang cùng nhau phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng vùng an toàn dịch bệnh tại khu vực Tây Nguyên" - ông Hùng nói.
Cụ thể, tháng 05/2019, 2 tập đoàn bắt tay xây dựng Tổ hợp khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk, quy mô 200ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. 
Trong đó dự án trang trại heo giống cao sản Đăk Lăk đã hoàn thiện, với công suất chăn nuôi 2.400 con heo cụ kỵ và ông bà. Dự kiến ngày 4/10/2021 sẽ chính thức đi vào hoạt động.
"Đắk Nông cũng như khu vực Tây Nguyên có đất nông nghiệp rộng lớn, khí hậu thuận lợi, nguồn lao động dồi dào, rất thích hợp để phát triển chăn nuôi công nghệ cao. Vì thế cùng với dự án tại Đắk Lắk, Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn dự kiến sẽ tiếp tục hợp tác đầu tư xây dựng Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Nông" - ông Hùng nói.
Theo đó, dự án sẽ tập trung đầu tư sản xuất heo giống và heo nái; xây dựng nhà máy giết mổ tự động; sản xuất thức ăn chăn nuôi và phân bón theo hướng hữu cơ; hướng tới xuất khẩu sản phẩm ra khu vực Đông Nam Á và châu Á. 
"Để sản xuất chăn nuôi bền vững, việc đầu tiên chúng tôi ưu tiên đầu tư là tập trung mạnh vào bảo vệ môi trường, liên kết với người chăn nuôi. Trước đó, tại dự án ở Đắk Lắk, chúng tôi đã đầu tư 40 tỷ đồng để xây dựng hệ thống xử lí chất thải từ chăn nuôi" - ông Hùng nhấn mạnh. 
 
Đại diện lãnh đạo tỉnh Đắk Nông và đại diện doanh nghiệp tại buổi làm việc. Ảnh: DHN
Đại diện lãnh đạo tỉnh Đắk Nông và đại diện doanh nghiệp tại buổi làm việc. Ảnh: DHN
"Việc hợp tác đầu tư Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Nông sẽ giúp cho Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn hoàn thiện Chuỗi sản xuất, cung ứng chăn nuôi lợn khép kín giá trị cao. Qua đó, góp phần định hình Tây Nguyên trở thành Trung tâm cung cấp lợn giống và phát triển các mô hình chăn nuôi công nghệ cao hàng đầu khu vực Đông Nam Á và châu Á" - ông Gabor Fluit thông tin thêm.
Phát biểu tại buổi làm việc chiều nay, ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, tỉnh ủng hộ quan điểm đầu tư của Tập đoàn Hùng Nhơn và Tập đoàn De Heus tại Đắk Nông. Đồng thời sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. 
 
Ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông trao đổi với các doanh nghiệp tại buổi làm việc. Ảnh: DHN
Ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông trao đổi với các doanh nghiệp tại buổi làm việc. Ảnh: DHN
"Trong thời gian dịch bệnh khó khăn, song 2 tập đoàn vẫn quyết tâm đầu tư vào mảng chăn nuôi. Chúng tôi rất hoan nghênh. Hiện toàn tỉnh có khoảng 173 trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn, trong đó trang trại nhiều nhất là 6.000 con. Đắk Nông dự kiến đến năm 2022 đạt tổng đàn heo 250.000 con. Với tầm nhìn đó, chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dự án có quy mô dưới 100ha. 
"Chúng tôi đánh giá cao 2 tập đoàn đã chú trọng đầu tư ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu. Đặc biệt chúng tôi tâm đắc 2 vấn đề: Đảm bảo an toàn dịch bệnh và xử lí chất thải nhằm bảo vệ môi trường. Trong chăn nuôi đây là 2 điểm mấu chốt cần quan tâm" - ông Yên nói. 
Trước đó, Tập đoàn De Heus, Tập đoàn Hùng Nhơn cùng Công ty Belga (Vương quốc Bỉ) đã khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy ấp trứng Bel Gà Tây Ninh với tổng mức đầu tư 8,7 triệu đô la Mỹ tương đương 200 tỷ VNĐ, có công suất Giai đoạn 1: trên 19 triệu con gà giống một ngày tuổi/ năm. Giai đoạn 2 là 38,4 triệu con gà giống 1 ngày tuổi/năm.
Cùng với dự án tại Đắk Lắk, mới đây 2 tập đoàn đã được tỉnh Gia Lai chấp thuận đầu tư Dự án Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN tại huyện Chư Pứh. Quy mô dự án 100 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 1.030 tỷ đồng, dự kiến khởi công xây dựng vào tháng 10/2021.
Theo Thiên Hương (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm