Ia Pa: Bệnh trắng lá mía gây hại trên diện rộng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trên địa bàn huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã có 393 ha mía bị bệnh trắng lá. Thời tiết nắng nóng kèm theo mưa xen kẽ là môi trường thuận lợi để vi rút gây bệnh trắng lá mía bùng phát, làm giảm năng suất và thậm chí mất trắng.

Ông Nguyễn Văn Hùng (thôn Kim Năng, xã Ia Ma Rơn) buồn rầu khi ruộng mía bị bệnh trắng lá. Ảnh: Lê Nam
Ông Nguyễn Văn Hùng (thôn Kim Năng, xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) buồn rầu khi ruộng mía bị bệnh trắng lá. Ảnh: Lê Nam

Toàn huyện Ia Pa có 4.274 ha mía, trong đó có 1.638 ha trồng mới. Đến nay, 393 ha mía bị nhiễm bệnh trắng lá, trong đó có 45,8 ha đã được phòng trừ tiêu hủy nguồn bệnh, 347,2 ha đang nhiễm bệnh, tập trung tại các xã: Pờ Tó, Kim Tân, Chư Răng, Ia Ma Rơn. Bệnh trắng lá mía gây hại chủ yếu trên các giống như: KK3, Uthong 7, K95-84, K84-200.

Niên vụ 2021-2022, gia đình ông Trần Văn Tuấn (thôn Đồng Sơn, xã Kim Tân) có 5 ha mía nhưng khoảng 50-60% diện tích bị nhiễm bệnh trắng lá. “Tôi trồng mía cả chục năm nay nhưng vụ này là bị bệnh trắng lá gây hại nặng nhất. Vì công cày bỏ cao và cũng lỡ thời vụ nên không thay thế cây trồng khác được. Mỗi héc ta mía đầu tư khoảng 20-25 triệu đồng. Tiền giống, phân bón, cày đất được Nhà máy Đường Ayun Pa cho tạm ứng, giờ tôi chưa biết làm thế nào để trả nợ”-ông Tuấn buồn rầu nói.

Cách đó không xa là 6 ha mía của gia đình anh Trần Văn Tư (cùng thôn) trồng giống KK3 và K84-200 cũng bị bệnh trắng lá mía. Anh Tư cho hay: “Sau vài cơn mưa đầu mùa thì tôi bón phân cho ruộng mía. Ít ngày sau thì phát hiện bệnh trắng lá. Vợ chồng tôi ngày nào cũng phải ra ruộng để cuốc bỏ những bụi mía bị bệnh nhằm hạn chế lây lan. Bình quân mỗi héc ta phải mất 2-3 công cuốc bỏ cây bị bệnh nhưng cũng không hết được. Vụ mía năm nay, gia đình nào may mắn lắm thì hòa vốn đầu tư”.

Còn ông Nguyễn Văn Hùng (thôn Kim Năng, xã Ia Ma Rơn) đã phải cày bỏ 2 ha mía bị bệnh trắng lá để chuyển sang trồng mì. Ông Hùng có 3 ha mía. Thời gian đầu, mía phát triển bình thường nhưng khi có vài cơn mưa xuống là bệnh xuất hiện. Lúc đầu chỉ có vài bụi nhưng rồi cả 2 ha mía lưu gốc bị bệnh lan rộng đến khoảng 80% diện tích nên đành phải cày bỏ để trồng mì. Ông Hùng chia sẻ: “Cũng may là tôi phá mía nhiễm bệnh sớm để còn kịp trồng mì. Còn 1 ha mía trồng mới bị nhiễm nhẹ nên tôi để lại tiếp tục chăm sóc. Ước tính, vụ này thua lỗ hơn 20 triệu đồng/ha. Chúng tôi được Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai tạm ứng tiền đầu tư giống, phân bón, cày đất, chăm sóc đến lúc thu hoạch mới trả nợ. Giờ mía bị bệnh như thế này, chúng tôi cũng mong Công ty có chính sách hỗ trợ giúp vượt qua giai đoạn khó khăn này”.     

 Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện (bì trái) và cán bộ Trạm nông vụ của Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai kiểm tra mía bị bệnh. Ảnh: Lê Nam
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện (bìa trái) và cán bộ Trạm Nông vụ của Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai kiểm tra mía bị bệnh. Ảnh: Lê Nam


Trao đổi với P.V, ông Lê Văn Nguyên-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Pa-cho biết: Bệnh trắng lá mía xuất hiện trên địa bàn từ cuối năm 2013. Năm 2019, nhờ triển khai quyết liệt các biện pháp nên bệnh trắng lá mía đã được khống chế, không còn diện tích nhiễm trên đồng ruộng. Tuy nhiên, niên vụ này thì bệnh trắng lá mía lại xuất hiện.  

“Dự báo thời gian tới, bệnh trắng lá mía tiếp tục gây hại trên các diện tích đang bị nhiễm do mầm bệnh còn trên đồng ruộng. Khi gặp thời tiết nắng nóng kèm theo mưa xen kẽ thì bệnh trắng lá mía phát sinh gây hại. Để hạn chế bệnh trắng lá mía, người trồng nên thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và kịp thời tổ chức tiêu hủy nguồn bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn”-ông Nguyên cho hay.

Bệnh trắng lá mía hiện chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu. Do đó, các biện pháp phòng trừ chủ yếu là sử dụng giống sạch bệnh, kiểm dịch thực vật, tiêu hủy nguồn bệnh. Đối với diện tích mía bị nhiễm bệnh ở mức độ nhẹ (dưới 30%) và mức độ trung bình (30-60%) thì tiến hành đào bỏ, tiêu hủy triệt để các bụi mía bị nhiễm bệnh nặng; đồng thời, chăm sóc, bón phân cân đối, giúp cây phát triển tốt, vượt ngưỡng gây hại của bệnh. Còn diện tích bị nhiễm nặng (trên 60%) thì người dân nên cày bỏ, tiêu hủy toàn bộ và chuyển sang trồng cây khác gối vụ.

 LÊ NAM
 

Có thể bạn quan tâm

Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

(GLO)-   Gia Lai đang trải qua cao điểm nắng nóng gay gắt, thời điểm này dễ phát sinh  dịch bệnh động vật trong đó bệnh dại trên đàn chó, mèo là nỗi lo lớn nhất hiện nay.  Giải pháp đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin bệnh dại là ưu tiên của các địa phương hiện nay.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Năm nay, thời tiết khắc nghiệt quá, nắng nóng kéo dài khiến ao, hồ cạn trơ đáy. Ảnh: Gia Hưng

Gia Lai thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng

(GLO)-

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Tính đến ngày 24-4, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng, với 379,6 ha cây trồng các loại bị thiệt hại.