Lời khẳng định rõ ràng, đanh thép của Việt Nam về chủ quyền biển đảo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Được gia tộc họ Đặng (thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) nối tiếp nhau gìn giữ trong suốt 175 năm (từ 1834 đến 2009), văn bản cổ của dòng họ Đặng ở Lý Sơn là một tài liệu quý liên quan đến chủ quyền Việt Nam tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 2009, khi gia tộc họ Đặng Lý Sơn hiến tặng tài sản vô giá này cho Bộ Ngoại giao, tài liệu vẫn còn nguyên vẹn chữ Hán cổ bản gốc, được Bộ Ngoại giao đánh giá: “Đây không chỉ là một tài liệu cổ có giá trị lịch sử, văn hóa rất lớn mà còn có giá trị về mặt pháp lý, khoa học về chủ quyền quốc gia và đối ngoại, khẳng định rõ ràng chủ quyền biển Đông của Việt Nam”.

175 năm giữ gìn sắc lệnh

Qua sự giới thiệu của một đồng nghiệp, chúng tôi có cuộc gặp gỡ với ông Đặng Tấn Toàn (trú ở 510 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa)-là Trưởng tộc họ Đặng ở huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Ông Toàn là người hiện đang lưu giữ bản sao văn bản cổ của gia tộc mình-một tài liệu cổ về Hoàng Sa, vẫn được các nhà nghiên cứu lịch sử nhắc đến với tên gọi “Tờ lệnh Hoàng Sa”.

Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Toàn lộ rõ niềm tự hào: “Văn bản cổ của gia tộc họ Đặng ở Lý Sơn, chính xác hơn là bằng cấp đi Hoàng Sa thời vua Minh Mạng được giao cho cụ tổ 7 đời (cao tằng tổ khảo) của chúng tôi là Đặng Văn Siểm giữ lấy thi hành đã được các thế hệ cháu con của dòng họ Đặng chúng tôi nâng niu gìn giữ như một báu vật trong suốt 175 năm, từ năm 1834 đến năm 2009. Khi biết được giá trị của Tờ lệnh, gia tộc chúng tôi đã hiến tặng cho Bộ Ngoại giao bản chính, hiện chỉ còn lưu giữ lại bản sao để các thế hệ cháu con của dòng họ Đặng sau này được tận thấy sắc lệnh và thêm tự hào về dòng tộc mình”.
 

 Toàn văn Tờ lệnh Hoàng Sa. Ảnh: Tuệ Nguyên
Toàn văn Tờ lệnh Hoàng Sa. Ảnh: Tuệ Nguyên

Ông Toàn cho biết thêm, họ Đặng của ông là một gia tộc có tiếng ở đảo Lý Sơn về nền nếp, gia phong. Theo gia quy, đối với những vật dụng quý giá của dòng họ như gia phả, bằng cấp đi Hoàng Sa… luôn luôn được người trưởng họ cất giữ cẩn thận trong rương quý, thường định kỳ 30 năm mới có một lần mở ra cho cả họ cùng chiêm ngắm.

Hồi năm 1979, không hiểu thế nào mà có một người ở Hà Nội biết chuyện, tìm tới gia đình ông dò hỏi, muốn xem và muốn mua sắc lệnh với giá cao. Cha ông Toàn (ông Đặng Tôn-N.V) khi đó là trưởng họ đã tìm mọi lý do để từ chối, sau khi người khách đi khỏi thì đem cất giấu ở một nơi khác. Năm 2003, cha ông Toàn qua đời, sắc lệnh được giao cho ông Toàn cất giữ, đến năm 2009, khi đã đủ thời gian 30 năm, sau khi mở rương quý xem lại sắc lệnh, chợt nhớ đến câu chuyện xảy ra năm 1979, ông Toàn cũng như các trưởng bối trong dòng tộc rất muốn biết nội dung của sắc lệnh này nên đã bàn đến việc tìm người để dịch nghĩa.

“Lúc này tôi mới biết, văn bản cổ mà chúng tôi cất giữ bấy lâu nay lại là một trong những sắc lệnh của triều đình do quan Bố chánh và Án sát tỉnh Quảng Ngãi cùng đóng dấu triện, nội dung đề cập đến việc cử các ông Võ Văn Hùng, Đặng Văn Siểm và nhiều người khác đi thám sát vùng Hoàng Sa ngày 15 tháng 4 năm Minh Mệnh 15 (1834)"-ông Toàn nói. Trong sắc lệnh đã nêu rõ: “Nay thấy số dân thạo sông nước là bọn Đặng Văn Siểm có thể đảm nhận việc lái thuyền, xứng đáng được cấp bằng, hãy đi một chiếc thuyền dẫn dắt các thủy thủ theo các phái viên binh lính và Võ Văn Hùng cùng đến vùng Hoàng Sa thi hành công vụ. Chuyến đi biển này có tầm quan trọng đặc biệt cần phải dốc sức thực hiện cho thực sự ổn thỏa. Nếu sao nhãng sơ suất sẽ định trọng tội…”.

Tờ lệnh Hoàng Sa-tài liệu lịch sử vô giá

Qua ông Toàn, chúng tôi được biết, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ-Giám đốc Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi là một trong những người tham gia dịch và nghiên cứu về tờ lệnh Hoàng Sa. Trao đổi qua email, chúng tôi được ông Nguyễn Đăng Vũ cho biết: Căn cứ theo những trang ghi chép về sự kiện đi Hoàng Sa vào các năm 1834, 1835, 1836 ở các bộ chính sử của triều Nguyễn như Đại Nam thực lục, Quốc triều chính biên toát yếu, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ… thì chúng tôi thấy văn bản cổ của dòng họ Đặng là hoàn toàn trùng khớp với chính sử của nhà nước Việt Nam, từ thời gian, địa danh, số lượng biền binh, thủy quân, thủy thủ đến số lượng binh thuyền đi Hoàng Sa vào những năm ba mươi của thế kỷ XIX.

Không những chỉ trùng khớp với những trang ghi chép trong các bộ chính sử của Việt Nam, nội dung tờ lệnh Hoàng Sa còn trùng khớp với nhiều nguồn tài liệu, thư tịch có ghi chép khá kỹ lưỡng về hoạt động của đội Hoàng Sa-Trường Sa cũng như việc thực thi chủ quyền của Việt Nam tại 2 quần đảo này.

Như vậy, văn bản cổ mà dòng họ Đặng truyền đời gìn giữ trong suốt 175 năm, đến năm 2009 thì hiến tặng cho Bộ Ngoại giao đã giúp chúng ta xác lập thêm một số danh tính, bản quán của những người đi lính Hoàng Sa, đã cho chúng ta hiểu hơn về sự kiện đi Hoàng Sa hàng năm của những phái viên, biền binh, thủy thủ dưới thời vua Minh Mạng, đã bổ sung vào những trang ghi chép về chủ quyền của Việt Nam tại 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong các bộ chính sử.

Cũng theo ông Vũ, nhờ việc đi tìm cội nguồn của những người đi Hoàng Sa trong văn bản cổ của dòng họ Đặng, xác lập thông tin mà văn bản này có ghi chép so với chính sử, châu bản mà ông Vũ và cộng sự phát hiện thêm tên tuổi những cai đội khác, như: Nguyễn Văn Giai, Nguyễn Thụ ở phường An Vĩnh, Lý Sơn; Chánh Đội trưởng Thủy quân Nguyễn Văn Nhiễu ở An Mô châu, phủ Tư Nghĩa; Phó Vệ úy Thủy quân Nguyễn Văn Lân, ở tổng Bình Châu, huyện Bình Sơn… đều là những người đã từng gánh vác sứ mệnh thiêng liêng ở vùng biển Đông của Tổ quốc từ thời nhà Nguyễn.

“Từ những nghiên cứu kể trên, chúng tôi khẳng định: Việt Nam là một quốc gia có truyền thống về biển. Cộng đồng người Việt Nam đã có một tâm thức vươn ra biển, làm chủ biển, đảo từ rất sớm. Trong đó, lịch sử khai thác biển, đảo, đặc biệt là các đảo thuộc Hoàng Sa, Trường Sa và các giá trị, biểu tượng về văn hóa biển chính là những minh chứng cho ý thức và truyền thống đó”-ông Vũ đặc biệt nhấn mạnh.

Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam

 

Ông Toàn đang cho chúng tôi xem một phần văn bản cổ của Tờ lệnh Hoàng Sa do gia tộc mình gìn giữ suốt 175 năm. Ảnh: Tuệ Nguyên
Ông Toàn đang cho chúng tôi xem một phần văn bản cổ của Tờ lệnh Hoàng Sa do gia tộc mình gìn giữ suốt 175 năm. Ảnh: Tuệ Nguyên

Là một người con của dòng tộc họ Đặng hiện đang sinh sống trên đảo Lý Sơn, anh Đặng Tấn Thành-hiện đang công tác tại Huyện đoàn Lý Sơn biểu lộ rõ niềm vui khi biết mục đích của chúng tôi. Trao đổi qua điện thoại, anh Thành cho biết: “Tờ lệnh Hoàng Sa chính là một bằng chứng xác thực, một khẳng định hùng hồn, rằng Hoàng Sa, Trường Sa là hai quần đảo của Việt Nam.

...Ở đảo Lý Sơn, hàng năm tôi được tham dự nhiều lễ tục độc đáo như lễ khao lề thề lính Hoàng Sa, lễ cúng việc lề, đồng thời đã nghe kể những truyền thuyết, giai thoại, từ đó đã giúp tôi hiểu hơn về lịch sử hình thành của đảo Lý Sơn, đặc biệt là có thêm những hiểu biết về những người đi lính Hoàng Sa, Trường Sa thuở trước. Những ngày qua, trước vụ việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan HD-981 trái phép trên vùng biển Việt Nam, những người dân ở đảo Lý Sơn chúng tôi vô cùng bức xúc trước hành động ngang ngược này; tôi nghĩ Việt Nam ta cần đập tan dã tâm bành trướng này của Trung Quốc”.

Qua trao đổi điện thoại với một số người dân hiện đang sinh sống tại huyện đảo Lý Sơn, chúng tôi cũng nhận được những lời khẳng định chắc nịch: “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, “Cần lên án mạnh mẽ hành động ngang ngược của Trung Quốc”… Ngư dân Lê Cư (đội 4, thôn Tây, xã An Hải) cho biết thêm những thông tin đáng quý: “Cùng với việc tổ chức phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép, Nghiệp đoàn Nghề cá ở Lý Sơn vẫn tổ chức cho ngư dân ra khơi khai thác hải sản; mọi sinh hoạt của ngư dân vẫn diễn ra đều đặn như mọi khi. Ba đứa con trai tôi đều là ngư dân, thường xuyên khai thác cá tại vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Hiện con trai út là Lê Chánh vẫn còn đánh cá ngoài biển vùng gần đảo Hoàng Sa; đã hơn 10 ngày rồi chưa về nhưng con trai tôi gọi điện về báo các tàu vẫn đi đánh bắt bình thường, vì thế chúng tôi rất yên tâm…”.

Anh Trần Văn Ngọc-giáo viên Trường THCS An Vĩnh cho biết: “Nhà trường thường xuyên thông tin cho học sinh biết về tình hình của đảo Lý Sơn, tình hình biển Đông để các em hiểu. Đáng mừng là hầu hết học sinh trong trường đều bộc lộ những nhận thức đúng đắn về vụ việc này. Tôi thấy không chỉ Việt Nam mà dư luận các nước trên thế giới cũng đều kịch liệt lên án việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tôi cho rằng phía Trung Quốc cần sớm nhận ra hành động sai trái của mình và phải nhanh chóng rút giàn khoan, tàu, máy bay ra khỏi vùng biển của đất nước ta…”.

Tuệ Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Đối thoại để tạo đồng thuận xã hội

Đối thoại để tạo đồng thuận xã hội

(GLO)- Thời gian qua, việc tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với người dân đã được triển khai một cách hiệu quả. Đây là giải pháp hữu hiệu để nắm bắt và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong dân, từ đó tạo đồng thuận trong xã hội.
Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đặng Phan Chung tặng quà cho bà Nguyễn Thị Sự (dân công hỏa tuyến, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện). Ảnh: Vũ Chi

Thăm, tặng quà thân nhân, chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại các huyện Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa

(GLO)- Ngày 2-5, đoàn công tác do ông Đặng Phan Chung-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà gia đình thân nhân, chiến sĩ Điện Biên trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống tại các huyện Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa.