Cả xã xâm chiếm đất rừng?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 4.000 ha đất rẫy và đất xây dựng nhà ở của 840 hộ dân bị liệt vào diện xâm chiếm đất rừng dù họ đã sinh sống ở đây từ bao đời nay. Không những vậy, ngay cả diện tích đất xây dựng trụ sở, trường học, trạm y tế và các công trình phúc lợi của xã cũng là đất... xâm chiếm. Nghịch lý này đang xảy ra tại xã Hà Đông, huyện Đak Đoa.

Nghịch lý

Ông Nguyễn Hồng Việt-Phó Chủ tịch UBND xã Hà Đông bảo rằng: “Đầu năm nay, trụ sở UBND xã Hà Đông mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chứ mấy năm trước là xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp của Ban Quản lý Rừng phòng hộ (QLRPH) Đak Đoa đấy! Còn hiện giờ, nếu tính theo quy hoạch của tỉnh thì trạm y tế hay trụ sở cũ của UBND xã, trường học, nhà dân đều là đất lâm nghiệp hết! Tính sơ bộ, 840 hộ dân của xã không có hộ nào có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong tay. Chính vì vậy, nghiễm nhiên, toàn xã đã mang tiếng xâm chiếm trái phép đất lâm nghiệp, dù họ đã sinh sống ở đây từ bao đời...”. 

 

  Người dân xã Hà Đông đang canh tác trên đất lâm nghiệp. Ảnh: L.A
Người dân xã Hà Đông đang canh tác trên đất lâm nghiệp. Ảnh: L.A

Để hiểu rõ hơn về nghịch lý này, chúng tôi tìm đến Ban QLRPH Đak Đoa và được ông Hoàng Thi Thơ-Trưởng ban cho biết: “Hiện nay, theo quy hoạch, tại xã Hà Đông có khoảng 9.000 ha đất thuộc quản lý của Ban QLRPH Đak Đoa (đất lâm nghiệp không có rừng là hơn 6.400 ha). Sở dĩ có tình trạng này là từ những bất cập trong việc thực hiện công tác quy hoạch đất rừng vào năm 2008. Không hiểu vì lý do gì, việc quy hoạch đã đưa toàn bộ diện tích đất ở xã Hà Đông thành đất lâm nghiệp. Trong khi đó, xã Hà Đông là căn cứ địa cách mạng và người dân đã sinh sống, canh tác qua bao nhiêu đời ở đây. Qua công tác kiểm tra về tình trạng người dân canh tác trên đất lâm nghiệp mà chúng tôi được giao quản lý, họ đều tỏ ra rất ngạc nhiên bởi mảnh đất rẫy của họ đã được truyền qua đời ông, đời cha rồi. Năm 2009, khi tỉnh giao chúng tôi trồng 50 ha rừng tại lâm phần ở xã Hà Đông, trong quá trình triển khai thì người dân của xã phản đối. Họ khẳng định đó là đất rẫy cũ của họ. Chúng tôi phải linh hoạt trong công tác hỗ trợ cho người dân để giúp họ bớt khó khăn, nhưng cũng chỉ trồng được 21,5 ha rừng thôi”.

Cần sớm giải quyết

Do không có một quy hoạch rõ ràng và không bố trí được khu vực cấp đất sản xuất cho người dân nên trong những năm qua người dân tại xã Hà Đông vừa canh tác trên rẫy cũ vừa tìm cách ken, lấn vào diện tích đất đang có rừng thuộc lâm phần của Ban QLRPH Đak Đoa, kể cả vùng đệm của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Trong quá trình giải quyết, chính quyền xã Hà Đông cũng tỏ ra lúng túng, bởi vì diện tích nào cũng là đất lâm nghiệp. Cũng vì không được cấp đất sản xuất nên người dân vẫn giữ thói quen du canh, cứ xong mùa rẫy họ lại bỏ đất cũ qua tìm đất rẫy mới, sau 3-4 năm lại quay về mảnh đất cũ để canh tác. “Nhiều vụ tranh chấp đất giữa người dân làng này với dân làng khác nhưng xã cũng khó phân xử vì không có gì để chứng minh đó là đất rẫy của ai. Và khi nhắc nhở, xử lý người dân xâm chiếm đất lâm nghiệp thì gặp phản ứng khi họ cho rằng đó là đất rẫy cha, ông để lại”-ông Chiên-Chủ tịch UBND xã Hà Đông cho biết.

Trước thực tế trên, người dân ở xã Hà Đông đều mong muốn được sớm bố trí, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để họ yên tâm sinh sống và khi cần có thể vay vốn phục vụ sản xuất. Chị Giak (làng Kon Ma Har, xã Hà Đông) chia sẻ: “Giờ tôi chỉ mong Nhà nước cấp đất ổn định cho gia đình sản xuất, có đất rẫy mình mới yên tâm trồng cây mì, cây bời lời để tăng thu nhập được. Chứ bây giờ làm thì sợ bị nhắc nhở, thu hồi, mà không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi cần vốn sản xuất cũng không biết phải vay ở đâu...”.

Theo tính toán của chính quyền địa phương, với hơn 4.600 nhân khẩu, trong đó 99% là người Bahnar, xã Hà Đông cần khoảng 2.800 ha đất rẫy để bố trí cho bà con sản xuất, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, khi đã ổn định việc bố trí đất cho người dân, thì chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng mới có đủ cơ sở và không gặp khó trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và xử lý những vi phạm nếu có.

 Lê Anh

Có thể bạn quan tâm

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.
Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

(GLO)- Trong cuộc sống có rất nhiều người sinh ra và lớn lên khi không may bị khiếm khuyết một phần của cơ thể, dù vậy, họ không chấp nhận phó mặc cho số phận mà nỗ lực vươn lên và tỏa sáng giữa đời thường.