Ngang nhiên lấn chiếm đất rừng phòng hộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều năm nay, người dân ở xã Hải Yang, huyện Đak Đoa đua nhau lấn chiếm nhiều diện tích đất rừng phòng hộ, đất lâm nghiệp do ban quản lý Rừng phòng hộ Đak Đoa quản lý để trồng cây chanh dây, hồ tiêu. Các cấp chính quyền và đơn vị giữ rừng đều cho rằng, tình trạng lấn chiếm đất của người dân là rất khó ngăn chặn và xử lý.  

   Người dân lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng chanh dây. Ảnh: Nguyễn Nhật
Người dân lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng chanh dây. Ảnh: Nguyễn Nhật

Thời gian gần đây, do nhu cầu về đất sản xuất và hiệu quả kinh tế từ cây hồ tiêu, chanh dây đem lại, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Hải Yang đã tự ý lấn chiếm đất rừng phòng hộ để trồng chanh dây, hồ tiêu. Đi dọc tỉnh lộ 670 từ thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang) vào xã Hải Yang, có thể dễ dàng nhận thấy những mảng rừng phòng hộ đã bị người dân tại đây xâm lấn nghiêm trọng. Nhiều khu vực nương rẫy của người dân ăn sâu hẳn vào trong rừng phòng hộ. Đặc biệt, theo ghi nhận của chúng tôi tại tiểu khu 456, hoạt động xâm lấn đất rừng diễn ra công khai. Nhiều hộ gia đình có đất gần rừng phòng hộ ngang nhiên trồng cây chanh dây, hồ tiêu vào giữa rừng thông hơn 30 năm tuổi.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, để “hợp thức hóa” đất trái phép, có hộ đã giăng hàng rào thép gai xung quanh cây thông rồi trồng tiêu, chanh dây xen lẫn. Sau đó một thời gian, người dân chặt nửa gốc cho cây thông tự chết. Lúc này, đất rừng phòng hộ nghiễm nhiên trở thành đất nông nghiệp có chủ với lý do... khai hoang. Đã có hàng chục ha rừng phòng hộ bị lấn chiếm trái phép cho cây tiêu, cà phê, chanh dây “vô tư” chen chân, thế chỗ. Vườn rẫy của người dân càng mở rộng, rừng thông càng bị thu hẹp dần trước sự bất lực của chính quyền và đơn vị giữ rừng.  

Ông Nguyễn Văn T. (trú tại thôn 1, xã Hải Yang) bức xúc: “Cứ mỗi lần phát hiện người dân lấn chiếm, tôi lại báo chính quyền địa phương nhưng rồi đâu lại vào đấy. Mấy hôm họ còn đưa cả máy múc vào để đào bới, tôi báo họ mới bắt chứ cũng chẳng ai quan tâm”.

Về việc nhiều hộ gia đình sống gần khu vực rừng phòng hộ đã có những hành vi lấn chiếm, chặt phá rừng phòng hộ để lấy đất sản xuất, trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Thi Thơ-Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Đak Đoa cho biết: “Nói chung về vấn đề này thì nó còn một số bất cập cho nên mình nói dân lấn chiếm cũng không phải mà do bất cập trong công tác quy hoạch. Có nơi dân họ ở từ trước giải phóng đến giờ, tức là đã ổn định rồi, nhưng mà sau này mình mới khoanh trên bản đồ quy hoạch lại thành đất lâm nghiệp trong khi đó dân mình lại sản xuất nông nghiệp từ trước như vậy là không đúng mục đích”.

Ông Thơ cho biết thêm: “Việc người dân cơi nới, lấn chiếm đất sản xuất thì ở đâu cũng có chứ không phải riêng một vùng nào cả. Tất nhiên đó cũng là cái tồn tại rất khó xử lý vì khi người dân vào chặt cây hay ken cây thì rất khó bắt quả tang. Trong khi đó, việc xử lý chỉ dừng lại ở phạt hành chính và Ban Quản lý không có thẩm quyền xử lý cưỡng chế cũng như xử phạt mà phải thông qua các cơ quan chức năng”.

Ông Cao Văn Nông-Chủ tịch UBND xã Hải Yang cho biết: “Người dân lấn chiếm rừng đã có từ rất lâu. Việc này đã có đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh vào cuộc xử lý. Về phía xã cũng đã phối hợp kiểm tra xử lý, phạt vi phạm hành chính một số trường hợp, còn việc chế tài thì phải cần các cơ quan chức năng có thẩm quyền”.

Trao đổi vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Hương-Trưởng phòng Quản lý Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên-Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, Chi cục vẫn chưa nhận được báo cáo từ Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đak Đoa về việc người dân lấn chiếm rừng. Chi cục sẽ kiểm tra lại, nếu đúng sẽ có hình thức xử lý kịp thời.

Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đak Đoa hiện quản lý trên 18.000 ha nằm trải dài trên 5 xã, có chức năng phòng hộ đầu nguồn quan trọng cho khu vực xung quanh. Tuy nhiên, nếu tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất không được các cấp chính quyền và đơn vị giữ rừng xử lý dứt điểm thì nguy cơ đất rừng phòng hộ sẽ chỉ còn trên giấy.

Nguyễn Nhật

Có thể bạn quan tâm

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.
Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

(GLO)- “Cứ việc gì đem lại lợi ích cho bà con thì làm thôi”-một câu nói nhẹ tênh nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của ông Trần Đình Bông (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).
Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

(GLO)- Dù bãi rác thải cũ của huyện ở thôn 4 (xã An Thành) đã đóng cửa nhưng nhiều người dân vẫn lén lút đổ rác, gây ô nhiễm môi trường. Huyện Đak Pơ chỉ đạo phòng chức năng và các địa phương triển khai các giải pháp ngăn ngừa tình trạng đổ rác trái phép và cải tạo môi trường nơi đây.