Nỗi lo "thần chết" núp trong làng phế liệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hơn 4 giờ sáng 3-1, tiếng nổ vang trời làm rung chuyển làng Quan Độ, xã Văn Môn (huyện Yên Phong, Bắc Ninh), nơi được mệnh danh là “thủ phủ” buôn hàng phế liệu miền Bắc. Người dân ở khu vực cách xa hiện trường cả cây số cũng nghe thấy tiếng động lớn, rồi đầu đạn rơi xuống mái ngói như mưa đá.

Đầu đạn bay rào rào như mưa đá

Năm ngôi nhà mái ngói đổ sập và bị khoét thành hố sâu chừng 10m, rộng 10m. Hơn 10 nhà mái ngói xung quanh bị bay mất mái, sập tường, đầu đạn găm trúng, nứt toác.

 

Hiện trường vụ nổ tại làng Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Hiện trường vụ nổ tại làng Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Đất đá, gạch ngói và đầu đạn từ hiện trường bay rào rào, phủ khắp mái nhà, đường làng ngõ xóm trong bán kính 1 cây số. Nhiều đầu đạn xuyên qua mái ngói, cửa kính rơi vào nhà dân.

Anh Đặng Đình Cháp (46 tuổi), người làng Quan Độ chưa hết bàng hoàng trước sự việc vừa qua. Tay cầm những viên đạn vừa nhặt trước thềm nhà, anh thất thần: “Làng này chưa bao giờ xảy ra chuyện “động trời” như thế. Sau tiếng nổ rung chuyển là mưa đạn, mái nhà thủng lỗ chỗ.

Khoảng 1km quanh vụ nổ có nhiều nhà bị tốc mái, vỡ kính, rất nhiều đầu đạn súng trường văng khắp nơi, trường Mầm non Quan Độ hư hỏng nặng”.

Theo anh Đình Cháp, nhà bị nổ trước đây là khu vực thu mua phế liệu, giờ bỏ không, đã có 1 gia đình đến ở nhờ. Cách đây 10 năm, nhà này từng xảy ra vụ nổ, song quy mô nổ không lớn.

Anh Nguyễn Văn Lợi (29 tuổi, bố Nguyễn Mạnh Nam) bị đa chấn thương, dị vật găm ở gót chân. Sau khi cấp cứu ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh, anh Lợi đã tỉnh lại, song chưa hề biết vợ mình đang phải cấp cứu ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), con trai nhỏ không còn.

Ông Nguyễn Văn Lê (SN 1962, bố anh Lợi) đang tổ chức tang lễ cho cháu nội vừa thôi nôi. Theo người đàn ông này, cháu Nam sinh ngày 27.7.2016, vừa tổ chức lễ đầy năm. Do nhà nhỏ, không ở chung được nên con trai ông là anh Nguyễn Văn Lợi, con dâu - chị Nguyễn Thị Thắm cùng cháu nội chuyển đến căn nhà bị nổ ở nhờ.

 

Hiện trường vụ nổ.
Hiện trường vụ nổ.

“Căn nhà nhỏ vốn bình yên, không ai nghĩ lại xảy ra chuyện động trời như vậy”, ông Lê nghẹn ngào chia sẻ, đồng thời cho biết, hiện con trai đang nằm ở Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, con dâu nặng hơn được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Cả 2 người đều chưa biết cháu Nam đã tử vong.

Trong ngôi nhà đổ sập gần đó, em Đặng Thùy Trang (3 tuổi) cũng thiệt mạng. Bố em, anh Đặng Đình Tiến sau khi nhập viện sơ cứu, đã xin xuất viện để về lo hậu sự cho con gái duy nhất.

Thông tin từ người dân, vợ chồng anh Tiến cưới nhau từ năm 2005 nhưng hiếm muộn, 10 năm mới sinh được cháu Trang. Tình yêu thương, hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ đều dành cho “thiên thần nhỏ” của mình. Khó nhọc lắm mới có được đứa con đầu lòng nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, chỉ sau 1 đêm, con gái đã vĩnh viễn rời xa anh chị.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, hiện chủ kho phế liệu vụ nổ sáng nay (3.1) tại huyện Yên Phong được lực lượng chức năng mời lên làm việc, phục vụ công tác điều tra. Theo vị lãnh đạo này, hiện cơ quan chức năng đang khẩn trương vào cuộc khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ sự việc và xử lý hình sự. Chủ kho phế liệu đã được cơ quan điều tra mời lên để khai báo về sự việc.

Ông Nguyễn Văn Bang - Chủ tịch UBND huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) - cho biết, cơ quan công an đã xác định được danh tính chủ cơ sở phế liệu gây ra vụ nổ kinh hoàng tại thôn Quan Độ (Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh).

Theo đó, ông Nguyễn Văn Tạo (sinh năm 1973) là chủ nhà. Tuy nhiên, nhiều năm nay, anh Tạo không sinh sống, đã cho gia đình ông Nguyễn Văn Tiến (sinh năm 1964), cùng vợ là Nguyễn Thị Cảnh ở, lập cơ sở kinh doanh phế liệu. Sau khi vụ nổ xảy ra, cơ quan công an đã mời ông Tiến cùng vợ lên để làm việc, xem họ mua những thứ phế liệu ở đâu, xuất xứ, nguồn gốc ra sao, từ đó điều tra nguyên nhân vụ nổ.

 

Nạn nhân của vụ nổ đang được cấp cứu tại BV Việt Đức.
Nạn nhân của vụ nổ đang được cấp cứu tại BV Việt Đức.

Mẹ của bé 1 tuổi tử vong vẫn đang “thập tử nhất sinh”

Ngày 3.1, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã có công văn khẩn số 03/KCB-QLCL gửi Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh đề nghị tiếp nhận, cấp cứu, điều trị kịp thời người bị nạn trong vụ nổ kinh hoàng rạng sáng 3.1.

Th.BS Phạm Vũ Hùng - Khoa Phẫu thuật Nhiễm khu, Bệnh viện Việt Đức - cho biết: bệnh nhân Thắm chuyển lên từ Bắc Ninh đã gặp phải 1 tai nạn rất hy hữu. Chị Thắm được chuyển tới bệnh viện Việt Đức sau khi đã được sơ cứu ở tuyến dưới. Bệnh nhân được chẩn đoán vỡ xương chậu, vỡ vàng quang đã được truyền dịch và tiêm thuốc giảm đau.

Bác sĩ Hùng cho biết thêm: “Tiên lượng của bệnh nhân Thắm hiện tại rất dè dặt. Chúng tôi sẽ phải tiến hành mổ để xem các cơ quan khác tại ổ bụng có tổn thương gì không”.

Thực hiện chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh tiếp tục chỉ đạo sát sao các cơ sở y tế, các bệnh viện trực thuộc (Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện huyện Yên Phong…), phối hợp với các đơn vị liên quan, huy động các thầy thuốc giỏi, bảo đảm đủ thuốc, phương tiện cấp cứu, xử trí, cứu chữa người bị nạn, giảm tối thiểu số nạn nhân tử vong, thương tích.

Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh Tô Thị Mai Hoa cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo Sở Y tế cũng đã trực tiếp xuống xã Văn Môn, cùng với UBND huyện chỉ đạo triển khai các biện pháp sẵn sàng đáp ứng, cấp cứu và điều trị người bệnh. Sở cũng đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục theo dõi, tiếp nhận, cấp cứu, điều trị người bệnh.

 

Một đầu đạn tìm thấy tại hiện trường.
Một đầu đạn tìm thấy tại hiện trường.

“Tử thần” núp trong làng phế liệu - ai giám sát, quản lý

Sau vụ nổ kinh hoàng tại thôn Quan Độ khiến 6 người thương vong và 5 ngôi nhà bị sập, không ít người giật mình lo sợ về sự an toàn tại những điểm kinh doanh sắt vụn, phế liệu ngay tại khu dân cư.

Nhiều người cho rằng, buôn bán phế liệu là loại hình kinh doanh có điều kiện, các cơ sở này phải đảm bảo nhiều tiêu chí như có giấy phép kinh doanh, cam kết bảo vệ môi trường, hệ thống phòng, chống cháy, nổ đúng quy định... Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở đều hoạt động tự phát, phớt lờ việc đảm bảo các quy chuẩn trên.

Quan sát của phóng viên tại hiện trường, hầu hết các điểm thu mua phế liệu ở thôn Quan Độ đều “bỏ ngỏ” các biện pháp an toàn phòng, chống cháy nổ. Các bãi phế liệu tập kết đầy đường, hệ thống đường dây điện cũ kỹ, giăng mắc chằng chịt, tiềm ẩn nguy cơ chập cháy cao, nhất là khi được đặt gần các loại đồ nhựa, phế phẩm dễ cháy.

Chia sẻ với phóng viên, PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội, Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, đại biểu Quốc hội khóa 13 - cho hay, lực lượng chức năng sẽ xác định được vật liệu nổ gì, có nguồn gốc thế nào. Tuy nhiên, quan sát ban đầu có thể thấy, sức công phá của vật liệu nổ này rất lớn, gây ảnh hưởng rộng, nguy hiểm cho người dân, nhà cửa trong khu vực.

“Để xảy ra sự việc đau lòng này, cần phải xem xét trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền địa phương trong việc quản lý vật liệu nổ còn chứa trong dân, nhất là ở những hộ kinh doanh phế liệu. Chính quyền quản lý như vậy quá lỏng lẻo, gây bất an, hoang mang cho người dân. Qua vụ việc này cần xem xét, xử lý trách nhiệm một số cá nhân, tổ chức có nhiệm vụ quản lý vật liệu nổ” - bà An cho hay.

Cách đây gần 2 năm, một vụ nổ kinh hoàng khi người dân xử lý phế liệu là vật liệu nổ. Đó là vụ nổ tại KĐT Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) vào ngày 19.3.2016 khiến 4 người tử vong, 2 người khác bị thương nặng, 36 ngôi nhà lân cận bị hư hỏng nặng nề, thiệt hại về tài sản khá lớn.

Sau vụ nổ này, đại tá PGS-TS Ngô Văn Xiêm - nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Phòng cháy chữa cháy (PCCC) - nhận định: “Tất cả các chất nổ đều phải được quản lý chặt chẽ. Việc vận chuyển cũng phải được cấp giấy của cơ quan quản lý nhà nước, vận chuyển đi đâu, ít-nhiều, xe, người lái xe đều phải theo quy định, phải được thẩm duyệt. Nếu liên quan đến vận chuyển, buôn bán chất nổ trái phép đều bị xử lý hình sự. Muốn hủy chất nổ cũng phải được phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền. Kho chứa cũng là loại kho đặc biệt, thiết kế theo yêu cầu về an toàn cháy nổ”.

Ông Xiêm lưu ý, hiện nay, việc nhận biết các vật chứa chất nổ rất khó đối với người dân. Khi người dân phát hiện được 1 vật phía ngoài bị hoen gỉ, tưởng rằng đó là phế liệu, 1 cục sắt nhưng thực chất bên trong chứa chất nổ. Khi đưa đi bán, những người mua phế liệu, họ cũng không phân biệt được và đã đưa ra xử lý không đúng quy trình sẽ dẫn đến những tai nạn đáng tiếc. Để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra, chúng ta phải quản lý từ gốc. “Khi để thất thoát ra thị trường là cơ quan quản lý phải truy tìm ngay, nó đi đâu, về đâu, trên đường như thế nào... Hiện nay, cơ quan quản lý vẫn chưa làm hết trách nhiệm” - đại tá Xiêm nói.

Vụ nổ ở làng Quan Độ một lần nữa gióng lên hồi chuông về trách nhiệm của cơ quan quản lý cũng như thái độ của người dân tại các làng phế liệu có lưu giữ vật liệu nổ.

Cường Ngô-Thùy Linh/laodong

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.