Ông Bảy... biên phòng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Chú Bảy ơi...”. Chưa tới cửa căn nhà ba gian rợp bóng mát ở thôn An Hội 3 (xã Phổ An), các chiến sĩ biên phòng Phổ Quang (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) đã cất tiếng gọi.

Chưa có tiếng trả lời. Mấy anh lính trẻ tự xuống bếp lấy phích nước, mở tủ lấy trà bỏ vào ấm pha trà. Rồi một người đàn ông ngoài lục tuần xuất hiện với nụ cười đôn hậu: “Đây, đây... Mấy đứa ăn cơm chưa để chú nấu?”.

Đấy là ông Bảy - Nguyễn Văn Bảy, chủ nhà. Mấy mươi năm nay, các thế hệ lính biên phòng ở Phổ Quang đều coi ông như cha, như chú và coi căn nhà của ông là căn nhà thứ hai của lính biên phòng.

 

Ông Bảy trò chuyện cùng những sĩ quan Đồn biên phòng Phổ Quang sau chuyến tuần tra của các anh.
Ông Bảy trò chuyện cùng những sĩ quan Đồn biên phòng Phổ Quang sau chuyến tuần tra của các anh.

Ngôi nhà thứ hai của lính biển

Tháng 3, cửa biển Mỹ Á thưa bóng những con tàu neo đậu vì đang ở khơi xa. Tàu ra khơi thì các chiến sĩ biên phòng ở đồn bớt đi vài phần việc như tuần tra bảo vệ tàu cá của ngư dân, giảm lịch tuần tra kiểm soát người - tàu ra vào bến. Vơi bớt nhiệm vụ biển cũng là lúc các chiến sĩ đi vào xóm làng với những công tác.

Đợt này, thượng úy Lương Văn Vũ - đội trưởng đội vận động quần chúng và trung úy Phạm Thanh Tuấn - đội trưởng đội phòng chống ma túy và tội phạm - đi vào các khu dân cư, ghé vào khu chợ buôn bán đông đúc, ghé nhà ngư dân hỏi thăm tình hình đánh bắt của những người vừa trở về từ biển khơi...

Trời đã xế chiều. Cả hai rẽ vào một ngõ nhỏ ở thôn An Hội 3, đến nhà ông Nguyễn Văn Bảy (64 tuổi). Thượng úy Vũ bảo rằng nhiều năm qua, đây là ngôi nhà thứ hai của lính biên phòng.

“Với chúng tôi, chú Bảy như người cha vậy. Chú cũng là một trong những nguồn thông tin quần chúng quan trọng nhất của đồn” - thượng úy Vũ nói.

Trong căn nhà cấp bốn của ông Bảy, màu thời gian in hằn trên những lớp rêu phong bám quanh các bức tường. Ông Bảy bảo “nhà tui làm hơn 20 năm, đón lính cũng gần 20 năm”.

Hớp ngụm trà đậm, ông Bảy kể về những người lính từng công tác ở đồn biên phòng. Ông không nhớ hết những lần người lính biên phòng nơi đây ghé nhà mình, nhưng có những câu chuyện ông không quên được.

Như cách đây hơn 10 năm trong một chuyên án ma túy, sau một đêm trắng mật phục, các chiến sĩ Đồn biên phòng Phổ Quang đói lả, quần áo lấm lem khi vật lộn với đối tượng đã ghé nhà.

Ông Bảy nhớ lại: “Bữa đó cũng gần 2h sáng mới bắt được đối tượng, đứa nào cũng đói, ngồi thở hồng hộc. Tôi kêu vợ chế mì gói cho ăn tạm, rồi bắt con gà làm thịt nấu nồi cháo. Ăn xong thì trời gần sáng. Nghĩ mà thương, cũng vì bình yên của bà con nên mới khổ vậy”.

Năm tháng qua đi, tình cảm mà vợ chồng ông Bảy dành cho những người lính biên phòng vẫn dạt dào như biển cả. Người đàn ông xứ biển này hiểu rõ nỗi khổ của những người lính biên phòng. Bởi ông cũng từng là một người lính thời chống Mỹ cứu nước.

“Trong chiến tranh, chúng tôi được nhân dân cưu mang. Bây giờ không giúp đỡ bộ đội thì giúp ai nữa?” - ông Bảy cười hiền.

Đi đâu cũng nhớ chú Bảy

Trung úy Tuấn nghe ông Bảy tâm tình như chạm vào lòng mình. Hơn hai năm qua, gia đình ông Bảy xem trung úy Tuấn như con cháu. Tuấn quê ở ngoài Bắc, vào đồn Phổ Quang công tác, giữ trọng trách là đội trưởng đội phòng chống ma túy và tội phạm.

Nhiệm vụ quan trọng nên Tuấn ít có dịp về quê thăm gia đình. Nhớ nhà là điều khó tránh khỏi. Và nỗi nhớ ấy vơi đi phần nào khi những lần đi tuần tra địa bàn, trung úy Tuấn có được bữa cơm gia đình cùng với ông Bảy.

Trung úy Tuấn tâm sự: “Chú Bảy thương lính lắm. Có gì ngon lại mang ra đãi. Anh em không ăn là chú buồn lắm. Bản thân tôi cũng may mắn khi công tác xa nhà ngoài đơn vị tôi có thêm ngôi nhà thứ hai là gia đình chú Bảy. Sau này dù có chuyển công tác đi đâu cũng không thể nào quên được vợ chồng chú Bảy”.

Thượng tá Huỳnh Tiến Tới, chính trị viên Đồn biên phòng Phổ Quang, bảo rằng trong đời quân ngũ của mình đã công tác nhiều nơi, giữ nhiều nhiệm vụ, ở đâu dân cũng thương. Nhưng ông Bảy là người thương lính biên phòng nhất mà thượng tá Tới từng gặp.

Những đợt công tác đột xuất ở địa bàn Phổ An, lính biên phòng phải làm việc trong đêm. “Dù không báo trước nhưng khi xong nhiệm vụ, chúng tôi lại về nhà chú Bảy để nghỉ. Bất cứ nửa đêm hay gần sáng, chúng tôi đều được chào đón.

Không chỉ lo chỗ ngủ nghỉ mà cô Mùi (vợ ông Bảy) còn chuẩn bị đồ ăn để anh em lính về lúc nửa đêm có cái để lót bụng. Chúng tôi luôn ghi nhớ và biết ơn tình cảm và tấm lòng của gia đình chú Bảy” - thượng tá Tới chia sẻ.

Còn với ông Bảy, điều khiến ông vui và tự hào khi ngôi nhà của ông luôn là nơi mà những người lính biên phòng dừng chân mỗi khi về địa phương công tác.

“Có mấy đợt công tác dài ngày ở đây nhà tui cũng mở cửa đón hết. Ngủ nghỉ bao lâu cũng được. Chỉ mong mấy đứa hoàn thành tốt nhiệm vụ là vui rồi” - ông Bảy tâm sự.

Bao thế hệ người lính biên phòng ở đây mỗi khi nhắc đến gia đình ông Bảy đều thể hiện sự biết ơn, trân quý. Và nhiều chiến sĩ biên phòng khi đến nhà ông Bảy còn được nhắc nhở, động viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Những cán bộ trẻ, lại phụ trách công tác vận động quần chúng còn được ông Bảy chỉ dẫn về phong tục, tập quán, lễ hội, ma chay, cưới hỏi ở địa phương thông qua những buổi uống trà, trò chuyện hoặc bữa cơm gia đình. Nhờ vậy mà sâu sát cơ sở hơn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

“Chúng tôi mắc nợ những người dân như vợ chồng chú Bảy và luôn khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Để từ đó mỗi cán bộ, chiến sĩ của đơn vị phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của đơn vị, xây dựng tình đoàn kết quân dân, thế trận lòng dân vững chắc trong giai đoạn mới” - thượng tá Tới nói.

Theo tuoitre

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.