Ấm áp câu chuyện xóm giềng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, những câu chuyện cảm động về tình làng nghĩa xóm ở các chi hội Phụ nữ xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah) đã khiến bao người cảm thấy ấm lòng về sự sẻ chia “tối lửa tắt đèn có nhau”.

“Như sống trong một đại gia đình”

Vào một tối cuối tháng 8-2013, trong lúc ngang qua đường Phạm Văn Đồng (TP. Pleiku), em Thành (thôn 6, xã Nghĩa Hưng) bất ngờ bị một xe ô tô tông trực diện khiến chân gãy lìa 2 đoạn, dập xương mặt, bể bàng quang. Hay tin, gia đình nhanh chóng đến hiện trường nhưng Thành đã được người dân xung quanh đưa vào Bệnh viện Quân y 211 cấp cứu. Do vết thương quá nặng, Thành mất rất nhiều máu và để  phẫu thuật được, Thành cần một lượng máu khá lớn nhưng lúc bấy giờ bệnh viện không còn. Trong khi gia đình chưa biết xoay xở thế nào, nghe được tin, chị Nguyễn Thị Tâm-Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ thôn 6 (cùng xã) đã huy động hội viên phụ nữ, bà con trong thôn ai cùng nhóm máu với Thành thì trực tiếp đến bệnh viện cho máu, giúp Thành phẫu thuật thành công.

 

Hội viên phụ nữ thôn 5 giúp gia đình chị Ngân hái chè. Ảnh: Đ.Y
Hội viên phụ nữ thôn 5 giúp gia đình chị Ngân hái chè. Ảnh: Đ.Y

Không chỉ vậy, trong lúc bố mẹ Thành ngày đêm túc trực ở bệnh viện chăm con, các hội viên trong chi hội Phụ nữ lại bàn bạc giúp gia đình 32 ngày công để thu hoạch chè, chăm sóc cà phê, hồ tiêu. Ngày Thành xuất viện, 5 sào chè cũng được thu hoạch, vườn cà phê được làm sạch cỏ, tươi tốt. Chị Phạm Thị Lanh-mẹ Thành tâm sự: “Con tôi bị tai nạn giao thông rất nặng, nếu không có sự giúp đỡ kịp thời của bà con, chị em trong chi hội Phụ nữ thì không biết có thể vượt qua cơn nguy kịch không. Tôi thấy gia đình mình như đang sống trong một gia đình lớn, ở đó có sự thương yêu đùm bọc của mọi người. Trong lúc khó khăn nhất, bà con thôn xóm đã tự nguyện cho máu, giúp ngày công. Trước những tấm lòng, tình cảm cao đẹp ấy, vợ chồng tôi luôn biết ơn và trân trọng”.

Thời gian qua, cuộc sống gia đình chị Ngô Thị Ngân (thôn 5, xã Nghĩa Hưng) cũng gặp rất nhiều khó khăn do chị mắc bệnh ung thư tủy. Chồng mất sớm, chị Ngân tảo tần nuôi 3 người con khôn lớn. Giờ đây, bao nhiêu tiền bạc dành dụm được đều phải dành cho những đợt xạ trị. Thấu hiểu hoàn cảnh ấy, bà con hàng xóm và các hội viên trong chi hội Phụ nữ thôn 5 đã cùng nhau chung sức giúp chị. Với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, mọi người đã cùng nhau quyên góp, giúp chị Ngân được gần 10 triệu đồng để có thêm tiền điều trị. Hơn nữa, những ngày tháng chị nằm viện, công việc đồng áng đều được các hội viên trong chi hội làm giúp như phân công nhau thu hoạch 5 sào chè, nhiều chị còn vận động cả chồng cùng giúp phun thuốc, làm cỏ.

Bà Nguyễn Thị Hà-Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ thôn 5, cho biết: “4 tháng qua, các chị em trong chi hội đã giúp chị Ngân được 95 ngày công. Nếu tính mỗi công 130.000 đồng như hiện nay thì các chị đã giúp chị Ngân gần 13 triệu đồng. Hơn nữa, dù nhiều chị lâu nay chỉ quen chăm sóc cây cà phê, hồ tiêu, chưa biết hái chè nhưng vẫn nhiệt tình tham gia, còn vận động cả chồng cùng giúp đỡ. Chị Ngân cũng thấy ấm lòng, yên tâm điều trị vì ở nhà có các hội viên giúp đỡ chăm sóc việc đồng áng”.

Nghĩa tình thôn xóm

Xã Nghĩa Hưng hiện có 16 chi hội Phụ nữ. Đến nay, nguồn quỹ mà các chi hội Phụ nữ tự nguyện cùng nhau đóng góp được khoảng 500 triệu đồng. Nhờ có quỹ, nhiều phong trào nghĩa tình được các chi hội triển khai như: phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, hỗ trợ vốn không tính lãi. Bên cạnh đó, chị em còn thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm giữ gìn hạnh phúc gia đình, xây dựng tình làng nghĩa xóm bền chặt. Nhờ đó, tại các thôn, làng trên địa bàn xã ít xảy ra những chuyện xích mích.

Không chỉ chị em người Kinh mà các hội viên dân tộc thiểu số ở 5 làng trên địa bàn xã cũng nhiệt tình giúp nhau lúc khó khăn. Chị Rơ Châm Krin-Chi hội trưởng làng Bui, kể: “Trong làng có một trường hợp con bị mắc bệnh tim, đi phẫu thuật lần thứ 3 rồi mà vẫn chưa khỏi, cứ sốt liên tục. Vợ chồng họ phải thay nhau chăm sóc con tại bệnh viện. Ở nhà còn 2 con nhỏ đều nhờ cậy hội viên phụ nữ trong làng giúp đỡ. Ngoài ra, hàng ngày các hội viên còn phân công nhau đến chăm sóc, giúp ngày công chăm sóc 5 sào lúa nước, 5 sào cà phê”.

Bà Phạm Thị Thoa-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nghĩa Hưng, chia sẻ: “Giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn là nét đẹp từ ngàn xưa ông bà để lại. Trong những cuộc họp ở thôn, chị em thường nói với nhau, trước khi chờ sự giúp đỡ từ bên ngoài thì hàng xóm láng giềng phải tương trợ lẫn nhau, bởi trong hoạn nạn, khó khăn các chị em rất cần sự chia sẻ, động viên để vượt qua”. 

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.