Cô giáo trẻ nơi đất khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mặc dù là giáo viên mới vào nghề, nhưng bằng tình thương yêu học sinh, cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh (Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai) luôn được đồng nghiệp, học sinh tin yêu, quý trọng. 
Ngày cô Quỳnh nhận quyết định phân công về dạy tại điểm trường làng Đút thuộc Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái, bạn bè cô nửa đùa nửa thật: “Về Ia Lâu bắt châu chấu mà ăn”. Nghe vậy nhưng cô vẫn chưa hình dung ra những khó khăn của vùng đất này. Ngày đầu lên lớp, giấc mơ “cô giáo mặc áo dài trắng, các em học sinh với những bộ đồng phục gọn gàng, sạch sẽ”  bỗng tan biến. Trước mặt cô giáo trẻ là điểm trường đơn sơ, học trò chân đất, quần áo xộc xệch, lấm lem.
   Cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh và học sinh trong một giờ dạy.  Ảnh: Đ.D
Cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh và học sinh trong một giờ dạy. Ảnh: Đ.D
Trong lớp cô Quỳnh chủ nhiệm, Siu Tươi là học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất. Nhà Tươi có 3 anh em, mẹ em mất từ lúc em mới 5 tuổi. Buồn vì vợ mất, bố em suốt ngày uống rượu, Tươi và 2 đứa em phải ở với ông bà ngoại tuổi đã ngoài 70. Là anh cả nên Siu Tươi một buổi đi học, một buổi lên rẫy để phụ giúp ông bà. Thương học trò nghèo, cô Quỳnh đã dành dụm để mua cho Tươi quần áo, giày, dép cho tươm tất.
Có lần, cô Quỳnh đến nhà học trò vào bữa ăn tối và chứng kiến cảnh nhà có 5 người mà chỉ có mỗi nồi cơm nhỏ, thức ăn chỉ là ít mắm, muối, lá mì luộc. Đôi mắt cô giáo cay sè, những giọt nước mắt cứ trào ra. Sau nhiều đêm mất ngủ, cô lên kế hoạch mỗi tháng dành tiền để mua 20 kg gạo cho 3 anh em Siu Tươi. Nhờ vậy mà cả 3 đều được cắp sách tới trường. Mỗi buổi lên lớp, trong cặp sách của cô giáo trẻ ngoài giáo án bao giờ cũng có thêm cái kéo, cái lược, cây kim, cuộn chỉ để hớt tóc cho học sinh, đính lại những hàng nút bị đứt do các em mải chơi đùa.       
Tình cảm, sự gắn bó của cô giáo trẻ và các em học sinh trong lớp cứ lớn dần lên từng ngày. Học sinh đã đi học chuyên cần hơn. Nói về sự hỗ trợ của mình đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cô Quỳnh cho biết: “Thấy hoàn cảnh khó khăn của các em, tôi cũng như bao giáo viên khác nghĩ rằng mình phải có trách nhiệm quan tâm, đồng hành giúp các em vượt qua khó khăn, cho các em niềm tin vào cuộc sống, niềm tin vào tương lai”.
Được Ban Giám hiệu nhà trường động viên, khuyến khích, cô Quỳnh và các đồng nghiệp đã thành lập được Quỹ khuyến học. Ban đầu quỹ chỉ huy động sự đóng góp tự nguyện của giáo viên trong trường nên còn hạn chế, mỗi năm từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Những năm gần đây, tấm lòng yêu thương học sinh của giáo viên nhà trường đã lan tỏa tới cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân trong xã, nhờ vậy nguồn quỹ ngày càng lớn dần. Có những nhà giáo tận TP. Hồ Chí Minh cũng chung tay, góp sức để giúp học sinh nghèo nơi đây vượt khó. Nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng mà mỗi năm có tới hàng trăm học sinh có hoàn cảnh khó khăn của nhà trường được tặng xe đạp, sách vở và đồ dùng học tập. Em Hà Thị Diệp-lớp 4A3-cho biết: “Bố mẹ em bị bệnh nặng không thể lao động, nhà trường đã góp tiền, tặng học bổng để em có thể duy trì việc học. Em rất biết ơn các thầy cô”.
Thầy Lê Văn Hữu-Hiệu trưởng nhà trường-nhận xét: Từ việc làm của cô Nguyễn Thị Quỳnh, nhà trường đã vận động được rất nhiều cá nhân hảo tâm và các nhóm thiện nguyện hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ nguồn quỹ trên, mỗi năm nhà trường tổ chức được 2 đợt trao học bổng cho hàng trăm học sinh nghèo vượt khó, với số tiền khoảng 40 triệu đồng. Không chỉ giúp đỡ các em học sinh trong trường, Quỹ Khuyến học còn hỗ trợ thêm cho các em học sinh nghèo của các đơn vị trường học trên địa bàn xã.
Đỗ Doanh

Có thể bạn quan tâm

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.
Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

(GLO)- “Nếu Tin học là chỗ dựa cho phím đàn được thăng hoa thì âm nhạc lại giúp em xua tan đi những căng thẳng sau hàng giờ đắm chìm cùng ngôn ngữ lập trình”-em Nguyễn Đăng Khang (lớp 11C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ.

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

(GLO)-

Dù ít tham gia các hội thi, nhưng nhiều công nhân ở Đội sản xuất số 6, Công ty 74, Binh đoàn 15 vẫn thường gọi anh Ksor Mác là "bàn tay vàng" trong đơn vị. Bởi anh không chỉ có kỹ thuật cao trong cạo mủ cao su mà hằng năm anh đều vượt kế hoạch được giao.

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chưa ai ở vùng núi Tuyên Quang từng nghĩ 'rước' chè hoa vàng tự nhiên từ rừng về nhân giống trong vườn nhà. Thế mà chàng trai dân tộc Cao Lan Lương Tiến Trung (thôn Hàm Ếch, xã Thượng Ấm, H.Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) lại thành công hơn mong đợi từ ý nghĩ táo bạo này.
Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Hàng chục tập phim hoạt hình, mỗi tập thu hút hàng triệu lượt xem (views) chỉ sau hơn 1 năm thành lập kênh YouTube là thành quả đáng khích lệ với Phạm Thị Hoàng Hảo (sinh năm 1999) và Đặng Trọng Nhân (sinh năm 2000). 
Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Là thợ lái máy nhưng Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị và đạt thành tích cao tại các hội thi.
Khấm khá nhờ... rắn độc

Khấm khá nhờ... rắn độc

Nghe tin anh Phan Thanh Bình - ngụ huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng - quyết định nuôi và kinh doanh rắn hổ mang, nhiều người quen biết đã can ngăn vì lo ngại loài này có nọc độc nguy hiểm nhưng anh vẫn thản nhiên.
Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

(GLO)- Lớn lên bên căn bếp của bà ngoại, chị Nay H’Juh (làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) yêu vô cùng những món ăn của người Jrai. Năm 30 tuổi, chị mạnh dạn khởi nghiệp từ ẩm thực truyền thống của dân tộc.