(GLO)- Chiều 28-10, tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), 30 đồng nghiệp dân y chiến trường Gia Lai-Kon Tum đã có buổi gặp mặt thân tình. Ai cũng bồi hồi, xúc động, cùng nhau ôn lại kỷ niệm của một thời gian khổ nhưng mọi người đoàn kết, đồng lòng, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho các thương bệnh binh, góp phần vào công cuộc giải phóng đất nước.
Buổi gặp mặt thân tình do Công ty cổ phần xuất nhập khẩu y tế Gia Lai tổ chức. “Chúng tôi tổ chức chương trình với mong muốn để các đồng nghiệp dân y chiến trường Gia Lai-Kon Tum có cuộc hội ngộ, thăm lại chiến trường và ôn lại kỷ niệm xưa. Dịp này, công ty cũng tổ chức thăm khám sức khỏe tổng thể cho các cụ. Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa góp phần tri ân các gia đình chính sách, người có công với cách mạng”-ông Nguyễn Hoàng Bảo-Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu y tế Gia Lai chia sẻ.
Bác sĩ Phòng khám Đa khoa SYSMED Phù Đổng thăm khám, tư vấn và hướng dẫn trong việc chăm sóc sức khỏe cho các cựu dân y. Ảnh: Như Nguyện |
Biết thông tin có buổi gặp mặt, các cựu dân y đều cố gắng sắp xếp thời gian tham dự vì lẽ chắc phải lâu lắm nữa mọi người mới lại có dịp tề tựu đông đủ như hôm nay. Sau nhiều năm gặp lại, họ đều đã tóc điểm bạc da mồi, có người sức khỏe yếu đi lại khó khăn nhưng khi gặp lại nhau ai cũng quên hết mệt mỏi, nắm chặt tay, trao cho nhau những cái ôm chân tình, tha thiết, xúc động không nói nên lời.
Bà Nguyễn Thị Sáu-Ban liên lạc đồng nghiệp dân y chiến trường Gia Lai-Kon Tum xúc động nói: Tôi hiện ở Hà Nội nhưng khi biết thông tin có cuộc gặp này, tôi đã sắp xếp đến đây. Tham dự cuộc gặp mặt có 30 cựu dân y, vẫn còn thiếu nhiều lắm, vì giờ có người đã mất, người thì sức khỏe quá yếu không thể tham dự…“Sau rất nhiều năm, tôi mới được gặp lại mọi người, rất xúc động và chỉ biết ôm nhau nghẹn ngào. Cuộc gặp hôm nay, người trẻ nhất đã gần 70 tuổi, còn người lớn nhất cũng đã gần 90 tuổi. Hôm nay gặp rồi không biết bao giờ mọi được gặp lại. Mọi người cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa nơi chiến trường gian khổ, nơi đó chúng tôi đã gửi gắm thanh xuân và góp phần nhỏ vào công cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc”-bà Sáu thổ lộ.
Các đồng nghiệp dân y chiến trường Gia Lai-Kon Tum xúc động trong ngày gặp lại. Ảnh: Như Nguyện |
Đã gần 80 tuổi nhưng Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Hữu Nam-nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai vẫn còn nhớ như in những ngày ở chiến trường Khu 4 (nay là huyện Ia Grai). Ông Nam kể: Năm 1966, tôi đã có mặt tại chiến trường Khu 4 và nhận nhiệm vụ là Bệnh xá trưởng khu này. Trong thời chiến tranh chống Mỹ, Khu 4 là chiến trường ác liệt nhất, nơi đây là một trong những trọng điểm đánh phá của Mỹ-Ngụy, nhất là vùng ven Pleiku, nơi có rất nhiều đồn bốt của chúng. Giặc điên cuồng càn quét, bắn phá cả ngày lẫn đêm gây nên sự thương vong cho quân và dân ta và gây nhiều khó khăn trong công tác cứu chữa cho các thương bệnh binh.
Ông Nam hồi nhớ: Ngày ấy, những người làm công tác dân y cũng gian khổ không kém các chiến sĩ quân y. Chiến trường khốc liệt, mọi vật dụng trang thiết bị khám chữa bệnh, thuốc men…thiếu rất nhiều. Trong khi đó, thương bệnh binh hầu như ngày nào cũng có. Chúng tôi một bên cứu chữa cho thương bệnh binh, một bên lo giặc tập kích. “Có ngày chúng tôi phẫu thuật cho các chiến sĩ bị thương từ sáng sớm đến tối khuya. Điện không có, chúng tôi phải thắp nến để mổ. Bộ đồ mổ tôi mặc phẫu thuật 3 ca đầu là khô ráo còn sau đó phải cởi ra luộc tiệt trùng, vắt chưa kịp khô lại vội khoác lên người để cấp cứu cho bệnh nhân. Ngày đó, bệnh xá nằm ở trong núi rất lạnh lại thêm bộ đồ ẩm ướt khiến ai cũng co ro. Gian khổ là vậy nhưng chúng tôi cố gắng, nỗ lực, cứu chữa, phẫu thuật cho người bệnh. Phẫu thuật xong là lập tức chuyển các anh về vùng an toàn để điều dưỡng”-ông Nam kể.
Khu 4 và Khu 5 là một trong những chiến trường khốc liệt nhất trong kháng chiến chống Mỹ tại Gia Lai- Kon Tum, vì vậy bệnh xá trong khu vực này cũng là nơi mà giặc thường xuyên tập kích, đánh phá. “Trung bình một năm, bệnh xá Khu 4 bị giặc tập kích 3, 4 lần. Mỗi lần như vậy, chúng tôi chỉ kịp ôm bộ đồ mổ và chạy tìm nơi đóng bệnh xá mới. Trên đường đi, gặp dân và quân bị thương là mọi người dừng lại chữa trị, chữa xong lại lên đường. Có điều, dù một năm bệnh xá có vài lần chuyển địa điểm mới nhưng dân và quân ta rất nhạy, chúng tôi chuyển đi địa điểm nào thì hôm sau người dân vẫn tìm ra và đưa các chiến sĩ bị thương đến chữa”-ông Nam cho biết.
Theo Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Hữu Nam, nhiều bạn bè, đồng đội của ông đã hy sinh. Những người còn lại nay đều đã già, sức khỏe yếu nhưng vẫn cố gắng để đến tham dự. “Các đồng nghiệp dân y ở tại TP. Pleiku thỉnh thoảng có gặp nhau nhưng gặp gỡ đông đủ như hôm nay thì đây là lần đầu tiên. Vậy nên, mọi người ai cũng rưng rưng xúc động. Tôi mong muốn nếu có thể thì một năm tổ chức cuộc gặp như thế này một lần, được vậy thì quá quý”-ông Nam bộc bạch.
Bà Nguyễn Thị Tích (người đứng) là dân y trẻ tuổi nhất bồi hồi trong ngày gặp lại các cô, chú, anh chị đồng nghiệp dân y. Ảnh: Như Nguyện |
Là cựu dân y trẻ tuổi nhất, năm nay bà Nguyễn Thị Tích (phường Diên Hồng, TP. Pleiku) cũng đã 67 tuổi. Bà Tích cho biết: Năm 1969, khi đó bà mới 13 tuổi nhưng đã vào ở chiến trường Khu 7 (nay là huyện Kông Chro). Năm 1973, bà được gặp cô Sáu, chú Lý…giới thiệu cho đi học y tá và tham gia vào Ban Dân y. Sau ngày giải phóng, tôi về công tác trong ngành Y và năm 1993 thì về hưu. “Hôm nay gặp lại các cô, chú, anh chị, đồng nghiệp dân y…những kỷ niệm xưa lại ùa về. Khi ấy dù vô cùng khó khăn, gian khổ nhưng tất cả mọi người đều chung sức, đồng lòng, nỗ lực trong chăm sóc cứu chữa cho các thương bệnh binh. Nhiều người đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Cuộc hội ngộ này quá quý giá, giúp chúng tôi được gặp gỡ, ôn lai kỷ niệm một thời gian khổ khó quên. Xin cám ơn Công ty cổ phần xuất nhập khẩu y tế Gia Lai đã tổ chức chương trình ý nghĩa này”-bà Tích bày tỏ.
NHƯ NGUYỆN