Xây thành phố xanh mang bản sắc riêng ở Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng thành phố sinh thái - thông minh và bản sắc.

Ngày 17-8, ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, cho biết vừa có tờ trình về việc đề xuất dự án phát triển đô thị bền vững sử dụng vốn vay ODA theo Nghị quyết 72/2022/QH15 của Quốc hội. Theo đó, UBND thành phố đã đề xuất thực hiện 4 tiểu dự án gồm: Cải tạo hạ tầng kỹ thuật hành lang suối Ea Nao - Ea Tam, mở rộng hệ thống thoát nước mưa, nước thải giai đoạn 3, xây dựng đường vành đai phía Đông và đường vành đai phía Tây 2.

"Buôn trong phố, phố trong buôn"

Cùng với các dự án đang được triển khai, để bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng, TP Buôn Ma Thuột cũng đã có nghị quyết chuyên đề. Theo đó, thành phố đang tập trung đầu tư cho các buôn giữ gìn bản sắc văn hóa theo hướng "Buôn trong phố, phố trong buôn" mang đặc trưng riêng của TP Buôn Ma Thuột.

Theo đó, TP Buôn Ma Thuột tiếp tục đầu tư cho 33 buôn của thành phố nhằm giữ gìn không gian nhà dài, bến nước, văn hóa đặc trưng của dân tộc Ê Đê, phát huy bản sắc văn hóa. Thành phố kêu gọi tư nhân đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa phát triển du lịch cộng đồng để người dân hưởng lợi trực tiếp từ mô hình này. Các hoạt động trên nhằm tạo ra nét riêng của TP Buôn Ma Thuột, sự khác biệt so với đô thị khác trên địa bàn Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

Ông Trần Đức Nhật, Phó Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, cho biết bản sắc văn hóa trong kiến trúc đô thị chính là yếu tố để TP Buôn Ma Thuột làm nên nét đặc sắc của riêng mình. Do vậy, trong quy hoạch xây dựng và phát triển không gian thành phố, phải gắn với quy hoạch bảo tồn di sản kiến trúc và di sản thiên nhiên của đô thị. Đặc biệt là hệ thống các buôn, làng trong đô thị như: buôn Ako Dhông, buôn Kô Tam.

Cũng theo ông Nhật, thành phố cũng đang ưu tiên phát triển hệ thống giao thông xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải và sử dụng năng lượng tái tạo, cải thiện đổi mới và sử dụng đầy đủ công nghệ, kỹ thuật, vật liệu sạch, bền vững. Thành phố đưa tiêu chí xanh vào công tác thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị góp phần xây dựng Buôn Ma Thuột thành thành phố sinh thái - thông minh và bản sắc.

TP Buôn Ma Thuột có tỉ lệ cây xanh trên đầu người thuộc nhóm cao nhất cả nước.
TP Buôn Ma Thuột có tỉ lệ cây xanh trên đầu người thuộc nhóm cao nhất cả nước.
Suối Ea Tam chảy giữa lòng thành phố nhiều đoạn bị biến dạng bởi tình trạng xây dựng nhà ở, bờ kè, tường chắn lấn chiếm, sẽ được cải tạo, chỉnh trang.

Suối Ea Tam chảy giữa lòng thành phố nhiều đoạn bị biến dạng bởi tình trạng xây dựng nhà ở, bờ kè, tường chắn lấn chiếm, sẽ được cải tạo, chỉnh trang.

TP Buôn Ma Thuột tập trung mọi nguồn lực để xây dựng thành phố xanh - sinh thái - thông minh và bản sắc.
TP Buôn Ma Thuột tập trung mọi nguồn lực để xây dựng thành phố xanh - sinh thái - thông minh và bản sắc.

Tạo điểm nhấn từ các con suối

TP Buôn Ma Thuột hiện có 5 dòng suối chính, trong đó khu vực nội thành có các suối: Ea Tam, Ea Nao và Đốc Học. Các suối này có lưu vực nhỏ, tiết diện dòng chảy tương đối hẹp, cường độ dòng chảy lớn, mực nước thay đổi theo mùa.

Trong đó, suối Ea Nao với diện tích lưu vực tự nhiên khoảng 180 km2, bắt nguồn từ xã Ea Tu chảy qua các phường Tân Lập, Tân An, Ea Tam, Hòa Xuân và đổ vào sông Sê-rê-pốk đoạn xã Hòa Phú.

Cũng như suối Ea Nao, dòng suối Ea Tam do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa đã bị biến dạng ở nhiều đoạn. Dòng chảy của suối bị hạn chế bởi tình trạng xây dựng nhà ở, bờ kè, tường chắn lấn chiếm của người dân. Vào mùa mưa lũ hằng năm, nước suối dâng cao, dòng chảy gây ngập và gây sạt lở lớn, đặc biệt sạt mái ta-luy bờ nhiều đoạn đã làm cuốn trôi nhà, đất sản xuất của người dân và gây hư hỏng các công trình hạ tầng của thành phố.

Ông Trần Đức Nhật cho biết do đô thị hóa nhanh, tình trạng lấn chiếm hành lang suối Ea Nao và Ea Tam diễn ra thường xuyên nhưng khó kiểm soát vì không có tuyến đường tiếp cận, gây khó khăn trong công tác quản lý trật tự đô thị. Chất thải rắn và nước thải của các khu dân cư dọc hai bên suối đã xả thẳng xuống suối gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Để giải quyết các vấn đề nêu trên, việc xây dựng hạ tầng đô thị dọc suối Ea Nao - Ea Tam, bao gồm hệ thống kè chống sạt lở kết hợp đường đi bộ dọc hai bờ suối đối với chính quyền là vô cùng cần thiết và cấp bách. Đồng thời, thành phố kỳ vọng việc cải tạo dòng suối sẽ tạo ra các không gian sinh hoạt công cộng, cải thiện môi trường và mỹ quan đô thị cho khu vực dân cư hai bên suối nói riêng và khu vực trung tâm thành phố nói chung. Ngoài ra, thành phố cũng đặt mục tiêu phát triển đô thị khu vực thượng lưu hồ Ea Tam và đề xuất xây dựng thêm một số tuyến đường đô thị hai bên bờ suối.

"Thành phố dự kiến đầu tư xây dựng tuyến kè bảo vệ 2 bờ suối dài 8 km, kết hợp hệ thống đường đi bộ và cảnh quan, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3.800 tỉ đồng. Bên cạnh đó, UBND thành phố đang triển khai lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 kiến trúc cảnh quan suối Ea Tam - Ea Nao và khu vực dọc hai bên suối với quy mô hơn 180 ha. Quy hoạch chi tiết và xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị dọc hành lang suối Ea Tam quy mô hơn 54 ha" - ông Nhật cho hay.

Đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên

Để cụ thể hóa mục tiêu xây dựng, phát triển Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, UBND TP Buôn Ma Thuột đang ra sức đẩy nhanh thực hiện nghị quyết về kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, với tổng số 14 dự án hoa viên, công viên, tiểu hoa viên, cải tạo nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, cây xanh đường phố.

Ngoài ra, UBND thành phố đã thực hiện sử dụng đá tự nhiên để lát vỉa hè với hơn 7.600 m2 vỉa hè các tuyến phố trung tâm và một số khu vực hoa viên, công viên với diện tích khoảng 7.000 m2, tạo được điểm nhấn và góp phần chỉnh trang cho đô thị.

"Phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh dựa trên yếu tố bảo vệ môi trường, điều kiện tự nhiên và phát triển hệ sinh thái rừng, cây xanh đô thị, TP Buôn Ma Thuột cũng phấn đấu nâng diện tích đất cây xanh công cộng khu vực nội thị đến cuối nhiệm kỳ lên 9 m2/người" - ông Trần Đức Nhật khẳng định.

Có thể bạn quan tâm