Xây dựng Phú Quốc thành trung tâm du lịch sinh thái

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 

Phú Quốc được coi là “thiên đường du lịch” nơi vùng đất miền Tây Nam bộ. Đây là trung tâm du lịch có thị trường khách du lịch quốc tế tăng nhanh nhất trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Chiến lược phát triển ngành du lịch từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh Kiên Giang ưu tiên tập trung đầu tư phát triển đảo du lịch Phú Quốc thân thiện với môi trường, ngày càng hấp dẫn và thu hút du khách.

Mục tiêu năm 2015, đảo du lịch Phú Quốc đón 1-1,2 triệu lượt du khách/năm, trong đó khách quốc tế chiếm 35%, tổng doanh thu 209 triệu USD; năm 2020 đón 2 - 3 triệu lượt du khách/năm, trong đó khách quốc tế chiếm 40%, tổng doanh thu 771 triệu USD.

Lãnh đạo huyện Phú Quốc cho biết: Những sản phẩm du lịch chính được tập trung đầu tư ở "hòn đảo ngọc" này gồm: du lịch nghỉ dưỡng biển, thám hiểm, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa… Phú Quốc khai thác giá trị các bãi biển, đảo, đa dạng sinh học biển, hệ sinh thái rừng Vườn Quốc gia Phú Quốc; tài nguyên nhân văn, với các di tích lịch sử cách mạng, văn hóa gắn liền với cộng đồng cư dân trên đảo… để tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo phục vụ du khách trong và nước.

Huyện cũng xây dựng các khu du lịch sinh thái chất lượng cao tại Bãi Thơm, Gành Dầu, Rạch Tràm, Rạch Vẹm, Bãi Dài, Vũng Bầu, Cửa Cạn, Bãi Sao…, gắn với khôi phục những làng nghề truyền thống, dịch vụ giải trí và một số loại hình du lịch cảm giác mạnh…; xây dựng các khu du lịch hỗn hợp tại Bãi Vòng, Vịnh Đầm… kết hợp phát triển những dịch vụ đa năng, dịch vụ tiêu chuẩn cao; xây dựng các tuyến du lịch trên đảo nối các điểm tham quan và nghỉ dưỡng; tuyến du lịch tham quan và thực hiện các dịch vụ trên biển và các đảo; tuyến du lịch liên vùng trong khu vực, trong đó có các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Phú Quốc khai thác mạnh thị trường khách du lịch nội địa, chú trọng các đô thị lớn trong nước và đồng bằng sông Cửu Long; mở rộng thị trường quốc tế, nhất là tập trung vào các thị trường có khả năng chi trả cao như: Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Tây Âu và ASEAN. Phát triển du lịch đảo Phú Quốc đặt trong mối quan hệ đảm bảo an ninh, quốc phòng, giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia, đồng thời bảo vệ tài nguyên môi trường bền vững và thân thiện.

Từ nay đến năm 2015, Phú Quốc tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, các dịch vụ du lịch như: nhà hàng, khách sạn, vui chơi, giải trí tại Dương Đông, An Thới, Bãi Dài, Cửa Cạn…, chú trọng các cơ sở lưu trú và dịch vụ bổ sung phục vụ khách du lịch quốc tế. Giai đoạn 2016-2020, huyện tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật du lịch theo hướng hiện đại hóa, chất lượng cao. Sau năm 2020 trở đi, phấn đấu xây dựng đảo Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế, với trung tâm du lịch sinh thái cao, thân thiện môi trường và có sức cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Tỉnh Kiên Giang tập trung huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, các dịch vụ du lịch và bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch đảo Phú Quốc. Tỉnh hình thành cơ chế huy động vốn thích hợp để thu hút và tạo ra những nguồn vốn đầu tư phát triển các hoạt động kinh doanh du lịch như: vốn tích lũy của doanh nghiệp; vốn vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi để thực hiện các dự án đầu tư vào các vùng, tiểu vùng còn hoang sơ, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, những lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch còn mới; thu hút nguồn vốn đầu tư trong nước, trong dân; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài; vốn đầu tư 100% nước ngoài, vốn ODA và những nguồn vốn khác.

Đảo Phú Quốc có diện tích 573km2, chiều dài 50km, nơi rộng nhất ở phía bắc đảo 25km, có nhiều bãi biển đẹp trải dài từ phía bắc đến phía nam với 99 ngọn núi và dãy rừng nguyên sinh trùng điệp một màu xanh ngút mắt. Tất cả đã tạo cho "hòn đảo ngọc" này bức tranh “sơn thủy hữu tình”, tiềm năng du lịch dồi dào, phong phú hấp dẫn du khách thập phương.

Những năm qua, tỉnh Kiên Giang đầu tư xây dựng hệ thống nhà hàng, khách sạn khá sang trọng, với khoảng 1.800 phòng đủ tiện nghi sinh hoạt phục vụ du khách tham quan, du lịch Phú Quốc, đồng thời mời gọi và thu hút nhiều dự án đầu tư phát triển du lịch; đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng phát triển hệ thống giao thông đường bộ kết nối trung tâm huyện đảo Phú Quốc với các điểm du lịch. Hệ thống đường biển, đường hàng không nối đảo Phú Quốc với đất liền cũng được đầu tư nâng cấp đảm bảo vận chuyển hành khách an toàn, thuận lợi.

 

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.