Vươn lên làm giàu nhờ đổi mới tư duy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ đổi mới tư duy, gia đình chị H'Thoi (làng Biă Tih, xã Adơk, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi, vươn lên làm giàu với mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Ngoài ra, các sản phẩm đan móc len do chị tự làm cũng được thị trường ưa chuộng.

Làm giàu từ trồng trọt, chăn nuôi

Kết hôn năm 2011, vợ chồng chị H'Thoi được bố mẹ cho 2 ha cà phê đang kinh doanh và 1 ha đất trồng lúa. Để nâng cao năng suất cà phê, vợ chồng chị đã chủ động tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do địa phương tổ chức và học hỏi kinh nghiệm từ những hộ sản xuất giỏi rồi áp dụng vào vườn cây của gia đình.

“Từ việc tưới nước, bón phân, tỉa chồi, cắt cành… vợ chồng mình đều thực hiện theo hướng dẫn. Cà phê sau khi thu hoạch, vợ chồng mình phơi khô, xay xát để bán nhân, còn vỏ thì giữ lại để ủ với phân chuồng cho hoai mục để bón cho vườn cây. Cách làm này giúp gia đình tiết kiệm chi phí đầu tư, vườn cà phê lại phát triển xanh tốt”-chị H'Thoi cho hay.

Gia đình chị H'Thoi đang canh tác 2 ha cây cà phê. Ảnh: P.D

Gia đình chị H'Thoi đang canh tác 2 ha cây cà phê. Ảnh: P.D

Năm 2023, với 1,4 ha cà phê đang kinh doanh, gia đình chị thu được hơn 6 tấn nhân. Còn với 6 sào cà phê tái canh, vợ chồng chị tận dụng trồng xen 300 cây chanh dây để tăng thu nhập. Ngoài ra, với 1 ha lúa, gia đình chị không chỉ đủ ăn mà mỗi vụ còn có thêm nguồn thu gần 20 triệu đồng.

Vài năm trở lại đây, vợ chồng chị còn đầu tư xây dựng thêm chuồng để nuôi heo nái.

“Trước đây, mình nuôi 2 con heo nái. Mỗi lứa, heo sinh sản 10-13 con, mình để lại nuôi và bán heo thịt. Tuy nhiên, mình nhận thấy nuôi heo thịt khá bấp bênh, có thời điểm còn lỗ vốn nên quyết định chuyển sang bán heo giống. Hiện gia đình có 5 con heo nái. Khi heo đẻ, mình bán heo giống cho người dân trong làng và vùng phụ cận với giá 700-800 ngàn đồng/con”-chị H'Thoi thông tin.

Sáng tạo với sản phẩm đan móc len

Đặc biệt yêu thích những sản phẩm được làm từ len nên mỗi khi có thời gian rảnh, chị H'Thoi lại lướt mạng xã hội tìm xem các video clip hướng dẫn cách móc len. Chị học cách làm rồi mua len về móc thử. Sản phẩm đầu tiên chị móc là chiếc mũ len cho con gái 2 tuổi.

Hơn 1 tháng kiên trì móc thử, rồi lại tháo gỡ vì khoảng cách giữa các mũi móc chưa cân xứng thì sản phẩm đầu tay cũng hoàn thành. Được các thành viên trong nhà động viên, chị tiếp tục học và làm theo nhiều mẫu sản phẩm khác như: túi xách, ví cầm tay, váy áo, gấu bông, quai dép…

Kỹ năng, thao tác trở nên thuần thục nên thời gian để chị hoàn thành các sản phẩm cũng được rút ngắn. Người dân trong làng tận thấy những sản phẩm do chị làm ra xinh xắn lại thông dụng nên chủ động tìm đến đặt hàng.

Chị cũng mạnh dạn đăng tải hình ảnh sản phẩm lên trang Facebook cá nhân để giới thiệu, quảng bá. “Tiếng lành đồn xa”, chị nhận được nhiều đơn đặt hàng của khách với mẫu mã phong phú, đa dạng.

Chị H'Thoi tự đan móc những bông hoa bằng len để trang trí phòng khách của gia đình. Ảnh: P.D

Chị H'Thoi tự đan móc những bông hoa bằng len để trang trí phòng khách của gia đình. Ảnh: P.D

“Thời gian đầu, các đơn hàng chủ yếu là túi xách, mũ len, còn hiện tại thì tập trung đan móc quai dép. Mình nhận đơn hàng từ Hợp tác xã Nông nghiệp và dệt thổ cẩm Glar (huyện Đak Đoa), có tháng 10 đôi, có tháng 5 đôi. Khách thích quai dép bằng thổ cẩm, có hoa văn độc đáo nên đặt hàng Hợp tác xã.

Mình cung cấp đế dép và hoàn thiện việc đan móc quai dép theo yêu cầu. Đế dép cứng nên mỗi ngày mình chỉ có thể làm tối đa 3 đôi. Mỗi đôi có giá 200 ngàn đồng, trong đó, tiền đế dép là 90 ngàn đồng, còn lại là tiền công và tiền mua nguyên vật liệu”-chị H'Thoi bộc bạch.

Ngoài làm theo đơn đặt hàng, thời gian gần đây, chị H'Thoi còn tìm hiểu và đan móc cánh hoa hướng dương, hoa tulip, hoa lan, hoa ly tạo thành các bó hoa, bình hoa xinh xắn, nhiều màu sắc trang trí từng góc nhỏ trong nhà.

Ngồi cạnh bên say sưa nhìn mẹ đan móc con gấu bông để tặng sinh nhật tuổi lên 7, cô con gái H'That hồ hởi: “Con gấu bông này mẹ làm đẹp và to hơn con lúc trước nên em rất thích! Sau này, em cũng muốn học theo mẹ để biết làm nhiều thứ”. Được làm việc mà bản thân yêu thích, lại có thêm nguồn thu nhập 2-3 triệu đồng/tháng nên chị H'Thoi luôn cố gắng sắp xếp thời gian để thực hiện.

Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Hoài Thu-Phó Chủ tịch UBND xã Adơk-nhận xét: Chị H'Thoi là tấm gương điển hình để phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn học hỏi, làm theo. Trong phát triển kinh tế, chị đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Gia đình chị là một trong những hộ sản xuất kinh doanh giỏi của xã với thu nhập 300-400 triệu đồng/năm.

Yêu thích công việc đan móc len, chị đã chủ động tìm học và không ngừng sáng tạo trên từng sản phẩm. Nhiều sản phẩm do chị làm ra được người tiêu dùng ưa chuộng.

Có thể bạn quan tâm

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Lê Văn Vũ (19 tuổi) là người đứng sau loạt phim hoạt hình triệu view, như Chàng trai bất tử (11,2 triệu lượt xem), Yêu em trong mơ (1,8 triệu lượt xem), series Tây Du Ký gen Z (7,6 triệu lượt xem)... Nhờ công việc này, Vũ đã có thêm thu nhập ổn định từ khi còn là học sinh.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…