Vun trồng, xây dựng thành phố yêu thương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh Gia Lai nên công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, làm cho TP. Pleiku phát triển toàn diện được đẩy mạnh. Đến nay, 100% thôn, làng của thành phố đều có đường nhựa tới nơi; 100% đường chính trong khu trung tâm thành phố được đầu tư khá hoàn chỉnh và đồng bộ...

Là người sống ở TP. Pleiku gần 25 năm nhưng mãi đến khi đường Hùng Vương (đoạn từ ngã ba Diệp Kính đến cầu Hội Phú) máy cưa, máy xúc, máy đào ầm ĩ triển khai thi công mở rộng lòng đường, đi lại khó khăn tôi mới đi hết đường Bà Triệu. Lúc nhà thầu, cơ quan chức năng “rào chắn” dải phân cách, phân luồng, phân làn để lấy mặt bằng thi công, tôi rất bực. Bực là vì đoạn đường này vốn dĩ quá tải, ngày thường xe cộ đã đông đúc, thời điểm giáp Tết lại càng đông đúc, vất vả. Bực còn vì lý do: thi công lúc nào chả được, sao lại lúc này? Có đặt mình vào hoàn cảnh của những cơ sở kinh doanh mặt tiền đoạn đường này mới hiểu vì sao. Thời buổi khó khăn, trông chờ dịp lễ Tết thì bây giờ lại đóng cửa, ngồi… chơi !  

Ngã ba Diệp Kính (TP. Pleiku). Ảnh: Văn Ngọc
Ngã ba Diệp Kính (TP. Pleiku). Ảnh: Văn Ngọc

Nói thật trước đây, những con đường như: Bà Triệu, Nguyễn Đình Chiểu, Nay Der, Thống Nhất (đoạn dốc Lò Bò bây giờ)… mấy ai biết tới. Vì nó nhỏ hẹp, dốc cao, lở lói, cây cỏ, rác rưởi um tùm. Ngại, sợ khi phải qua những đoạn đường này là tâm lý có thật. Dĩ nhiên sau mấy chục năm tình hình đã đổi khác. Hiểu điều đó nhưng tâm lý xưa chưa dễ xóa nhòa. Chỉ khi vì đoạn đường quen thuộc đang thi công, buộc phải “né” sang Bà Triệu, tôi mới đi hết một con đường vốn chỉ vài trăm mét nằm trọn trong lòng thành phố. Lòng đường khá rộng, lề đường thảm xi măng, ít xe cộ, ít người, hành trình từ trong Nguyễn Viết Xuân đến Trường THPT Pleiku, đường Tô Vĩnh Diện mới thuận lợi và gần hơn rất nhiều nếu so với hành trình quen thuộc: Nguyễn Viết Xuân-Hùng Vương-Lê Lợi-Cách Mạng Tháng Tám-Phan Đình Giót-Tô Vĩnh Diện.

Thực ra, bao quát dài dòng như vậy cũng chính là để nói đến công cuộc quy hoạch, thực hiện quy hoạch, chỉnh trang đô thị kéo dài trong suốt nhiều năm liền để có một diện mạo Pleiku khá khang trang, bài bản như ngày hôm nay. Đây là điều chẳng có gì phải bàn cãi, dẫu từ quy hoạch tổng thể đến quy hoạch từng ngành, lĩnh vực, Pleiku còn phải nỗ lực nhiều hơn mới hoàn thiện, hoàn chỉnh. Thực tế kết quả đạt được của nhiệm vụ chỉnh trang đô thị TP. Pleiku là rất lớn, rất đáng ghi nhận và trân trọng. Yêu cầu, mong muốn, đòi hỏi bao giờ cũng cao hơn thực tế có được, nhưng có “dừng” lại chiêm ngẫm, lắng đọng mới thấy hết sự nỗ lực, quyết tâm cùng ý nghĩa mà thành quả mang lại.

Là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh nên công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, làm cho TP. Pleiku phát triển toàn diện được đẩy mạnh. Đến nay, 100% thôn, làng của thành phố đều có đường nhựa tới nơi; 100% đường chính trong khu trung tâm thành phố được đầu tư khá hoàn chỉnh và đồng bộ; 100% hộ dân được dùng điện, nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh; hệ thống thông tin liên lạc được mở rộng; các khu-cụm công nghiệp được đầu tư xây dựng; hệ thống dịch vụ phát triển đáp ứng tốt các hoạt động kinh tế và xã hội; hệ thống vỉa hè, cây xanh, thảm cỏ, điện chiếu sáng và trang trí được quan tâm đầu tư tương xứng. Công tác xây dựng hệ thống chính trị, đảm bảo quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội được chú trọng. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao, chương trình xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh. Để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, cùng với nhiệm vụ quy hoạch, thành phố đã có Nghị quyết 05 năm 2011 đầu tư, chỉnh trang hệ thống công trình hạ tầng đô thị. Huy động bằng nhiều nguồn lực, đến nay bộ mặt của thành phố trở nên khang trang, quy củ và hiện đại lên trông thấy.

Bây giờ ra đường Nguyễn Tất Thành hay phía Bắc thành phố, tôi chọn đường Bà Triệu. Sáng nay trên đường về thấy nhà thầu xây dựng kè chống sạt lở suối Hội Phú tập trung phương tiện, máy móc, thiết bị chuẩn bị thi công trở lại sau thời gian nghỉ Tết. Mấy chiếc máy xúc xì khói giơ gàu huơ huơ múc đất. Những phần việc dở dang năm rồi bây giờ tiếp tục gấp gáp, khẩn trương. Bởi kết thúc năm trước, dự án này được bố trí kế hoạch vốn 30 tỷ đồng nhưng giải ngân chỉ đạt 0,13%. Quá lâu để từ chủ trương, dự án mới được triển khai trong hiện thực. Liên danh Công ty TNHH Xây dựng Thuận Nguyên-Công ty cổ phần LICOGI 16 (LICOGI 16)-Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Thịnh Hoàng đã ký kết hợp đồng thi công xây lắp gói thầu đầu tiên.

Đó là một trong rất nhiều nhiệm vụ đặt ra trong năm 2016 của thành phố. Như ngoài tập trung xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt 10,21%, kim ngạch xuất khẩu 300 triệu USD, thu ngân sách nhà nước theo phân cấp 603 tỷ đồng trở lên, thu nhập bình quân đầu người 45,2 triệu đồng trở lên, tỷ lệ hộ nghèo dưới 4%, hoàn chỉnh đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy chế quản lý quy hoạch-kiến trúc địa bàn để trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và dự án đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó có dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú...

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm