Ngành du lịch đã tiếp tục phát động chương trình kích cầu nội địa lần 2, đề cao yếu tố an toàn, hấp dẫn, nhằm “vực dậy” ngành du lịch trong mùa cuối năm 2020.
|
Nhiều hoạt động hấp dẫn để thu hút khách du lịch được Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội tiến hành dịp Tết Trung Thu (Nguồn: TTXVN) |
Đến thời điểm này, du lịch toàn cầu, trong đó có Việt Nam đã phải hứng chịu nhiều hậu quả nặng nề do đại dịch COVID-19.
Để sớm phục hồi, ngành du lịch đã tiếp tục phát động chương trình kích cầu nội địa lần 2, đề cao yếu tố an toàn, hấp dẫn, nhằm “vực dậy” ngành du lịch trong mùa cuối năm 2020.
Các chuyên gia cho rằng kích cầu lần này không thể chỉ tiến hành các hoạt động như bình thường mà còn cần các biện pháp lâu dài để đảm bảo thích nghi ngay, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại nếu dịch bệnh quay trở lại...
Du khách coi trọng yếu tố an toàn
Theo đánh giá của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du lịch nội địa sẽ phục hồi nhanh hơn du lịch quốc tế, tạo cơ hội tốt cho các nước phục hồi kinh tế-xã hội sau đại dịch COVID-19.
UNWTO cũng khuyến khích các quốc gia tập trung chiến lược tiếp thị, quảng bá, tăng cường các gói hỗ trợ tài chính để sớm phục hồi thị trường du lịch nội địa.
Ở Việt Nam, ngành du lịch đã tiến hành xây dựng kế hoạch phục hồi phù hợp với xu hướng thị trường, nhất là tâm lý, hành vi của du khách sau ảnh hưởng dịch COVID-19.
Hội đồng tư vấn Du lịch (TAB) và báo điện tử VnExpress đã tiến hành khảo sát nhu cầu và xu hướng tiêu dùng của khách du lịch Việt Nam nhằm giúp các cơ quan chức năng, doanh nghiệp du lịch nhận định chính xác hơn về thị trường.
Kết quả khảo sát cho thấy trên 41% số người được hỏi đã sẵn sàng đi du lịch ngay từ tháng 9-11 năm nay. Có 20,1% muốn đi du lịch từ tháng 12/2020-1/2021, vào thời điểm giáng sinh, Tết Dương lịch.
Bên cạnh đó là 12,4% số người được hỏi có kế hoạch đi du lịch vào dịp tết Âm lịch, từ tháng 2-4/2021; 18,2% số người được hỏi muốn đi du lịch vào dịp nghỉ Hè (từ tháng 5-9/2021) và chỉ có 8,1% số người cho rằng sẽ đi du lịch muộn hơn. Đa phần người được chọn đi du lịch từ 2-3 ngày, bằng máy bay là chính.
Khảo sát cũng cho thấy xu hướng được nhiều người lựa chọn là đi du lịch cùng gia đình (48,6%).
Có đến 56% số người được hỏi cho rằng điểm đến an toàn là yếu tố chính tác động đến kế hoạch đi du lịch.
Cũng theo kết quả khảo sát, các địa điểm được đông đảo du khách muốn ghé thăm đều là những điểm đến nổi tiếng như Lâm Đồng, Đà Nẵng, Hà Giang, Khánh Hòa, Kiên Giang, Hà Nội…
Các hoạt động được du khách quan tâm là nghỉ dưỡng biển, khám phá ẩm thực, khám phá thiên nhiên, nghỉ dưỡng núi, tìm hiểu văn hóa lịch sử, vui chơi giải trí.
Nắm bắt được tâm lý khách hàng, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) một lần nữa phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa lần thứ 2 với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn.”
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhận định: "Đến lúc này, chúng ta đã có thể chuyển tải đến du khách thông điệp “An toàn rồi - du lịch thôi!”
Chương trình kích cầu du lịch lần thứ 2 được cho là sẽ kéo theo sự khởi sắc của ngành du lịch vào cuối năm 2020.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhấn mạnh chương trình kích cầu lần thứ 2 không chỉ hướng đến khách du lịch nội địa mà còn hướng đến người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, các chuyên gia, nhà đầu tư đến làm việc tại Việt Nam trong thời gian tới.
Chủ động thích ứng để vượt khó khăn
Có thể nói rằng doanh nghiệp du lịch cả nước còn chưa kịp phục hồi sau đợt dịch lần 1 thì lại nhanh chóng phải hứng chịu cú “đấm đồi,” khiến doanh nghiệp vốn đã khó khăn nay càng lao đao hơn.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, khó khăn do dịch COVID-19 đã khiến gần 200 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ 2019. Hàng ngàn lao động bị mất việc làm; nhiều công ty phá sản, đóng cửa. Rất nhiều giải pháp đã được đưa ra để tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch nhưng mấu chốt vẫn phải là sự nỗ lực, chủ động tìm ra hướng đi mới của mỗi doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours, chia sẻ COVID-19 cũng giống như bao khó khăn khác, dù không thể lường trước được nhưng hoàn toàn có thể lựa chọn được cách ứng xử. Thay vì tránh né thì cần đối mặt; luôn chủ động, xây dựng các kịch bản hành động cụ thể.
Theo ông Nguyễn Công Hoan, so với lần trước, lần kích cầu thứ 2 này giá tour không còn là yếu tố quá hấp dẫn, quan trọng là sản phẩm phải mới lạ, độc đáo, mang lại nhiều trải nghiệm khác biệt cho du khách.
Do đó, thay vì tập trung ở tất cả các tuyến, Flamingo Redtours đã lựa chọn các điểm đến an toàn đặc sắc nhất mùa thu như: Tây Bắc mùa tam giác mạch, Tây Nguyên mùa hoa dã quỳ, Miền Tây mùa nước nổi cùng với dòng sản phẩm chuyên biệt, phù hợp với từng đối tượng khách hàng... Flamingo Redtours hy vọng sẽ đón đầu thị trường trong mùa du lịch mới.
Bà Nguyễn Hoài Thu, Phó Giám đốc Văn phòng Hà Nội, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, cho biết đơn vị không quá băn khoăn về giá mà cố gắng phục vụ khách trở lại ở mức tốt nhất. Bởi lẽ, chính du khách sẽ là người truyền thông tốt nhất cho du lịch Việt để dịch vụ phát triển trở lại vào cuối năm. Khách an tâm đi du lịch đã là một thắng lợi, tạo niềm tin cho doanh nghiệp du lịch nhanh chóng phục hồi.
Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội đã hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch nội địa ngay từ tháng 3/2020.
Ngay từ tháng 4/2020, câu lạc bộ này đã phối hợp với Quảng Bình, Đà Nẵng, Hà Nội khảo sát nhu cầu du khách, phối hợp xây dựng sản phẩm hấp dẫn, đặc biệt là làm mới sảm phẩm du lịch tàu hỏa.
Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng cho rằng đợt kích cầu lần 2 này chọn thông điệp an toàn, hấp dẫn là rất phù hợp.
Ông cho rằng doanh nghiệp không nên tăng giá, giảm giá dịp cuối tuần mà nên giảm giá giữa tuần, phục vụ khách hàng thu nhập thấp. Lần này, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội phục hồi sản phẩm đi chung xe, giới thiệu điểm đến cho du khách vào thời gian thấp điểm…
Hiện nay, Đà Nẵng, tâm điểm dịch COVID-19 đợt 2, đời sống xã hội đã trở lại bình thường, bệnh nhân cuối cùng đã xuất viện. Đà Nẵng đang tiến hành các bước đi cần thiết để phục hồi du lịch tạị thành phố biển xinh đẹp này.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình cho biết thời gian tới, Đà Nẵng phát động cuộc thi "Nhớ Đà Nẵng" với mong muốn du khách tới đây trước khi có dịch, hay mắc kẹt tại đây, chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ.
Tới thời điểm này, Đà Nẵng tập trung cho ra mắt sản phẩm mới, chiến dịch phát triển sản phẩm dài hạn. Với thị trường nội địa, Đà Nẵng hướng tới du lịch thể thao, sinh thái, khám phá tự nhiên... dành cho nhóm khách nhỏ...
Thay đổi tư duy để phát triển
Báo cáo của ngành du lịch thế giới cho thấy hết quý 1/2020, doanh thu từ du lịch giảm 22%, sang quý 2 toàn thế giới giảm 87%. Tốc độ giảm rất nhanh gây thiệt hại 440 tỷ USD.
Tổ chức Du lịch thế giới dự báo nếu dịch tiếp tục năm nay doanh thu toàn ngành sẽ giảm 1.000 tỷ USD, và giảm 1 tỷ khách du lịch.
|
Phố cổ Hội An. (Nguồn: TTXVN) |
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết khi dịch COVID-19 xuất hiện, không ai lường trước được diễn biến phức tạp, kéo dài và ảnh hưởng lớn như hiện tại. Du lịch nội địa luôn luôn là “cứu cánh” cho du lịch Việt Nam sau các đợt khủng hoảng thông qua hàng loạt biện pháp kích cầu phù hợp.
Với ảnh hưởng dịch COVID-19, lần kích cầu trước, ngành du lịch đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp thu hút du khách và đã thành công. Nhưng sang lần này, cần có giải pháp tốt hơn để giải quyết ảnh hưởng, sống chung với dịch...
Theo ông Vũ Thế Bình, đợt kích cầu lần thứ 2, giá không thể thấp hơn nữa, do đó, doanh nghiệp nên tập trung vào nâng cao chất lượng dịch vụ. Du khách phải được phục vụ tốt, sản phẩm mới nhất hoặc được làm lại... Dù có thể lượng khách không đông ào ạt trở lại ngay nhưng vẫn phải nỗ lực làm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nên nghĩ cách khác để đối phó với dịch bệnh.
Ở giai đoạn 2 này, doanh nghiệp đã cực kỳ khó khăn, thế nên nếu chỉ dùng giải pháp thông thường như giảm giá, yêu cầu hỗ trợ thì không còn phù hợp. Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) khuyến khích chuyển đổi du lịch, tư duy, tiếp cận khách hàng theo cách mới.
Do đó, ông Vũ Thế Bình cho rằng: Doanh nghiệp cần tích cực, chủ động tìm hiểu hệ thống tự động, trí tuệ nhân tạo, tiếp cận công nghệ mới, chuyển đổi số để khắc phục nhanh hậu quả dịch bệnh. Các doanh nghiệp cần xác định dù dịch bệnh có tái phát cũng không bất ngờ và có kinh nghiệm để đối phó ngay.
Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cũng cần cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp du lịch bằng việc giảm phí tham quan, vé, lệ phí hoạt động để doanh nghiệp, dù mức hỗ trợ rất thấp để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Các địa phương cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp bồi dưỡng, đào tạo nhân lực.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu chia sẻ đợt kích cầu du lịch nội địa lần đầu tiên, Tổng cục Du lịch đánh giá cao sự chủ động của các địa phương trong việc cho ra đời các sản phẩm du lịch hấp dẫn như: khám phá nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) về đêm; khám phá đêm Hà Nội; tour lên Yên Bái, Lào Cai ngắm ruộng bậc thang, hoa tam giác mạch... Vietravel có chương trình “Du lịch an toàn, an toàn đi du lịch.” Quảng Ninh hỗ trợ các doanh nghiệp hàng trăm tỷ đồng để xây dựng các sản phẩm kích cầu...
Đợt kích cầu lần 2 này, Tổng cục Du lịch cũng mong muốn các địa phương tiếp tục chủ động liên kết, sáng tạo để xây dựng gói kích cầu, chương trình du lịch hấp dẫn, linh hoạt, tạo sự an tâm, tự tin cho du khách.
Thanh Giang (TTXVN/Vietnam+)