Ngày 5-4, nguồn tin riêng phóng viên Báo Người Lao Động cho hay vợ chồng "đại gia" Đinh Ngọc Long và bà Trần Thị Hiền (trú tại khối 4, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) trước khi tuyên bố vỡ nợ đã kịp thời tẩu tán nhiều tài sản.
Theo đó, từ ngày 14 đến ngày 21-2-2023, đã có 13 người đứng đơn khởi kiện vợ chồng ông Long, bà Hiền đòi đôi vợ chồng này trả tiền tổng số tiền gần 28 tỉ đồng. Trong đó, người thấp nhất là 60 triệu đồng, người nhiều nhất là gần 8 tỉ đồng.
Một căn nhà của vợ chồng "đại gia" Long và vợ |
Ngoài những người đã đứng đơn khởi kiện, còn nhiều người khác tại huyện Đăk Tô, TP Kon Tum cũng cho vợ chồng ông Long, bà Hiền vay hàng chục tỉ đồng khác nhưng chưa làm đơn tố cáo, khởi kiện đòi tiền.
Đáng chú ý, ngay thời điểm trước khi các chủ nợ khởi kiện đòi tiền, ngày 14-2, vợ chồng ông Long, bà Hiền đã kịp thời sang nhượng 2 thửa đất tại đường Nguyễn Văn Cừ (thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô) cho vợ chồng người em trai ông Long là ông Đ.N.H và bà N.T.D.
Có 2 thửa đất khác tổng diện tích gần 300m2 và căn nhà diện tích 200m2 tại đường Hùng Vương, thị trấn Đăk Tô đã được vợ chồng "đại gia" này thế chấp vay tiền tại một ngân hàng có chi nhánh tại huyện Đăk Tô.
Ngoài ra, vợ chồng "đại gia" này còn 2 thửa đất chưa kịp tẩu tán đã bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ, quy định tại Điều 126, Bộ Luật tố tụng Dân sự.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, vợ chồng ông Long, bà Hiền vay số tiền hàng chục tỉ đồng của nhiều người. Đến tháng 2-2023, vợ chồng "đại gia" này tuyên bố vỡ nợ khiến nhiều chủ nợ lo lắng khi khoản tiền cho vay có khả năng mất trắng.
Theo các chủ nợ, nhiều người dân tại huyện Đăk Tô luôn nghĩ vợ chồng ông Long là "đại gia" khi làm nghề buôn bán đồ gỗ mỹ nghệ, hay đi chùa, làm từ thiện; khi vay tiền của người khác thì luôn trả đúng hẹn, lãi suất sòng phẳng. Từ đó, nhiều người đã thế chấp nhà cửa, vay mượn tiền để cho vợ chồng ông Long vay mượn lại, hưởng lãi suất chênh lệch.